Kỳ họp đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV
(kiemsat.vn) – Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV khai mạc vào sáng mai (20/7) theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Với thời gian dự kiến 11,5 ngày, bên cạnh nội dung trọng tâm là công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành một lượng lớn thời gian để xem xét các nội dung về kinh tế-xã hội.
Quang cảnh một kỳ họp của Quốc hội. |
Diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp, kỳ họp lần này có vai trò đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế-xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Công tác nhân sự - nội dung trọng tâm
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Các vấn đề này đã được Chính phủ nêu trong các báo cáo liên quan.
Báo cáo số 182/BC-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 khẳng định: Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng...
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm 2021 được đề câp là: Tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác...
Về mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, báo cáo của Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, gồm 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội, 6 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Tỉ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); cấp huyện có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; cấp tỉnh có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.
-
1Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
2Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
3Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
4VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.