Huy động 2,45 triệu tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

28/07/2021 14:12

(kiemsat.vn)
Sáng 28/7, theo Nghị trình, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư cho Chương trình.

10 năm thay đổi diện mạo nông thôn Việt nam

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Sau 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là "to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử".

Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) so với mục tiêu; Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra. Cả nước đã có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, trong đó có 04 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Tổng thể, Chương trình đã hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trước 2 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, rút kinh nghiệm những vướng mắc còn tồn tại để tiếp tục hướng tới những thành công lớn hơn nữa, Chính phủ đề xuất với Quốc hội đầu tư 2,45 triệu tỷ đồng cho Chương trình trong 5 năm tới. Với 11 nội dung thành phần của Chương trình cần đạt được, Chính phủ trình Quốc hội về cơ cấu vốn huy động để thực hiện chương trình để xem xét và tiến hành thảo luận.

Cụ thể, tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); Vốn ngân sách địa phương: Khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); Vốn lồng ghép từ 02 Chương trình MTQG còn lại và các Chương trình, dự án khác: Khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); Vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%), gồm: Vốn tín dụng khoảng 1,79 triệu tỷ đồng (chiếm 73%); vốn doanh nghiệp khoảng 105.500 tỷ đồng (chiếm 4,3%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân khoảng 139.300 tỷ đồng (chiếm 5,7%).

Đối với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, Chính phủ đề xuất cơ cấu số vốn 39.632 tỷ đồng gồm: Vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng (trong đó: Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại  88,6 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối NSTW ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện

Trong buổi thảo luận sáng 27/7 về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã ghi nhận có 17 ý kiến rất toàn diện, đầy đủ và trách nhiệm của các ĐBQH.

Tổng hợp các ý kiến, sáng 28/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo: Trên cơ sở tính toán của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được xác định bằng dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã của toàn quốc. Trong giai đoạn 2016 - 2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,91%/năm cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế (14,62%). Tính đến 31/12/2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, do đó, việc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng các xã giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7% với dư nợ đến cuối năm 2025 đạt 1,79 triệu tỷ đồng là khả thi.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Chương trình 

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời các đại biểu cũng tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như: Về sự phù hợp với Chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH và quy hoạch có liên quan, phân chia thành các dự án thành phần; về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 11 nội dung, 6 đề án chương trình trọng tâm của chương trình; về phạm vi chương trình và xử lý trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác; về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn; công tác điều hành, thực hiện Chương trình; về các mục tiêu cụ thể của Chương trình; về đề nghị sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là sớm sửa đổi Luật Đất đai để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, giải phóng nguồn lực đất đai, ứng dụng khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp; tiếp tục rà soát quy định về các tiêu chí nông thôn phù hợp thực tiễn; đẩy mạnh truyền thông về cơ sở hạ tầng thông tin cho các xã vùng sâu, vùng xa…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung nội dung bình đẳng giới trong dự thảo Nghị quyết (phần về mục tiêu tổng quát). Đối với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp hơn trong thời gian tới. Đối với các ý kiến góp ý cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung thành phần của Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Chương trình.

Quốc hội khoá XV đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Sau khi nghe giải trình, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết. Với 476/478 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 95.39%, Quốc hội khoá XV đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang