Kiến nghị điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi

31/08/2019 10:15

(kiemsat.vn)
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, khoảng gần ba triệu trẻ em lứa tuổi 16-17, trong đó bao gồm hàng trăm nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt, không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện.

69860ea6-225d-4803-8f95-1f0bbf189324.jpeg

Đây là nội dung chia sẻ tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu “Điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức ngày 30-8, tại Hà Nội.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc vào tháng 2 năm 1990. Điều này thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của nước ta với vấn đề trẻ em. Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991. Tuy nhiên, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận, đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em. Trước thực tế trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện nghiên cứu điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.

Nghiên cứu nhằm đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống và cụ thể hơn về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn có liên quan và đề xuất các quan điểm, giải pháp thuyết phục về việc sửa đổi quy định về độ tuổi pháp lý của trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016.

Báo cáo nghiên cứu nêu bốn yếu tố chính của việc điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em ở Việt Nam lên dưới 18 tuổi. Đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; yêu cầu từ hội nhập quốc tế của Việt Nam; yêu cầu từ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục nhóm trẻ 16-17 tuổi ở Việt Nam; khả năng đáp ứng của Nhà nước khi điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi. Đồng thời, nghiên cứu cũng nêu những vấn đề thuận lợi và hạn chế, bất cập. Tiêu biểu là, theo quy định hiện hành của Việt Nam, trẻ em lứa tuổi 16-17 (khoảng gần 3 triệu trẻ em ở thời điểm năm 2018), trong đó bao gồm hàng trăm nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt không được hưởng một số chính sách xã hội dành cho việc hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi là phù hợp, cần thiết và sẽ có tác động tích cực trên tất cả các phương diện. Quốc hội, Chính phủ sớm tiến hành xem xét, sửa đổi quy định của Điều 1 của Luật Trẻ em năm 2016 để điều chỉnh độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi như quy định tại điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việc sửa đổi này cũng giúp Việt Nam tạo sự nhất quán về khái niệm trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers nhấn mạnh, nếu không có một cơ sở pháp lý rõ ràng về chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ, trẻ em 16-17 tuổi có nguy cơ cao hơn bị xâm hại tình dục, bỏ học, kết hôn khi tuổi còn nhỏ, tham gia lao động trẻ em hoặc nạo phá thai. Những trải nghiệm này có tác động tiêu cực đến chính trẻ em, và về chất lượng của lực lượng lao động và sự phát triển bền vững của quốc gia. Chúng ta cần khẩn trương hành động để giải quyết vấn đề cấp bách này, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, y tế, dinh dưỡng và bảo vệ nhóm độ tuổi quan trọng này.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang