Luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
(kiemsat.vn) Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 5/6/2023, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc
Chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Cần tiếp tục quan tâm, xem xét đến chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 05/6/2023, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh:CTV) |
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh:CTV) |
Về quan điểm xây dựng Luật, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai và phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Đồng thời, cần khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với các luật có liên quan. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan, nhất là các luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, hạn chế tối đa mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện quy định của Luật sau này; rà soát các FTA để bảo đảm sự tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). (Ảnh:CTV) |
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật chưa đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về đối tượng áp dụng (Điều 2), nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính”.
Về áp dụng pháp luật (Điều 3), quy định ưu tiên áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại khoản 2 Điều này sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị các nội dung cần có quy định đặc thù so với các luật khác thì quy định cụ thể ngay trong từng điều, khoản của dự thảo Luật.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thấy rằng quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm nhằm xử lý nợ xấu, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định.
Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu để áp dụng cơ chế xử lý phù hợp, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu của khoản vay không đúng quy định.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.