Mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Lao động nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động

23/10/2019 19:30

(kiemsat.vn)
Ngày 23/10, ngày thứ hai của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận tại phòng Hội nghị Diên Hồng về Dự án Luật Lao động (sửa đổi).

Hai phương án tăng độ tuổi về hưu

Sau khi trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết hiện dự án Luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tăng độ tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận

Về vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Phương án 2 (phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1.1.2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Cần thiết có sự phân hóa theo lĩnh vực ngành nghề cho phù hợp

Bày tỏ sự nhất trí cao với phương án 1, tuy nhiên các ĐBQH Võ Đình Tín (Đắk Nông), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem đến các yếu tố lĩnh vực, ngành nghề cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, đối tượng lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học… Giao Chính phủ quy định xem xét và có lộ trình tăng chậm hơn, không gây tác động đến thị trường. ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) bổ sung, phương án 1 cũng giúp người lao động biết được mình được nghỉ hưu ở tuổi nào, phát huy được chuyên môn, kỹ thuật cao của những lao động có trình độ. Đồng thời, nên quy định thêm người lao động một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, bày tỏ tán thành với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần sửa đổi theo hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58 tuổi; trường hợp đặc biệt có thể được nghỉ sớm và tối đa là 10 năm; bên cạnh đó cũng được kéo dài thời gian làm việc không quá 5 năm. Đại biểu cũng lưu ý việc kéo dài thời gian làm việc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của người lao động và cơ quan, đơn vị.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sau một ngày thảo luận tại hội trường đã có 48 đại biểu Quốc hội phát biểu và 06 đại biểu Quốc hội tranh luận.

48 đại biểu Quốc hội phát biểu và 06 đại biểu Quốc hội tranh luận về dự án Lật Lao động (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung còn ý kiên khác nhau của dự thảo Bộ luật như về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương, đồng thời thẳng thắn góp ý về kĩ thuật xây dựng văn bản. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang