Huyện Nga Sơn - Thanh Hóa: Dấu ấn 10 năm trong xây dựng Nông thôn mới

05/06/2020 14:18

(kiemsat.vn)
Với xuất phát điểm thấp, khó khăn, sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Nga Sơn đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất đạt tỷ lệ cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2012, huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng phục vụ cho công tác xây dựng nông thôn mới, sau dồn đổi số thửa đã giảm từ 2,36 thửa/hộ xuống còn 1,53 thửa/hộ. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2019, toàn huyện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 1.299,6 ha, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp được được 155 ha; chuyển đổi được 1.106,1 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng, mô hình có giá trị kinh cao; xây dựng và duy trì vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 3.000 ha; 300 ha vùng sản xuất rau an toàn (trong đó 30,7 ha vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap); có 52 mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn với diện tích trên 7 ha.

   Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn

Chỉ đạo thâm canh 800 ha cây cói cho năng suất, sản lượng cao, sản lượng cói được cung cấp cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tập trung xây dựng và duy trì 53 chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện trong sản xuất nông nghiệp; có 90% diện tích được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch; huyện đã tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: Chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói, sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng, rượu nếp Nga Điền; sản phẩm ẩm thực: Gỏi cá Nhệch, dê ủ trấu,... để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện đã có 02 sản phẩm đạt 3 sao được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận đó là: Chiếu cói dệt tay thủ công và Thảm cói trải sàn.

Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn huyện có 997 trang trại, gia trại, trong đó: 70 trang trại chăn nuôi công nghiệp (45 trang trại lợn, 25 trang trại gà) cho thu nhập hàng năm từ 300-400 triệu/trang trại/năm. 07 trang trại trồng trọt; 197 trang trại thủy sản; 723 trang trại, gia trại tổng hợp (trong đó có 325 trang trại tổng hợp có chăn nuôi) cho thu nhập từ 100-130 triệu/trang trại/năm. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.991 lao động, cho thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung 160 ha; vùng nuôi cá nước ngọt tập trung 105 ha; vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao tập trung 25 ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao cho năng suất 22 tấn/ha/vụ, tối đa năm 03 vụ, cho thu nhập từ 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm. Phát huy tốt nghề khai thác thủy sản của 226 tàu thuyền và chế biến hải sản. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng năm 2019 đạt 7.368,9 tấn (tăng 3.858,9 tấn so với năm 2010).

Công sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại có bước phát triển khá, đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2019, chiếm 48,8% (tăng 15% so với năm 2010) tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 4.448,1 tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2010. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cơ chế hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và phát triển mới doanh nghiệp, từ 118 doanh nghiệp năm 2010 lên 335 doanh nghiệp năm 2019, trong đó có 04 doanh nghiệp FDI của của Hàn Quốc, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động.

Có 07 làng nghề được công nhận Làng nghề truyền thống đã tạo việc làm cho trên 15.000 lao động. Huyện có 05 ngân hàng, 04 quỹ tín dụng nhân 22 cửa hàng xăng dầu, 21 cửa hàng tổng hợp, 288 xe vận tải, 3541 hộ gia đình kinh doanh cá thể, 13 chợ đáp ứng lưu thông hàng hóa phục vụ tốt cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm hội nghị huyện Nga Sơn

Theo ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn: "Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nga Sơn đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo; Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định. Xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố".

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Thịnh Văn Huyên nhấn mạnh: "Huyện sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Phấn đấu năm 2020, huyện Nga Sơn có 04 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, huyện Nga Sơn có trên 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trên 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 30% số thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu".

Cao Quang

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang