Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

22/08/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội danh được áp dụng tương đối phổ biến trong nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn có những nhầm lẫn khi định tội đối với các hành vi tương tự hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kiểm sát viên cần lưu ý các đặc điểm trong cấu thành tội phạm của tội danh này.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa là tội danh được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên của nước ta (BLHS năm 1985). Mặc dù đã được sửa đổi, hoàn thiện nhiều lần để cá biệt hóa tội danh này, tránh nhầm lẫn với các hành vi tương tự, thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định. Do đó, khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lưu ý các đặc điểm trong cấu thành tội phạm của tội danh này.

1. Vướng mắc khi giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ nhất, về xác định giá trị tài sản chiếm đoạt. Đây là một trong những vấn đề quan trọng khi xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì giá trị tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa trong việc định tội và định khung hình phạt. Trong thực tiễn, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội đưa ra thông tin, nội dung… sai sự thật để bị hại tin tưởng giao tài sản thì việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự tương đối đơn giản. Thông qua kết quả định giá tài sản hoặc giám định, kiểm đếm tài sản là tiền, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để xử lý hành vi của người phạm tội. Tuy nhiên, đối với trường hợp người phạm tội muốn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bị hại thông qua việc trao đổi vật chất với nhau thì việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt vẫn còn tồn tại các quan điểm khác nhau. Ví dụ: Nguyễn Văn A vì muốn chiếm đoạt tài sản nên đóng giả làm người giao trứng. A đem 50 quả trứng bỏ vào các hộp, đến các nhà để giao hàng với thông tin là người nhà đặt trứng gà với giá 1 triệu đồng. Nhiều người cả tin cho rằng người thân đã đặt số hàng trên nên đã trả tiền, lấy hàng. Đối với những người từ chối nhận hàng, A liền xin lỗi vì giao nhầm địa chỉ. Với thủ đoạn trên, A đã giao được 12 hộp trứng gà, thu về 12 triệu đồng. Sau khi phát hiện sự việc, một số bị hại đã làm đơn trình báo, yêu cầu xử lý hành vi của A. Đối với vấn đề về xác định giá trị tài sản chiếm đoạt để xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn A có hai quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất xác định: Số tiền A thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt được là 12 triệu đồng, tức là số tiền A nhận từ các bị hại.

Quan điểm thứ hai xác định: Để làm rõ số tiền A chiếm đoạt cần phải yêu cầu định giá số trứng A đã giao cho các bị hại, sau đó khấu trừ số tiền đó trong 12 triệu đồng. Bởi thực tế A đã giao lại tài sản cho các bị hại, một số bị hại đã sử dụng số trứng đó cho mục đích sinh hoạt hàng ngày.

Việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp trên hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, đặc biệt đối với những trường hợp xác định giá trị tài sản trong khoảng trên dưới 02 triệu đồng để xác định có đủ để cấu thành tội phạm hay không khiến các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn lúng túng. Theo tác giả, trong trường hợp này có thể áp dụng tinh thần Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 để xác định giá trị tài sản chiếm đoạt. Theo đó, tại điểm 2 Mục II Thông tư liên tịch này quy định: … “2. Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”. Theo đó, khi xác định giá trị tài sản mà người thực hiện hành vi chiếm đoạt thực hiện, cần khấu trừ số giá trị mà họ đã đem “trao đổi” cho bị hại.

Thứ hai, xác định thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ trong trường hợp sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông… để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền điều tra.

Khoản 4 Điều 163 BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ của Cơ quan điều tra như sau: “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”. Đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thẩm quyền theo lãnh thổ được xác định là “địa bàn do mình quản lý” theo quy định tại Điều 164 BLTTHS năm 2015.

Thực tiễn giải quyết các vụ việc, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phương tiện mạng máy tính, mạng viễn thông…đã phát sinh các quan điểm xác định về thẩm quyền giải quyết khác nhau. Cụ thể: Đối với các vụ việc bị hại tố giác về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi các đối tượng sử dụng chiêu thức giả danh cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án để gọi điện yêu cầu chuyển tiền; lập facebook, zalo “ảo” để yêu cầu bị hại chuyển tiền… thì thông thường, Cơ quan điều tra nơi bị hại cư trú sẽ tiếp nhận và giải quyết.

Ví dụ: Trần Thị H (có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đ, tỉnh Q), sau khi nhận được điện thoại của một người xưng là cán bộ Công an, cần phong tỏa tài khoản để phục vụ việc điều tra về hoạt động rửa tiền, đã đến cây ATM đặt trước trụ sở ngân hàng tại thành phố Đ, tỉnh Q chuyển tiền qua số tài khoản đã cho trước với số tiền 200 triệu đồng. Sau khi phát hiện bị lừa, H trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đ, tỉnh Q. Quá trình xác minh tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đ xác định Trần Văn T là đối tượng đã thực hiện hành vi gọi điện lừa tiền chị H. T hiện sinh sống tại quận C, thành phố H. Khi thực hiện việc gọi điện thoại, H đang ở quận L, thành phố H. Vì vậy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Đ thụ lý giải quyết vẫn còn nhiều quan điểm, nơi xảy ra tội phạm là ở đâu vẫn còn chưa thống nhất, đồng thời bản thân bị hại không biết rõ nơi cư trú của người mình đã chuyển tiền. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về thẩm quyền điều tra thì nơi cư trú của bị hại không phải là một trong những căn cứ để xác định thẩm quyền điều tra. Do đó, đối với trường hợp trên, để có cơ sở pháp lý và áp dụng pháp luật thống nhất cần có hướng dẫn cụ thể.

2. Những vấn đề cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

- Xác định rõ thủ đoạn gian dối có trước hay hành vi chiếm đoạt có trước: Về mặt lý luận, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là chiếm đoạt. Hành vi gian dối của người phạm tội được xem là thủ đoạn trong cấu thành tội danh này, không phải hành vi khách quan. Về trình tự thời gian, thủ đoạn gian dối phải có trước hành vi chiếm đoạt, nếu ngược lại, người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp nhưng sau đó mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp để có thể định tội hành vi này. Trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, việc xác định vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào ý thức chủ quan của người phạm tội. Ví dụ: Vì cần tiền để đánh bạc, Nguyễn Văn A nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, lợi dụng Trần Văn B là người cả tin, A đã mượn xe B để đem bán, sau đó báo cho B là đã làm mất xe nhưng không có tiền đền bù. Cũng trường hợp này, nhưng nếu Nguyễn Văn A vì cần sử dụng xe nên đã mượn xe của Trần Văn B (xe trị giá 15 triệu đồng). Sau khi sử dụng, A nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe trên nên mang đi bán để lấy tiền đánh bạc rồi báo với B xe bị kẻ gian lấy mất thì hành vi này lại thuộc hành vi khách quan của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên cần làm rõ vấn đề này, tránh việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhầm tội danh.

- Người phạm tội thông qua thủ đoạn gian dối chiếm đoạt được tài sản chứ không cần thực hiện thêm hành vi khách quan nào khác trong nhóm tội xâm phạm sở hữu: Kiểm sát viên cần xác định rõ hành vi chiếm đoạt trong Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội thông qua thủ đoạn gian dối để bị hại tự nguyện giao tài sản hoặc nhận tài sản cho người phạm tội và tin rằng việc giao tài sản trên là hợp pháp. Từ việc nhận được tài sản đó, người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc giá trị của tài sản. Trường hợp bị hại không tự nguyện giao tài sản và người phạm tội phải thực hiện thêm các hành vi khác để chiếm đoạt thì không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với tội danh này cần làm rõ thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản nhằm tránh nhầm lẫn về tội danh. Ví dụ: Ngày 15/10/2021, vì có ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của M nên N (sinh năm 1997, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự) giả vờ mượn điện thoại của M để gọi nhờ. M tin tưởng nên giao điện thoại cho N, sau đó đứng đợi. Sau khi nhận điện thoại từ tay M, N nhanh chóng giật lấy điện thoại và bỏ chạy. Chiếc điện thoại trị giá 5,3 triệu đồng. Trong thực tiễn đã có trường hợp xác định hành vi trên thuộc tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi tố; Căn cứ việc người phạm tội đã có hành vi gian dối là giả vờ mượn điện thoại sau đó bỏ chạy để chiếm đoạt. Tuy nhiên, N thực tế đã có hành vi gian dối là giả vờ mượn điện thoại với ý định chiếm đoạt, việc M cho N mượn điện thoại nhưng vẫn đợi để lấy lại thể hiện M không có ý chí giao tài sản cho N chiếm hữu. Mặt khác, để chiếm đoạt được chiếc điện thoại trên, N phải giật lấy và bỏ chạy. Như vậy, hành vi của N đủ yếu tố cấu thành Tội cướp giật tài sản.

- Xác định rõ đối tượng bị chiếm đoạt có thuộc trường hợp đặc biệt để cấu thành các tội danh khác hay không?: Theo quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015), một số trường hợp với các đối tượng bị chiếm đoạt mang tính đặc biệt, thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội ở mức cao hơn so với các đối tượng thông thường thì người phạm tội khi có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt, các đối tượng này sẽ không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cấu thành các tội danh khác, cụ thể: Trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà có hành vi gian dối như cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác là hành vi khách quan của Tội lừa dối khách hàng (Điều 198); hành vi gian dối về chất lượng hàng hóa thông qua việc sản xuất, buôn bán hàng giả tùy từng trường hợp sẽ cấu thành Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194) hoặc Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195); hành vi lừa dối chiếm đoạt chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy là hành vi khách quan của Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252) hoặc Tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253); hành vi lừa đảo chiếm đoạt đối tượng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ tùy từng trường hợp là hành vi khách quan được mô tả tại Điều 304, 305 hoặc 306 với các tội danh: Tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội chiếm đoạt vật liệu nổ; Tội chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ; hành vi gian dối trong lĩnh vực bảo hiểm tùy từng dạng hành vi sẽ cấu thành hành vi khách quan trong Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội (Điều 214) hoặc Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215).

Như vậy, trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, Kiểm sát viên bên cạnh việc chú ý đến thủ đoạn gian dối của người phạm tội, cần xác định rõ đối tượng chiếm đoạt mà người phạm tội thực hiện để xác định chính xác tội danh, tránh nhầm lẫn trong định tội nếu đối tượng thuộc các trường hợp đặc biệt nêu trên.

- Xác định rõ phương thức gian dối mà người phạm tội thực hiện, cần đặc biệt lưu ý trường hợp người phạm tội sử dụng mạng xã hội hoặc phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Những năm gần đây, do tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phương thức lợi dụng không gian mạng có chiều hướng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Đối với các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, hiện nay vẫn có sự thiếu thống nhất trong việc xác định giữa Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS năm 2015).

Trong thực tiễn, việc thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện phổ biến dưới các dạng hành vi sau:

Giả danh cán bộ Công an, cán bộ Kiểm sát gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có liên quan đến vụ buôn lậu, rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy… và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phong tỏa, phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt. 

Trường hợp khá phổ biến là tạo tài khoản mạng xã hội facebook đứng tên người có quốc tịch các nước phát triển như Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp… có công việc tốt, có tiền, có vẻ ngoài ưa nhìn… để làm quen với bị hại. Sau một thời gian thì thông báo gửi quà tặng hoặc quà đính hôn và giả danh nhân viên hải quan, bưu điện thông báo, yêu cầu bị hại chuyển các khoản phí như phí gửi hàng, phí quy đổi ngoại tệ thuế, phí hải quan… rồi chiếm đoạt tiền. Hoặc một dạng hành vi khác là lợi dụng việc bán hàng livestream, các khách hàng cung cấp thông tin, người phạm tội liên hệ trước, giả danh là bên bán hàng yêu cầu chuyển khoản để gửi hàng.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng tài khoản facebook “ảo” liên hệ với các bị hại đang thực hiện hoạt động kinh doanh đặt mua hàng hoá, sau đó gửi link, yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP gửi đến điện thoại và chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại, chuyển tất cả tiền trong tài khoản này sang tài khoản khác để chiếm đoạt...

Như vậy, các dạng hành vi trên đều sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông để đưa ra thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại, tuy nhiên không phải hành vi nào cũng cấu thành tội danh quy định tại Điều 290 BLHS năm 2015. Thực tiễn vẫn có quan điểm xác định rằng nếu việc lừa đảo có sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để thông qua đó chiếm đoạt tài sản đều là hành vi cấu thành Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là quan điểm không chính xác, gây nhầm lẫn trong việc định tội. Bởi theo Điều 290 BLHS năm 2015, có 05 dạng hành vi cấu thành tội danh này như sau: (1) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân  để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; (2) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; (3) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; (4) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; (5) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Do đó, đối với các trường hợp lừa đảo bằng cách thông qua phương tiện là mạng internet hoặc mạng viễn thông như gọi điện giả danh, sử dụng facebook giả… để yêu cầu bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt vẫn phải định tội theo Điều 174 BLHS năm 2015 là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang