Kinh nghiệm xử án từ vụ trộm chó bắn chết người

07/12/2016 08:10

Theo cấp giám đốc thẩm, tòa sơ thẩm tuyên một bị cáo không phạm tội giết người là sai; tòa phúc thẩm kết luận bị cáo phạm tội này là đúng nhưng lại kết án luôn là sai thẩm quyền...

Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm vụ cẩu tặc bắn chết người từng gây xôn xao dư luận ở Bắc Ninh hồi tháng 10-2012. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Đức Biên (sinh năm  1985) về tội giết người trong hai bản án sơ, phúc thẩm; hủy phần trách nhiệm bồi thường đối với Biên và Nguyễn Văn Hiển (sinh năm 1979) để xử sơ thẩm lại.

Từ trộm chó thành bắn người, cướp tài sản

Theo hồ sơ, Hiển và Biên nhiều lần cùng nhau đi trộm chó để bán. Rạng sáng 23-10-2012, Hiển chuẩn bị sẵn xe máy, kích điện, cần câu chó, ba con dao và một khẩu súng ngắn có ba viên đạn rồi cùng Biên đi trộm chó.

Khi Hiển chạy xe máy chở Biên đến khu đô thị An Huy (TP Bắc Ninh) thì thấy hai con chó được buộc ở gốc cây trước một căn nhà. Biên xuống xe, tiến đến dùng dao cắt dây buộc một con chó thì anh Nguyễn Trung Hiếu (cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh) từ trong nhà đi ra tri hô và dùng cán chổi đánh Biên. Hiển liền rút súng bắn anh Hiếu ngã gục. Sau đó Hiển và Biên mang con chó đi bán, chia tiền rồi bỏ trốn.

Anh Hiếu được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng tử vong vào 7 giờ cùng ngày. Ngày 27-10-2012, Biên ra Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú. Bốn ngày sau, Hiển bị bắt theo lệnh truy nã. Công an cũng bắt thêm ba người khác vì không tố giác tội phạm và mua chó của Hiển, Biên.

Kinh nghiệm xử án từ vụ trộm chó bắn chết người - ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (Hiển hàng đầu bên trái, Biên hàng đầu bên phải). Ảnh: INTERNET

Sơ thẩm: Một bị cáo không phạm tội giết người

Tháng 3-2013, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã truy tố Hiển về ba tội giết người, cướp tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Biên về hai tội giết người, cướp tài sản; ba người còn lại về các tội không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Hai tháng sau, TAND tỉnh Bắc Ninh phạt Hiển tử hình về tội giết người, 12 năm tù về tội cướp tài sản, bảy năm tù về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Tòa tuyên bố Biên không phạm tội giết người, phạt Biên 12 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp với 12 tháng tù về tội gá bạc trong một bản án trước đó, buộc Biên phải chấp hành hình phạt chung là 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Hiển và Biên phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại 140 triệu đồng.

Ngoài ra, tòa phạt ba bị cáo còn lại từ 12 tháng đến 24 tháng tù về các tội không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Phúc thẩm: Phạt 15 năm tù vì đồng phạm

Sau đó, Hiển kháng cáo xin giảm án về tội giết người và cho rằng mình không phạm tội cướp tài sản mà phạm tội trộm cắp tài sản. VKSND tỉnh Bắc Ninh kháng nghị bản án sơ thẩm về phần quyết định tuyên bố Biên không phạm tội giết người, đề nghị tòa phúc thẩm xét xử theo hướng Biên phạm tội này và phạt 13-15 năm tù.

Tháng 1-2015, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã y án tử hình với Hiển về tội giết người, giảm án cho Hiển từ 12 năm tù xuống còn năm năm tù về tội cướp tài sản, từ bảy năm tù xuống còn ba năm tù về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Tòa cũng tuyên bố Biên phạm tội giết người và phạt 15 năm tù, giảm án cho Biên từ 12 năm tù xuống còn tám năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 23 năm tù.

Giám đốc thẩm: Hai cấp tòa đều có điểm sai

Tháng 3-2016, chánh án TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.

Theo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Hiển và Biên đã nhiều lần cùng đi trộm chó, cùng thống nhất, cùng hiểu rằng sẽ dùng hung khí chống trả và chạy thoát nếu bị phát hiện. Hai bị cáo đều nhận thức được việc dùng các phương tiện để chống trả thì có thể gây chết người.

Trong vụ trộm chó của gia đình anh Hiếu, hành vi của Hiển, Biên gắn bó chặt chẽ với nhau: Hiển cảnh giới, Biên xuống xe, tiến đến dùng dao cắt dây buộc con chó màu đen. Khi Biên kêu lên vì bị anh Hiếu đánh vào lưng và anh Hiếu hô “trộm chó” thì Hiển bắn nạn nhân. Lúc này Biên tiếp tục cắt dây buộc chó rồi cùng Hiển mang chó đi bán và chia đều tiền. Trong quá trình này, Biên không có bất kỳ hành vi nào thể hiện sự phản đối hay không chấp nhận việc làm của Hiển. Điều này phản ánh đúng ý chí ban đầu của hai bị cáo: Nếu bị ngăn cản sẽ chống lại để chiếm đoạt tài sản và thoát thân. Do đó, cả Hiển và Biên cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội giết người, cướp tài sản.

Việc Biên phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của anh Hiếu không phụ thuộc vào chuyện Biên có biết hay không biết Hiển mang súng khi cả hai đi trộm chó. Tòa cấp sơ thẩm nhận định do Biên không biết Hiển mang theo súng khi cả hai đi trộm chó nên Biên không phải chịu trách nhiệm về cái chết của nạn nhân, từ đó tuyên bố Biên không phạm tội giết người là không đúng.

Theo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, tòa cấp phúc thẩm đã nhận định đúng về mối quan hệ giữa hành vi và trách nhiệm của Hiển, Biên đối với cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, tòa cấp phúc thẩm đã vi phạm quy định về thẩm quyền khi phạt Biên 15 năm tù về tội giết người. Lẽ ra khi thấy tòa cấp sơ thẩm tuyên bố Biên không phạm tội giết người là sai và có đủ căn cứ cho rằng Biên phạm tội này, tòa cấp phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 BLTTHS 2003.

Từ các phân tích trên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận một phần kháng nghị của chánh án TAND Tối cao và quyết định như đã nói.

VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm Mới đây, VKSND tối cao cũng ban hành thông báo cho các VKS địa phương rút kinh nghiệm về việc giải quyết vụ án. Thông báo nêu rõ VKS hai cấp sơ, phúc thẩm đã nhận định đúng vai trò của Hiển và Biên, kịp thời kháng nghị phúc thẩm về phần trách nhiệm hình sự đối với Biên. Tuy nhiên, VKS hai cấp đều chưa nắm vững quy định điểm b khoản 2 Điều 250 BLTTHS 2003 khi đề nghị tòa cấp phúc thẩm sửa án theo hướng tuyên bố Biên từ không phạm tội giết người thành có phạm tội và áp dụng hình phạt đối với Biên. Theo điểm b khoản 2 Điều 250 BLTTHS 2003, tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới trong trường hợp người được tòa cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

ĐẠI HƯNG/plo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang