Hợp đồng tín dụng tính lãi suất theo Bộ luật dân sự hay Luật các tổ chức tín dụng là hợp lý
Hợp đồng tín dụng là hợp đồng được xác lập giữa một bên là các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác với khách hàng là cá nhân, các tổ chức có đăng ký kinh doanh và cá nhân không có đăng ký kinh doanh.
Pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, Bộ Luật dân sự 2015 ghi nhận: “cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền nghĩa vụ của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Hợp đồng tín dụng về bản chất là hợp đồng dân sự mà quan hệ dân sự là quan hệ mang tính thỏa thuận, tự định đoạt giữa các bên, việc tôn trọng quyền định đoạt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì quan hệ dân sự giữa các bên luôn mang tính bình đẳng.
Về nguyên tắc tự do thỏa thuận khi giải quyết tranh chấp giữa các bên cũng được Bộ Luật tố tụng dân sự thể hiện thông qua chế định hòa giải trong tố tụng dân sự. Theo đó, hòa giải là trách nhiệm của Tòa án khi có tranh chấp xảy ra và khi đó các bên có thể thỏa thuận về việc giải quyết vụ án, thậm chí ngay tại phiên tòa các bên cũng vẫn có quyền thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp miễn sao thỏa thuận đó phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong hợp đồng tín dụng các bên thỏa thuận lãi suất cho vay, lãi quá hạn thường khá cao, ngoài ra các bên còn thỏa thuận cả lãi phạt vi phạm đối với phần lãi suất chậm trả. Theo Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính Phủ, Ủy ban thường vụ Quốc Hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ hợp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Đây là quy định mới của Bộ luật dân sự 2015 so với Bộ luật dân sự năm 2005, quy định này khắc phục được sự thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Tuy nhiên “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” ở đây có được hiểu là đề cập đến luật Các tổ chức tín dụng hay không, bởi vì tại khoản 2, 3 Điều 91 luật này đã quy định cơ chế “lãi suất theo thỏa thuận”.
Như vậy, hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận lãi suất bao nhiêu được chấp nhận, có bị khống chế theo quy định về lãi suất của Bộ luật dân sự không khi có tranh chấp xảy ra? Cho nên, cần có hướng dẫn quy định “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” theo Điều 468 Bộ luật dân sự, cụ thể là đối với lãi suất thỏa thuận của các tổ chức tín dụng với khách hàng là tự do thỏa thuận hay cần có giới hạn nhất định để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên khi xảy ra tranh chấp.
Tác giả bài viết: Lê Thị Kim Loan
Nguồn tin: VKSND H.Vĩnh Thạnh
-
1Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân
-
2Rút kinh nghiệm về việc xét, lập hồ sơ đề nghị khen thưởng các phong trào thi đua theo chuyên đề năm 2024
-
3Các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 mới nhất
-
4Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
-
5 Quy định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
-
6Quy định mới về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự
-
7Khám chữa bệnh bằng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VnelD
-
8Quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
-
9Trình tự tiếp nhận công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ ngày 06/11/2024
Bài viết chưa có bình luận nào.