Kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện và việc thụ lý vụ án hành chính

06/09/2018 14:25

(kiemsat.vn)
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử lý đơn khởi kiện vụ án hành chính khi Tòa án ra các quyết định trả lại đơn khởi kiện và quyết định thụ lý vụ án hành chính. Tòa án phải gửi ngay các quyết định đó đến VKSND cùng cấp.

Việc nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính có thể được thực hiện bằng các hình thức như: Nộp trực tiếp tại Tòa án, nộp qua đường bưu điện hay nộp qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Khi người khởi kiện nộp đơn, trong thời hạn 03 ngày, Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Thẩm phán được phân công xem xét, xử lý đơn khởi kiện, nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ mà người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện trong thời hạn 03 ngày, sau đó, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện sẽ ra một trong các quyết định: (1) Chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền; (2) Yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; (3) Trả lại đơn khởi kiện cùng toàn bộ hồ sơ giấy tờ người khởi kiện đã nộp; (4) Thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính.

1. Kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án

Trường hợp nhận được thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKS xem xét các nội dung, hình thức trong thông báo và so sánh đối chiếu với các quy định của pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, cần xem xét ngày, tháng, năm Tòa án ra thông báo trả lại đơn khởi kiện và ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, có đúng với thời hạn quy định là 06 ngày (03 ngày phân công Thẩm phán và 03 ngày Thẩm phán xem xét nội dung đơn khởi kiện để ra quyết định và thông báo trả lại đơn khởi kiện).

Thứ hai, từ những thông tin được cung cấp trong thông báo trả lại đơn khởi kiện nơi người khởi kiện cư trú, địa chỉ của người bị kiện, đối tượng khởi kiện (quyết định hành chính, hành vi hành chính) để từ đó xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính có thuộc về Tòa án ra quyết định thông báo trả lại đơn khởi kiện hay không.

Thứ ba, xem xét lý do trả lại đơn khởi kiện của Tòa án được ghi nhận trong thông báo trả lại đơn có phù hợp với 08 căn cứ trả lại đơn khởi kiện được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính năm 2015 như sau:

Người khởi kiện không có quyền khởi kiện, đối với trường hợp này có thể hiểu quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện không trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ.

Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện, nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó như yêu cầu trước khi khiếu kiện đến Tòa án về danh sách cử tri người khởi kiện phải thực hiện việc khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Sự việc mà người khởi kiện yêu cầu đã được giải quyết bằng một quyết định hoặc một bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người khởi kiện không có yêu cầu gì khác so với yêu cầu đã được giải quyết trước đó.

Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (những quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước, trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hay những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức).

Người khởi kiện lựa chọn việc giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại.

Đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 mà người khởi kiện không tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày mà Tòa án yêu cầu.

Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện không thuộc các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng về lý do không xuất trình biên lai tạm ứng án phí đúng thời hạn.

Viện kiểm sát tiến hành xem xét thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án trong thời hạn 07 ngày, lập phiếu kiểm sát việc trả lại đơn của Tòa án, nếu xét thấy việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án không đúng căn cứ pháp luật thì VKS có quyền kiến nghị đến Tòa án trả lại đơn và yêu cầu Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Ngay sau khi nhận được kiến nghị của VKS, Tòa án phải phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết kiến nghị của VKS. Sau thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết kiến nghị của VKSND, phiên họp này có sự tham gia của VKS với vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình Thẩm phán tiến hành phiên họp, đồng thời, phát biểu quan điểm, nêu lên các căn cứ để chứng minh kiến nghị của VKS là có căn cứ. Tuy nhiên, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn có thể tiến hành phiên họp xem xét giải quyết kiến nghị của VKS. Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có liên quan, Thẩm phán sẽ ra một trong hai quyết định là: Giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định nhận lại đơn khởi kiện.

Khi nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, nếu không đồng ý với quyết định đó, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên một cấp xem xét và giải quyết. Tòa án cấp trên một cấp sẽ tiến hành xem xét kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày làm việc, sau đó, Chánh án Tòa án cấp trên một cấp phải ra một trong các quyết định là quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc quyết định yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện, tài liệu và chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án. Quyết định giải quyết kiến nghị của Tòa án cấp trên một cấp là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật. Quyết định này phải được gửi ngay cho người khởi kiện, VKS cùng cấp, VKS đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện. Cần lưu ý trong quá trình kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKS tiến hành việc lưu tài liệu, văn bản về việc nhận thông báo trả lại đơn, phiếu kiểm sát thông báo trả lại đơn, các văn bản kiến nghị, kháng nghị nếu có thành tập hồ sơ kiểm sát thông báo trả lại đơn, tập hồ sơ được đánh số ở góc trái phía trên của tài liệu.

Ảnh minh họa

2. Kiểm sát việc thụ lý vụ án của Tòa án

Khi nhận được đơn khởi kiện cùng với các tài liệu chứng cứ, Thẩm phán xét thấy khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp mình sẽ tiến hành việc thông báo cho người khởi kiện, để người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 10 ngày. Ngày Tòa án vào sổ thụ lý chính là ngày Thẩm phán nhận được biên lai tạm ứng án phí của người khởi kiện, trừ một số trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý. Cùng với việc vào sổ thụ lý vụ án hành chính, Tòa án phải gửi ngay thông báo thụ lý vụ án hành chính đến người khởi kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bị kiện và VKSND cùng cấp trong thời hạn 03 ngày. Khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính của Tòa án, VKS phân công Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) để thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết vụ án hành chính và thông báo cho Tòa án.

Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, Kiểm sát viên cũng kiểm sát thông báo thụ lý vụ án của Tòa án gửi đến. Kiểm sát viên lập phiếu kiểm sát thông báo thụ lý của Tòa án và nghiên cứu những nội dung sau:

Một là, xem xét ngày, tháng, năm Tòa án ra thông báo nhận đơn khởi kiện và ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, có đúng thời hạn quy định về việc xử lý đơn khởi kiện là 16 ngày (03 ngày phân công Thẩm phán, 03 ngày Thẩm phán xem xét nội dung đơn khởi kiện để ra thông báo thụ lý đến người khởi kiện và 10 ngày người khởi kiện xuất trình biên lai tạm ứng án phí).

Hai là, từ những thông tin được cung cấp trong thông báo trả lại đơn khởi kiện nơi người khởi kiện cư trú, địa chỉ của người bị kiện, đối tượng khởi kiện (quyết định hành chính, hành vi hành chính) để từ đó xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính có thuộc về Tòa án ra quyết định thông báo thụ lý vụ án hay không.

Ba là, xem xét nội dung yêu cầu khởi kiện, trích yếu nội dung quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện xem xét khiếu kiện có thuộc thẩm quyền của Tòa án ra thông báo thụ lý, đồng thời xem xét thời hiệu khởi kiện của vụ án hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, hay trước ngày bầu cử 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được nhận thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri.

Trong quá trình kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ án hành chính của Tòa án, nếu xét thấy việc thông báo thụ lý sai về thẩm quyền, hết thời hiệu khởi kiện, hay rơi vào những trường hợp trả lại đơn như đã phân tích ở trên mà Tòa án vẫn tiến hành thụ lý thì VKS tổng hợp những vi phạm của Tòa án (ghi rõ điều luật vi phạm và loại vi phạm), từ đó nêu lên quan điểm của Kiểm sát viên, yêu cầu Tòa án khắc phục hoặc tổng hợp những vi phạm làm căn cứ kiến nghị về việc thụ lý vụ án của Tòa án yêu cầu Tòa án xem xét lại việc thụ lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời với việc kiểm sát thông báo thụ lý, Kiểm sát viên được phân công tiến hành vào sổ thụ lý của VKS mở hồ sơ kiểm sát thông báo thụ lý vụ án hành chính, hồ sơ kiểm sát thông báo thụ lý được đánh số bút lục từ 01 đến hết ở góc trái phía trên của tài liệu, đây sẽ là tài liệu ban đầu để tiến hành hoàn thiện hồ sơ vụ án hành chính sau khi nhận được hồ sơ của Tòa án chuyển sang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Để đảm bảo cho hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xử lý đơn khởi kiện của Tòa án, Kiểm sát viên cần nắm chắc những nội dung về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, khiếu kiện nào thuộc Tòa án cấp tỉnh, khiếu kiện nào thuộc Tòa án cấp huyện, nắm được thời hiệu khởi kiện, các loại quyết định hành chính, hành vi hành chính không được khởi kiện và các trường hợp trả lại đơn khởi kiện. Việc xử lý đơn khởi kiện là khâu mở đầu cho toàn bộ hoạt động giải quyết vụ án hành chính. Hoạt động xử lý đơn được đảm báo đúng pháp luật sẽ đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào quan hệ tố tụng hành chính./.

(Trích bài viết: "Kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện và việc thụ lý vụ án hành chính của Tòa án" của tác giả Khuất Thu Hương,  Khoa pháp luật dân sự và kiểm sát dân sự, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Tạp chí Kiểm sát số 07/2018).

Xem thêm>>>

Những lưu ý khi kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự

Bàn về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang