Một kỷ niệm khó quên
(kiemsat.vn) Ai đã từng là Kiểm sát viên làm công tác THQCT, KSĐT, KSXX án hình sự thì đã biết những khó khăn, gian khổ và nhiều rủi ro trách nhiệm trong công tác nhưng cũng để lại rất nhiều kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)
Quy định mới về thi đua, khen thưởng
Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam
Đồng chí Dương Thanh Quang, Phó Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Tiền Giang
Đã hơn 03 năm trôi qua, tôi không cùng anh em Điều tra viên ngày đêm điều tra, xử lý tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thời gian tôi làm Kiểm sát viên VKSND cấp huyện được 04 năm. Đó là thời gian khó khăn, gian khổ, nhưng cũng để lại tôi nhiều kỷ niệm nhất. Trong đó kỷ niệm đáng nhớ nhất là kỷ niệm về một vụ án hình sự về tội vô ý làm chết người.
Cao Văn T là cháu của Huỳnh Văn C đến nhà C để nhậu, lúc này nhà chỉ có T và C, hai bên uống được 14 chai bia Sài Gòn thì có Trần Minh Đ đến và cùng uống. Đang uống bia thì C bảo với T ra sân để C dạy võ cho, vì C là người đánh pháo hoàng (người múa cúng trong đám tang) nên có biết chút ít võ nghệ. Anh Đ có ngăn cản nhưng T vẫn đồng ý cùng anh C ra sân. Khi ra sân C kêu T đánh để C đỡ, T dùng tay đánh anh C 2 cái; sau đó, anh C kêu T dùng chân đá vào chân của anh C. T đã dùng chân đá vào chân của anh C 3 cái, làm anh T té ngã, đầu đập xuống sân gạch làm anh C bị nức sọ não và chết vào ngày hôm sau.
Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng của huyện thành lập Hội đồng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai những người có liên quan, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội vô ý làm chết người, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với T. Khi được Lãnh đạo phân công, nhận thấy hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người vì hậu quả của tội phạm gây ra là do chính T gây ra, T thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên tôi đã đề xuất lãnh đạo quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan điều tra.
Vụ án tưởng chừng đơn giản vì T đã thừa nhận hành vi của mình. Nhưng trong quá trình điều tra mới phát sinh ra tình tiết gây khó khăn cho việc xử lý vụ án.
Ban đầu Đ (nhân chứng trực tiếp duy nhất tại hiện trường) vì sợ liên quan đến trách nhiệm và cũng sợ khai đúng sự thật thì sẽ gây bất lợi cho T, do T, C, Đ là bà con thân thuộc và sống cũng rất thân nên Đ khai là lúc xảy ra sự việc Đ đi xuống nhà sau nên không nhìn thấy.
Vậy thì chỉ có lời khai nhận tội duy nhất của T và hậu quả tội phạm xảy ra, tôi nhận thấy chứng cứ như thế chưa chắc chắn, chưa đủ kết tội bị can nên bản thân đặt ra trường hợp, nếu tại phiên tòa T không thừa nhận hành vi phạm tội như đã ban đầu và khai rằng C tự đi ra sân (đi tiểu), vì say quá nên tự té, T thấy vậy mới ra đỡ C đứng dậy, như thế sẽ gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm. Chính vì lý do đó, tôi đề ra yêu cầu điều tra là lấy lời khai những người có liên quan như: Vợ nạn nhân, vợ và mẹ của bị can, vợ của Đ. Tình tiết phát sinh từ đây, tại lời khai của vợ Đ thì phát hiện Đ có nói với vợ là T và C đùa giỡn, đấu võ làm C té chết. Từ lời khai của vợ Đ, Điều tra viên tiếp tục đấu tranh với Đ, lúc này, Đ lại thay đổi lời khai, mà lời khai lần này lại làm phức tạp thêm quá trình điều tra, xử lý vụ án.
Trước sau như một, Đ khai: “khi tôi từ nhà sau lên tôi thấy C đi ra sân đi tiểu và tự té”. Vậy là lời khai nhân chứng trực tiếp duy nhất trong vụ án không phù hợp với lời khai nhận tội của T, hồ sơ như thế thì sẽ không thể kết thúc điều tra, truy tố được. Các Điều tra viên thay nhau dùng nhiều biện pháp nhưng Đ vẫn một mực khai như trên. Trước tình hình đó, lãnh đạo Cơ quan điều tra trao đổi và đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát cho Kiểm sát viên hỗ trợ điều tra vụ án.
Băn khoăn, suy nghĩ mãi nên dùng cách gì để Đ có thể nói ra sự thực, sau khi trao đổi, thống nhất với đồng chí Phó Viện trưởng, tại buổi trực tiếp lấy lời khai của Đ, chúng tôi đã áp dụng các biện pháp hy vọng sẽ lấy được lời khai thực sự của Đ.
Đầu tiên, dùng lời khai nhận tội của bị can tại các biên bản hỏi cung đọc cho Đ nghe nhưng Đ vẫn nghi ngờ không tin và cho rằng T bị Cơ quan điều tra ép cung nên mới thừa nhận, do đó Đ cũng không khai sự thật.
Sau đó, tiếp tục giải thích cho Đ biết hành vi khai báo không đúng sự thật của Đ có thể cấu thành tội khai báo gian dối được quy định tại Điều 307 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, đồng chí Phó Viện trưởng còn dùng phương pháp tâm lý, tâm linh để cho Đ nhìn nhận lại và khai đúng sự thật.
Tất cả đều không thể làm thay đổi lời khai của Đ.
Lại bàn bạc, lại trao đổi với Cơ quan điều tra, chúng tôi thống nhất dùng phương pháp cuối cùng là cho Đ ở bên ngoài phòng hỏi cung, cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ canh giữ Đ và bố trí chỗ ngồi sao cho Đ không nhìn thấy mặt của bị can để nghe bị can khai nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi bị can khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình, chúng tôi tiếp tục hỏi bị can xoay quanh vấn đề sự có mặt của nhân chứng Đ tại hiện trường, cố tình hỏi làm sao cho bị can trách Đ là tại sao khai không đúng sự thật để cho vụ án được kết thúc nhanh, bản thân sớm được về với gia đình. Nghe chúng tôi nhắc đến mẹ già đang bị bệnh nặng và vợ con ở nhà nghèo khổ của bị can, bị can vừa khai nhận, vừa khóc, xin được gặp Đ, thuyết phục Đ khai đúng sự thật của vụ án, để vụ án được kết thúc xét xử nhanh, sớm về với gia đình, làm ăn chăm sóc mẹ già và nuôi vợ con.
Nghe xong toàn bộ cuộc hỏi cung của chúng tôi, Đ xin với chúng tôi được thay đổi lời khai và hứa cho T mượn tiền để lo ma chay cho gia đình nạn nhân. Đ đã làm bản tự khai trong đó nêu đúng sự thật, phù hợp với lời khai nhận tội của bị can.
Trên cơ sở đơn bãi nại, yêu cầu giảm nhẹ hình phạt của gia đình nạn nhân, đơn xin bảo lĩnh của gia đình bị can, xét về nhân thân của bị can, tôi đã đề xuất Lãnh đạo Viện thay đổi biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú để trong quá trình chờ truy tố, xét xử, bị can tiếp tục đi làm thợ hồ để có tiền lo cho mẹ già, vợ con và tiếp tục bồi thường mai táng phí cho gia đình nạn nhân.
Vụ án được khép lại với mức án đối với Cao Văn T là 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng trong sự thở phào nhẹ nhõm của gia đình bị can, sự thông cảm, sẽ chia của gia đình bị hại và sự đồng thuận cao của người dân tham dự phiên tòa. Cuối cùng là niềm vui của bản thân khi đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công và đây sẽ là một kỷ niệm khó quên, sẽ còn đọng mãi trong tôi.
Dương Thanh Quang
VKSND tỉnh Tiền Giang
“VKSND cấp cao khẳng định vai trò trong hệ thống VKSND mới”
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.