Nghề chọn người, người yêu nghề
Có người nói với tôi rằng: "Nghề chọn người chứ người không chọn nghề". Ngẫm lại, tôi thấy nó thật đúng với bản thân mình.
Đã năm năm trôi qua kể từ ngày tôi chính thức được tuyển dụng vào làm việc tại ngành kiểm sát và được phân công công tác tại VKSND huyện Lương Tài. Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào ngành với biết bao tâm trạng, tôi lại thấy lòng mình xốn xang khó tả.
Có người nói với tôi rằng: “Nghề chọn người chứ người không chọn nghề”. Nhiều lúc ngẫm lại tôi thấy nó thật đúng với bản thân mình. Đôi lúc ngồi “ôn cố tri tân”, nhớ lại ngày còn đi học, tôi ấp ủ trong mình bao ước mơ hoài bão được làm nhà văn, nhà báo hay hơn cả là khao khát đến cháy bỏng thi đỗ vào trường Luật để sau này ra trường theo đuổi ước mơ làm Luật sư, làm “Thầy cãi” cho người nghèo, dù có không nhận được đồng tiền công nào đi chăng nữa.
Trở lại những năm 97 – 98 của thập kỷ trước, đối với thế hệ 8x như chúng tôi, ngành luật thời đó có một sức hút đáng kể đối với những người trẻ không chỉ bởi cơ hội tìm việc làm thuận lợi, thu nhập tương đối mà còn bởi loạt phim truyền hình ăn khách thời bấy giờ.
Hồi đó, tôi cũng như bao bạn nhỏ khác rất thích xem bộ phim “Tứ tử trình làng” trình chiếu ngày chủ nhật. Chuyện phim kể về nhóm bạn trẻ là sinh viên trường Luật bằng sự thông minh, hóm hỉnh và tư duy nhạy bén đã phá biết bao vụ án một cách tài tình… Những hình ảnh phim về Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hay Luật sư trong trang phục chỉnh tề, uy nghiêm, với phong thái đĩnh đạc, tự tin và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm đã nuôi dưỡng ước mơ của biết bao bạn nhỏ, trong đó có cô nhóc như tôi.
Kiểm tra viên Phùng Lan Anh, VKSND huyện Lương Tài
Sau này khi đã thi đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội, trong những buổi thảo luận hay diễn án của sinh viên, kí ức ngày nào lại trở về nhen nhóm trong tôi ước mơ một ngày trở thành nữ Luật sư tranh tụng cho những người dân nghèo khổ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi xin vào làm việc cho một văn phòng Luật sư có trụ sở gần VKSND tỉnh Bắc Ninh.
Một lần tình cờ, tôi biết được thông tin ngành kiểm sát tuyển dụng công chức, tôi và một bạn cùng Văn phòng nộp hồ sơ dự tuyển với mục đích ban đầu là thử sức và kiểm tra lại trình độ năng lực của bản thân. Nhưng quá bất ngờ, chúng tôi cùng trúng tuyển. Tôi được phân công về công tác tại VKSND huyện Lương Tài, còn em về nhận công tác tại đơn vị VKSND huyện Quế Võ. Vậy là từ đó, trong những câu chuyện hàng ngày của chị em tôi còn có thêm những trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công việc, cách thức nghiên cứu hồ sơ sao cho hiệu quả, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong công việc. Bởi “nhân vô thập toàn”, mỗi người trong chúng tôi đều phải tìm cách tự hoàn thiện mình để thích ứng với cuộc sống và công việc mới.
Tôi nhớ lần đầu tiên được khoác trên mình chiếc áo màu thiên thanh, đeo “lon trung úy” với bộ quần áo thùng thình như ôm trọn thân hình nhỏ bé của tôi. Cùng với niềm tự hào mỗi khi mặc trên người bộ quần áo đó, bản thân tôi cảm nhận được phần nào trọng trách của bản thân, của cán bộ ngành kiểm sát phải “nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân” phát huy hơn nữa truyền thồng vẻ vang của ngành.
Thời gian làm việc trong môi trường kiểm sát, được Lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện phân công giúp việc bộ phận hình sự, được sống trong một tập thể đoàn kết, tương trợ nhau như anh em một nhà của anh, chị, em trong đơn vị, bản thân tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của đồng nghiệp nhiều thế hệ. Biết bao hồ sơ, bao câu chuyện, mảnh đời, số phận tôi đã được chứng kiến, được nghe kể lại. Tôi nhận ra rằng, bị can, bị cáo không hẳn là người xấu, người khó cải tạo. Đôi khi họ chỉ là những người lao động nghèo, chất phác, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí là cả những khi tình yêu thương của họ bị đặt nhầm chỗ.
Hình ảnh những cô cậu tuổi vị thanh niên, gương mặt ngây thơ, khờ dại nghe lời bạn xấu rủ rê phạm tội cứ ám ảnh tôi mãi. Làm thế nào để sau những bản án, là sự hối cải, sự hoàn lương thật sự để sau khi trả án trở về, họ sống cuộc sống có ích hơn, cứ đau đáu mãi trong tôi.
Có những phiên xử, ngồi bên dưới, tôi chứng kiến sự xót xa của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên và cả những người dự phiên tòa phía dưới. Tội phạm thì phải bị trừng phạt nhưng đằng sau mỗi bản án là ánh mắt của những đứa trẻ vô tội, của cha mẹ già, thậm chí là giọt nước mắt của chính những người cầm cân nảy mực. Thế mới biết, đâu phải chốn pháp đình là nơi chỉ tồn tại sự uy nghiêm, nơi lý trí đặt lên trên tất cả. Mà đâu đó tình người, tính nhân văn vẫn len lỏi ấm áp trong mỗi chúng ta.
Nhiều lúc đọc những bài báo về những vụ án oan sai nổi tiếng trong đó có cả trách nhiệm của cán bộ kiểm sát, thâm tâm tôi không tránh khỏi lo lắng. Tôi sợ bản thân không đủ mạnh mẽ, sợ nghiệp vụ mình còn non yếu, sợ nhiều khi “niềm tin nội tâm” che mờ lý trí, sợ bản lĩnh chưa thật vững vàng…, nhưng xung quanh tôi còn có các anh, các chị, các cô, các chú, các bác, những bậc tiền bối đi trước… họ chính là những tấm gương về nghị lực sống, về bản lĩnh nghề, họ sẵn sàng “sinh nghề, tử nghiệp” là điểm tựa để tôi thêm mạnh dạn, tự tin vững bước trên con đường mình đã chọn.
Thời gian trôi qua, tôi dần trưởng thành hơn trong cách nghĩ. Tôi tin vào con đường mình đã chọn, và sẽ dũng cảm đi tiếp đến cuối chặng đường, dẫu biết rằng còn nhiều lắm những khó khăn, thử thách đang chờ đợi mình phía trước.
Phùng Lan Anh
VKSND huyện Lương Tài, Bắc Ninh
Các bài liên quan>>>
“Chồng em làm nghề Kiểm sát”
Cái buổi ban đầu… là Kiểm sát viên
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.