Khai thác đá Cổ Thạch tại xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An: “Phớt lờ” Luật khoáng sản

25/03/2021 09:23

(kiemsat.vn)
Những ngày cuối tháng 3/2021, nhóm PV có mặt tại xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Vườn đồi của người dân bị đào bới nham nhở, tiếng máy xúc rền rĩ suốt ngày đêm. Hàng ngàn khối đá Cổ Thạch khai thác theo kiểu “thổ phỉ” trái phép. Cảnh quan, môi trường bị tàn phá, nhà nước thất thu thuế. Đặc biệt, các “đầu nậu” khai thác đá đang “phớt lờ” Luật khoáng sản.

Theo anh Hoàng Đình Đ., (trú tại xóm Tân Thành, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn) cho biết: “Việc khai thác khoáng sản, cụ thể là đá Cổ Thạch đá diễn ra nhiều ngày rồi. Mỗi khối đá Cổ Thạch có giá trị gần cả triệu đồng, hoạt động khai thác tự phát được một nhóm người đứng ra tổ chức. Chính quyền địa phương chắc chắn biết hết, nhưng họ làm ngơ thôi”.

Theo tìm hiểu của PV, hiện trường khai thác đá là vườn của bà Lê Thị Phương thuộc đội sản xuất Tân Thành, xã Nghĩa Hiếu. Máy xích Hitachi EX700H gàu lớn móc những khối đá Cổ Thạch nặng hàng tấn. Sau đó, đá được rửa sơ qua bằng nước và máy cẩu đưa lên xe tải. Mỗi ngày, các “đầu nậu” trên địa bàn xã Nghĩa Hiếu khai thác được hàng tấn khối đá. Theo một chuyên gia Môi trường (Đại học Vinh) cho biết: “Đá Cổ Thạch được hình thành trên cả chục triệu năm, từ sự vận chuyển không ngừng nghỉ của trái đất. Đá cổ thạch là một tác phẩm thiên nhiên vô cùng đẹp, ngoài giá trị trang trí sân vườn, loại đá này là mặt hàng xuất khẩu có giá trị”.

Hàng tấn đá Cổ Thạch có giá trị được khai thác theo kiểu thổ phỉ tại xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Người dân ở xã Nghĩa Hiếu cho biết, đá cổ thạch được các đầu nậu khai thác nhiều tháng nay, các ngọn đồi, thậm chí nương rẫy của người dân đều được đầu nậu thuê để tiến hành khai thác. Theo một người chơi đá cảnh cho biết, đá Cổ Thạch được bán theo hai cách. Đá bình thường thì bán theo tấn, có giá từ 700 đến 800 nghìn/1 tấn. Còn một loại giá trị hơn bán theo hòn, nếu hòn đẹp thì có giá lên cả trăm triệu đồng.

Tình trạng khai thác đá Cổ Thạch rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều người dân phản ánh, xe chở đá chạy vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ, bụi bay mù mịt. Các tuyến đường dân sinh bị “bằm nát” nghiêm trọng. “Họ khai thác đá tự phát, không có quy củ. Xe ô tô tải hạng nặng chạy sáng đêm, gầm rú trong khu dân cư khiến người dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ” - Một người dân sống gần khu khai thác đá cho hay.

Sau khi khai thác, đá được tập kết ven bờ vườn và cho xe vận tải hạng nặng vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Điều đáng lo ngại, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra công khai, trái pháp luật, kéo dài trong nhiều tháng, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý triệt để. Hoạt động này cũng vi phạm điều 4, Luật khoáng sản. Việc hoạt động khai thác khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, các hoạt động về khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ông Ngô Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Đá được khai thác tại hộ nhà bà Lê Thị Phương và chồng Trương Hữu Lý ở xóm Tân Thành".

Trao đổi với PV, ông Ngô Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu cho biết: “Đá được khai thác tại hộ nhà bà Lê Thị Phương cùng chồng Trương Hữu Lý xóm Tân Thành. Việc khai thác đá trên địa bàn thời gian qua cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt. Đá được họ khai thác lên và tập kết ven đường, chờ ngày nghỉ hoặc ban đêm để vận chuyển đá ra khỏi địa bàn”.

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định:

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động khoáng sản

1. Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Thăm dò khoáng  sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.

4. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản”.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang