Kiên quyết xử lý hàng rong chèo kéo khách du lịch

01/03/2018 08:57

(kiemsat.vn)
Bán hàng rong nhưng mục đích chính không phải để bán… mà dùng để cho thuê, chèo kéo khách du lịch với thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Hàng hoa tô điểm cho góc phố Hà Nội. (Ảnh Internet)

Nét đẹp của Hàng rong

Không thể phủ nhận, những gánh hàng rong từ lâu đã là nét riêng của Hà Nội. Cũng không phải ngẫu nhiên nó có mặt trong các tác phẩm nổi tiếng từ thơ ca, hội họa đến nhiếp ảnh. Những bức ảnh đẹp nhất về Thăng Long cổ kính hay những bức họa nổi tiếng của họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng thấp thoáng những gánh hàng rong.

“Hàng rong” – cái có tên mà lại không tên nhưng không ngõ ngách nào của Hà Nội thiếu nó. Có thể coi hàng rong là “di sản” của Hà Nội bởi nếu một ngày không còn nó, Hà Nội có còn đẹp như bây giờ?

Trong đêm đông giá buốt, lất phất chút mưa phùn hẳn thấy ấm bụng khi nghe tiếng rao “Ai bánh khúc nóng đây?!”, “Ai bánh mỳ nóng giòn nào?!”. Tiếng rao vẳng trong đêm, len vào con ngách nhỏ. Đáp lại nó là tiếng gọi “Bánh khúc ơi?!”, “Bánh mỳ ơi” nghe thân thương đến lạ!

Mỗi buổi mai trong lành, những gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu hay những cánh chong chóng rộn ràng trong chiều trở gió … đều mang đến niềm vui và để lại chút lắng đọng trong tâm hồn người Hà Nội.

Hàng rong thuận tiện, quen thuộc, đẹp và lãng mạn là thế nhưng nó cũng chứa biết bao mặt trái. Nào là gia tăng ách tắc giao thông, nào là mất vệ sinh công cộng… nhưng suy cho cùng nó là điều không tránh khỏi của đời sống đô thị. Vậy nên hãy cứ để hàng rong tiếp tục với công việc kiếm sống chính đáng của mình.

Chẳng có gì để bàn cãi nếu hàng rong cứ mãi chân chính, mãi đáng yêu như vậy!

Du khách nước ngoài là "tâm điểm"

Cuộc sống xô bồ và đầy bon chen, con người dường như trở nên khôn lỏi hơn, láu cá hơn và hàng rong cũng vậy. Người ta muốn gánh hàng sinh lời nhiều hơn nên ngoài bán, họ nghĩ tới việc cho thuê.

Hàng hóa đơn giản chỉ có vài quả dứa, đôi ba nải chuối được sắp xếp một cách “có nghệ thuật”, bên kia quang gánh là mấy túi dứa đã bổ và vài nhánh chuối nhỏ đã cắt sẵn. Bày hàng như vậy nhưng mục đích chính của chủ hàng không phải để bán mà để “cho thuê” đạo cụ chụp ảnh. Họ chủ động tiếp cận những khách Tây bằng tiếng bồi, gợi ý cho mượn gánh hàng, giúp đặt gánh lên vai đúng cách rồi cổ vũ.

Khi hoàn tất, họ mới mời khách mua hàng. Nể cô bán hàng cho mượn đạo cụ nên nếu không có nhu cầu, khách cũng phải "cảm ơn và hậu tạ” sự nhiệt tình, hiếu khách bởi người bán hàng vẫn đang nở nụ cười…chờ đợi. Còn nếu có nhu cầu mua, khách hàng sẽ phải trả thêm cả tiền thuê đạo cụ mà không hay biết.

Một quả dứa trên thị trường từ 8.000 đến 10.000 đồng, họ có thể phát giá lên 5USD, nghĩa là gấp khoảng 10 lần giá trị thực của hàng. Gặp khách VIP, dùng tiền Việt nhưng chưa thuộc mệnh giá họ chỉ vào tờ tiền mệnh giá 100.000 hoặc 200.000 đồng. Còn với những khách Tây khác thì “giá nhân đạo” là 50.000 đồng.

Nhìn chung, tùy thuộc vào túi tiền của khách mà giá hàng hóa được xác định. Đúng là kiểu bán hàng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Các du khách nước ngoài bị hàng rong vây kín. (Ảnh internet)

Hình thức chặt chém này khiến một số du khách nước ngoài không hài lòng và để lại nếp gợn trong lòng họ. Những bức ảnh vốn là để lưu giữ khoảnh khắc đẹp với gánh hàng rong, văn hóa hàng rong nay trở thành vật chứng kể lại câu chuyện buồn về con người Việt, văn hóa Việt.Nếu biết thu nhập của người bán hàng này, có lẽ nhiều người không khỏi giật mình, toan đổi nghề. Trung bình mỗi ngày gánh hàng mang đến cho chủ “tiền lời” khoảng 700.000 đồng, có khi lên tới cả triệu đồng nếu vào dịp lễ hội. Nghĩa là trên 20.000.000 đồng mỗi tháng.

Tất nhiên, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” song ít nhiều nó đã làm mất đi hình ảnh đẹp vốn có của gánh hàng rong truyền thống.

"Làm giá" (Ảnh internet)

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Mặc dù Sở Du lịch Hà Nội  đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều đợt ra quân và từng bước hạn chế được tình trạng người bán hàng rong chèo kéo, “chặt chém” du khách. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, “văn hóa hàng rong” ăn sâu nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý các đối tượng chèo kéo, chặt chém khách du lịch được áp dụng theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt 150.000đ là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. 

Tuy nhiên, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đối với những đối tượng tái phạm, Sở kiên quyết xử lý tận gốc, phối hợp với công an phường hoặc Thanh tra du lịch để xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, đường dây nóng 0941.33.66.77 hoạt động 24/24 giờ là nơi tiếp nhận các ý kiến phản ánh về nạn “chặt chém”, chèo kéo, lừa đảo và đeo bám khách du lịch. Ngoài ra, nếu bị làm phiền, khách du lịch khi đến hà Nội có thể tìm đến quầy thông tin hỗ trợ du khách tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (đường Lê Thạch).

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang