Một số điều cần lưu ý khi kiểm sát việc thi hành quyết định thi hành án phạt tù

09/08/2017 05:01

(kiemsat.vn)
Ngay sau khi có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành quyết định thi hành án phạt tù của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Kiểm sát việc thực hiện nhiệm vụ thi hành quyết định thi hành án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền

Hoạt động kiểm sát thi hành án phạt tù là nhiệm vụ thường xuyên nên khi tiến hành kiểm sát việc thi hành án phạt tù, Kiểm sát viên phải theo dõi và kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (ngay khi chưa có hiệu lực pháp luật) để kịp thời kiểm sát việc ra quyết định thi hành án và việc tổ chức thi hành án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền. Các văn bản quy phạm pháp luật không quy định cơ quan Thi hành án hình sự phải thông báo kết quả thi hành án cho Viện kiểm sát và việc gửi quyết định thi hành án kèm theo biên bản tống đạt. Do vậy, Kiểm sát viên cần chủ động kiểm sát việc thi hành án hình sự của Tòa án và Cơ quan Thi hành án hình sự cùng cấp theo quy định của pháp luật trên cơ sở phối hợp hoặc Kiểm sát viên tự kiểm tra để xác minh xem bị án đã chấp hành án hay chưa.

Kiểm sát việc tống đạt quyết định thi hành án phạt tù

Kiểm sát việc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện hoặc trại tạm giam cấp quân khu, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện việc tống đạt quyết định thi hành án phạt tù cho người bị kết án đang bị tạm giam và bảo đảm thời hạn quy định tại khoản 1, 2 Điều 22 Luật thi hành án hình sự (THAHS)

Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực thi hành án phạt tù, Kiểm sát viên yêu cầu trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện hoặc trại tạm giam cấp quân khu, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng cung cấp biên bản tống đạt quyết định thi hành án để kiểm tra ngày, tháng tống đạt. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Nếu phát hiện việc tống đạt quyết định thi hành án phạt tù cho người bị kết án đang bị tạm giam chưa thực hiện hoặc không đúng thời hạn quy định thì Kiểm sát viên phải báo cáo Lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tống đạt hoặc tổng hợp kiến nghị chấm dứt vi phạm nếu việc tống đạt quyết định thi hành án chậm thường xảy ra.

Kiểm sát thủ tục đưa người bị kết án đi chấp hành án

Kiểm sát việc lập danh sách báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án có đảm bảo về thời hạn và thủ tục xét lập danh sách đề nghị đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 22 Luật THAHS và Công văn số 1429-HD/C81-C83 ngày 09/7/2014 của Tổng cục VIII Bộ Công an hướng dẫn về thủ tục đưa phạm nhân đi chấp hành án

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần nắm chắc số người bị kết án phạt tù đã có quyết định thi hành án để yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cung cấp danh sách người chấp hành án phạt tù báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để kiểm tra.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu hoặc Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

Nếu phát hiện việc lập danh sách, báo cáo đề nghị đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án chậm thì Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền lập danh sách và báo cáo đề nghị đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án ngay hoặc tổng hợp kiến nghị khắc phục vi phạm.

Kiểm sát việc đề nghị để người bị kết án phạt tù phục vụ việc tạm giữ, tạm giam có đúng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 171; khoản 2 Điều 172 Luật THAHS

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ yêu cầu quản lý người bị tạm giam, tạm giữ để quyết định đưa người chấp hành án phạt tù có thời hạn từ 5 năm trở xuống không phải là người chưa thành niên, người nước ngoài, người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc nghiện ma tuý để phục vụ việc tạm giam, tạm giữ. Số lượng người chấp hành án phạt tù phục vụ việc tạm giam, tạm giữ được tính theo tỷ lệ trên tổng số người bị tạm giam, tạm giữ nhưng tối đa không vượt quá 15%.

Kiểm sát viên yêu cầu cung cấp và kiểm tra hồ sơ, danh sách phạm nhân được cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, cấp quân khu hoặc Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề nghị để lại phục vụ việc tạm giữ, tạm giam. Nếu phát hiện việc lập danh sách đề nghị phạm nhân để phục vụ việc tạm giữ, tạm giam không đúng đối tượng thì báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị yêu cầu điều chuyển phạm nhân đó đi chấp hành án tại trại giam và chấm dứt vi phạm.

Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị kết án trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù

Chế độ của người chấp hành án phạt tù (phạm nhân) khác với chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam. Chế độ đối với người bị kết án trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù giống như chế độ của phạm nhân. Vì vậy, khi tiến hành trực tiếp kiểm sát tại trại tạm giam, Kiểm sát viên phải kiểm tra mọi chế độ ăn, ở, học tập, lao động, học nghề… có bảo đảm thực hiện chế độ theo đúng quy định của pháp luật không? Kiểm sát viên phải áp dụng các nội dung, phương thức và kỹ năng kiểm sát việc quản lý, giáo dục và thực hiện chế độ đối với phạm nhân để thực hiện kiểm sát.

Kiểm sát việc tổ chức áp giải đối với người bị kết án phạt tù tại ngoại không tự nguyện chấp hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 15, khoản 4 Điều 22 Luật THAHS

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện hoặc cơ quan Thi hành án hình sự thuộc cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Để kiểm sát việc tổ chức áp giải đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, Kiểm sát viên cần phải nắm chắc số lượng người bị kết án phạt tù đã có quyết định thi hành án, trực tiếp kiểm tra hoặc yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an huyện, cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án báo cáo việc người bị kết án phạt tù đã tự nguyện đến trình diện trong 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án.

Trường hợp có đủ căn cứ xác định người bị kết án phạt tù bỏ trốn thì cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an các cấp phải thực hiện trình tự, thủ tục về truy nã theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Luật THAHS và Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, đã hết thời hạn để người chấp hành án tự nguyện đi chấp hành án mà họ chưa đi chấp hành án. Nếu khi áp giải người bị kết án phạt tù đi chấp hành án, họ trình bày chưa nhận được quyết định thi hành án thì phải xác minh lời trình bày của họ đúng hay sai. Nếu đúng thì yêu cầu Tòa án gửi ngay quyết định thi hành án cho họ để thi hành. Nếu sai thì yêu cầu cơ quan áp giải thực hiện việc áp giải. Nếu người bị kết án phạt tù bị bệnh nhưng không đủ căn cứ để hoãn thì phải tổ chức thi hành án.

Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải có trách nhiệm theo dõi việc thi hành án nên phải yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự áp giải nếu người thi hành án phạt tù không tự nguyện chấp hành án. Nếu Tòa án không yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự thực hiện áp giải thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự áp giải.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu áp giải, cơ quan Thi hành án hình sự phải ra quyết định áp giải và thực hiện việc áp giải. Việc áp giải được thực hiện theo Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA ngày 10/9/2008 của Bộ Công an quy định về trình tự bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Khi có đủ căn cứ xác định người chấp hành án phạt tù bỏ trốn khỏi địa phương do các cơ quan có thẩm quyền thông báo, Tòa án có trách nhiệm yêu cầu truy nã kịp thời. Ngay sau khi nhận được yêu cầu truy nã, cơ quan Thi hành án hình sự cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã và tổ chức lực lượng truy nã. Việc kiểm sát việc ra quyết định truy nã và tổ chức truy nã thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu Tòa án không yêu cầu truy nã  thì Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án ra văn bản yêu cầu truy nã hoặc Viện kiểm sát trực tiếp yêu cầu cơ quan Thi hành án hình sự cấp tỉnh truy nã thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị đối với Tòa án về việc này.

Thực tế hiện nay còn xảy ra việc trại tạm giam trực tiếp tiếp nhận người bị kết án phạt tù đang tại ngoại tự nguyện đến chấp hành án. Như vậy là vi phạm khoản 1 Điều 21 Luật THAHS, vì đối với người bị kết án tại ngoại, trong quyết định thi hành án đã ghi rõ người bị kết án phải có mặt tại cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện nơi người bị kết án cư trú để chấp hành án. Trường hợp này, trại tạm giam cần hướng dẫn người bị kết án đến cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện nơi họ cư trú để làm thủ tục thi hành án. Cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện sau khi lập hồ sơ, đưa người bị kết án đến trại tạm giam để trại tạm giam thực hiện việc giữ theo quy định vì nhà tạm giữ không có buồng giam giữ người chờ chấp hành án. Khi phát hiện việc trại tạm giam tiếp nhận người bị kết án phạt tù đang tại ngoại tự nguyện đến chấp hành án, Kiểm sát viên phải báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị yêu cầu chấm dứt vi phạm.

Bên cạnh những nội dụng nêu trên, vẫn còn vấn đề cần lưu ý ở đây là trong thực tế có những cách hiểu khác nhau về quy định của điểm 3 khoản 1 Điều 15 và khoản 4 Điều 22 Luật THAHS về việc áp giải; cho nên, cần phải hiểu rằng điểm 3 khoản 1 Điều 15 Luật THAHS quy định thẩm quyền ra quyết định áp giải thi hành án đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại là của cơ quan Thi hành án hình sự thuộc Công an cấp huyện, còn khoản 4 Điều 22 Luật THAHS quy định Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc cơ quan Thi hành án hình sự thực hiện áp giải thi hành án.

Mỗi Kiểm sát viên khi nắm chắc các quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù và xác lập được kỹ năng kiểm sát thi hành quyết định thi hành án phạt tù sẽ góp phần bảo đảm mọi người bị kết án phạt tù đều phải thi hành án, tránh tình trạng bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành nhưng người bị kết án vẫn ở ngoài vòng pháp luật, gây mất lòng tin đối với nhân dân./.

Lê Thanh Bình

VKSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

Tạp chí Kiểm sát số 10/2017

Từ chối đến Tòa làm chứng được không? 

Tôi vô tình chứng kiến hai người hàng xóm chém nhau và đã ký tên vào biên bản lời khai của cơ quan công an. Mới đây, tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án mời lên tòa làm chứng. Gia đình tôi không đồng ý cho tôi đến tòa làm chứng vì sợ trả thù. Tôi có thể từ chối việc làm chứng này được không?

Lương ngành Toà án giống lương hành chính là không hợp lý

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đối với ngành Tòa án mà chính sách tiền lương áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý (trừ Chánh án TAND tối cao). Do đó cần có chính sách lương thích hợp với ngành này, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Toà.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang