Hướng dẫn về Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án
(kiemsat.vn) Theo Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ ngày 31/8/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn tham gia giải quyết những tranh chấp về lao động, tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thấm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019; những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 33 BLTTDS.
Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ ngày 31/8/2023 chỉ hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết 02 nội dung: (1) Các tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động, gồm: Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật lao động; tranh chấp về kinh phí công đoàn; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp (Công đoàn cơ sở sẽ tham gia với tư cách bị đơn trong trường hợp Công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công) và các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật; (2) Các yêu cầu về lao động, gồm: Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) vô hiệu; yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Vai trò của Công đoàn khi khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án
Khi tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án, Công đoàn có thể là đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan); là người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền hoặc người đại diện do Tòa án chỉ định của đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vai trò của Công đoàn được quy tại điểm c khoản 2 Điều 75; Điều 88 và điểm d khoản 1 Điều 209; khoản 2 Điều 187; khoản 1 Điều 401; khoản 1 Điều 403 BLTTDS. Cụ thể:
Công đoàn cơ sở: Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án; khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án nếu được người lao động ủy quyền; khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Tòa án; yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động (HĐLĐ) vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án; cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của người lao động.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án; khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án nếu được người lao động ủy quyền; khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền nếu được Công đoàn cơ sở ủy quyền; yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Công đoàn cơ sở nếu được người lao động, Công đoàn cơ sở đề nghị; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án; cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của người lao động. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án; khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Tòa án nếu được người lao động ủy quyền; khởi kiện và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Tòa án nếu được Công đoàn cơ sở ủy quyền; têu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được người lao động, Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị; cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án; cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của người lao động. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết và án phí, lệ phí, chi phí tố tụng dân sự
Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (quy định tại khoản 3 Điều 190; khoản 3 Điều 194 Bộ luật Lao động). Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc (quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015); khi có đương sự đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án lao động nếu thời hiệu khởi kiện đã hết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS.
Về án phí, lệ phí, chi phí tố tụng dân sự: Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, quy định: (1) Các trường hợp được miễn án phí gồm: Công đoàn được người lao động ủy quyền khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; (2) Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí gồm: Công đoàn khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của tập thể lao động, của tổ chức Công đoàn; (3) Lệ phí phải nộp cho Tòa án khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (gồm: Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án (Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện; lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án; lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án); lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam; lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công) và chi phí tố tụng (gồm: Chi phí cho người làm chứng; chi phí cho người phiên dịch, luật sư).
Các biện khẩn cấp tạm thời được áp dụng
Trong quá trình tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, cán bộ Công đoàn hướng dẫn, hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như: Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động (biện pháp này được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích họp pháp của người lao động về tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường, tiền trợ cấp, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật); tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, quyết định sa thải người lao động (biện pháp này được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến đon phương chấm dứt HĐLĐ, sa thải người lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc không được xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động).
Về thủ tục, người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn (có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS) gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ ngày 31/8/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án tranh chấp cá nhân, tranh chấp tập thể.
Bài viết chưa có bình luận nào.