Một số điểm mới về “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

03/10/2016 12:45

Một trong những nội dung quan trọng được thay đổi cơ bản là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, nhằm đưa BLTTHS thật sự là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm. Trong phạm vi bài viết, xin trao đổi về một số điểm mới đối với trường hợp“Giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi họ đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”

Theo quy định của BLTTHS năm 2003, bắt người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn độc lập và căn cứ bắt được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 81, trong đó tại điểm a khoản 1 quy định: “Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Điều 17 BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng quy định người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” nếu người đó chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này nhằm mục đích ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội trong trường hợp có đủ cơ sở để khẳng định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên cần bắt ngay, để ngăn chặn kịp thời việc người đó gây thiệt hại cho xã hội. Hành vi chuẩn bị phạm tội nói trên mặc dù chưa trực tiếp xâm hại lợi ích của Nhà nước và công dân nhưng nó đã đặt các lợi ích ấy vào tình trạng bị đe dọa rất nghiêm trọng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách, cần ngăn chặn ngay, không để tội phạm xảy ra.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng Điều 81 của BLTTHS năm 2003 về “Bắt người trong trường hợp khẩn cấp” nói chung và đối với căn cứ áp dụng để bắt khẩn cấp nói riêng, còn một số bất cập, hạn chế như: Theo quy định của Điều 81 BLTTHS năm 2003 thì “bắt trước, phê chuẩn sau”, là chưa đảm bảo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát”; bên cạnh đó, căn cứ để bắt khẩn cấp quy định “Khi có căn cứ để cho rằng…” là còn mang tính chất định tính, chưa cụ thể.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có sự sửa đổi căn bản về cả căn cứ và nội dung đối với trường hợp “Bắt người trong trương hợp khẩn cấp”, cụ thể đã được sửa thành biện pháp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” được quy định tại Điều 110 của BLTTHS năm 2015.

Theo đó, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tiến hành 03 hoạt động:

– Lấy lời khai ngay người bị giữ;

– Ra quyết định tạm giữ;

– Ra lệnh bắt người bị giữ và gửi ngay cho Viện kiểm sát kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn hoặc trả tự do cho người bị giữ.

Trong căn cứ “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” cũng đã có sự thay đổi, không còn mang tính định tính, cụ thể:

– Điểm a khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015 quy định khi bắt khẩn cấp phải đảm bảo “Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;”. Như vậy, trong trường hợp này khi muốn giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập được đầy đủ các căn cứ để xác định người đó có các hành vi đang chuẩn bị thực hiện tội phạm và điều quan trọng là tội đó phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 14 của BLHS năm 2015.

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội

1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:

a) Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);

b) Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

c) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);

d) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền).

3. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo các quy định trên, người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” nếu họ đang chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 14 BLHS năm 2015. Việc quy định này đã rõ ràng hơn và cụ thể hơn về căn cứ áp dụng cũng như việc quy định chi tiết từng tội phạm cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự và được phép áp dụng biện pháp ngăn chặn, góp phần hạn chế và phòng tránh việc tùy tiện bắt người trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, việc sửa đổi của BLTTHS và BLHS năm 2015 ở trường hợp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” còn một số bất cập sau:

Thứ nhất, Điều 14 của BLHS năm 2015 về “Chuẩn bị phạm tội”, quy định chưa đầy đủ các trường hợp chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Tại khoản 3 của các Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 115 (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội), Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết); Cả ba điều luật trên, đều quy định người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng lại không được quy định trong khoản 2 của Điều 14.Việc quy định không đầy đủ như vậy, không chỉ gây khó khăn trong áp dụng biện pháp ngăn chặn mà còn trong cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, việc BLHS và BLTTHS năm 2015 quy định người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” đối với một số tội phạm nhất định, được quy định tại Điều 14 BLHS là chưa đảm bảo yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa và răn đe tội phạm. Trong đó, mục đích chính của biện pháp “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” là kịp thời ngăn chặn việc họ có thể gây ra các hậu quả nguy hại rất lớn cho xã hội, đặc biệt ở các tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội như: Tội Hiếp dâm; Mua bán người; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản; Mua bán trái phép chất ma túy; Tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và các tội phạm tham nhũng… đều là các loại tội phạm mà người phạm tội có thể liên kết để hoạt động ổ nhóm, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp để gây ra hậu quy nguy hại rất lớn cho xã hội, thì lại không phải chịu trách nhiệm hình sự và không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, để có thể kịp thời ngăn chặn trước khi họ gây ra hậu quả cho xã hội.

Do vậy, để bảo đảm nguyên tắc của BLTTHS và BLHS là mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng và nghiêm trị những người phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì cần thiết phải mở rộng các trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự khi chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua đó, tạo cơ sở để mở rộng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” đối với các loại tội phạm có khả năng gây nguy hại rất lớn và đặc biệt lớn cho xã hội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao.

Thông qua bài viết, rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của độc giả và đồng nghiệp trong Ngành. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung kịp thời để đảm bảo BLTTHS và BLHS thật sự là công cụ hữu hiệu trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Đinh Công Văn (VKSND huyện Ba Chẽ)
Nguồn: VKSND tỉnh Quảng Ninh

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang