Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

27/10/2016 02:51

Một trong những điểm mới của dự thảo luật được dư luận quan tâm là việc mở rộng diện đối tượng được TGPL. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật Quốc hội, khi đối chiếu với dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành.

quochoi1

Toàn cảnh phiên họp 

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Chính phủ trình trước Quốc hội về dự án Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) trong phiên họp sáng ngày 27/10/2016 thì trong 9 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL. Hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên TGPL là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia TGPL.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách cải cách được thông qua, trong đó có việc tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động TGPL đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy việc sửa đổi luật Trợ giúp pháp lý là một yêu cầu bức thiết.

quochoi2

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tờ trình trước Quốc hội

 Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc xác định đối tượng được TGPL trong dự thảo luật được xác định trên cơ sở kế thừa quy định người được TGPL từ Luật TGPL năm 2006 và bổ sung các đối tượng được TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL hiện hành đồng thời bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Cụ thể, các điểm b, e và g khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật không thu hút tất cả những người được trợ giúp pháp lý đang được quy định trong Luật người khuyết tật (điểm d khoản 1 Điều 4), Luật phòng, chống mua bán người (khoản 1 Điều 36) và Luật trẻ em (Điều 30) mà chỉ quy định lựa chọn những người “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” hoặc “trẻ em bị buộc tội” mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý quy định tại các văn bản dưới luật như Nghị định số 14/2013/NĐ-CP (người bị nhiễm chất độc hóa học) và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BLĐTBXH (người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm cả người bị hại, người làm chứng là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành như trên dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Để có cơ sở cho việc quy định cụ thể về phạm vi những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình rõ số lượng những người được trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và chi phí trong trường hợp mở rộng hoặc thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý. Nếu vì lý do thiếu nguồn lực tài chính mà thu hẹp trợ giúp pháp lý đối với diện những người mà theo quy định hiện hành đang được hưởng thì cần báo cáo rõ với Quốc hội và đề xuất bổ sung nguồn lực để bảo đảm thực hiện trên thực tế; hoặc đề xuất phương án sửa đổi các luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Quốc Hưng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang