Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân qua 60 năm xây dựng và phát triển”

14/07/2020 14:07

(kiemsat.vn)
Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2020). Tiến sĩ Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao dự và chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đồng chí Lê Thanh Đạo, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Trần Công Phàn, Nguyễn Duy Giảng, Tạ Quang Khải; các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSND tối cao; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao; nguyên lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị: VKSQS Trung ương, các VKSND cấp cao, một số VKSND tỉnh, thành phố và VKSQS cấp quân khu; đại diện các cơ quan, ban, ngành; nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử am hiểu về tổ chức và hoạt động của VKSND và các phóng viên cơ quan báo chí trong và ngoài ngành KSND tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao chào mừng các đại biểu, các nhà khoa học đến dự Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của VKSND qua 60 năm xây dựng và phát triển”.

TS. Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh: Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức VKSND, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 1959 về chế định VKSND; đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan VKSND, thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ được giữ vững. Sự ra đời của VKSND là một yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, VKSND đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Cùng với tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát, cũng như trước những thách thức và yêu cầu mới, ngành Kiểm sát cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, làm sâu sắc thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của VKSND. Hội thảo này là dịp để nhiều nhà khoa học đầu ngành và những diễn giả có công trình nghiên cứu tâm huyết, chuyên sâu, rút ra nhiều luận điểm, luận cứ khoa học đầy đủ và toàn diện về tổ chức và hoạt động VKSND qua 60 năm hình thành và phát triển; việc tổ chức Hội thảo cũng góp phần vào việc tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà Đảng ta đang tiến hành. Trên cơ sở kết quả Hội thảo, ngành KSND sẽ tiếp thu một cách hợp lý, để nghiên cứu, vận dụng và tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, phát triển ngành Kiểm sát nói riêng và hệ thống cơ quan tư pháp nói chung, bảo đảm hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận về quan điểm của V.I.Lênin về VKSND qua các tác phẩm

Phát biểu tham luận tại Hội thảo về quan điểm của V.I.Lênin về thiết chế Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước XHCN, PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã giới thiệu quan điểm của V.I.Lênin về sự cần thiết của thiết chế VKSND nhằm đảm bảo cho pháp chế được thống nhất trong phạm vi của cả nước; những quan điểm của V.I.Lênin về chức năng, về tổ chức và hoạt động của VKSND, về vai trò của VKSND trong kiểm soát quyền lực nhà nước.

Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về VKSND vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn cho rằng: VKSND phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng thực hiện quyền công tố nhằm xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm pháp luật hình sự; bên cạnh đó, VKSND kiểm sát tốt hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý, pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật, qua đó đảm bảo sự thực hiện pháp luật một cách thống nhất; bảo đảm trật tự pháp luật và thực hiện pháp luật nghiêm minh. Đồng thời, cần nghiên cứu, xem xét việc vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về giám sát hành chính hiện nay. Theo đó, VKSND có thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc nhánh quyền hành pháp nhưng theo định hướng chỉ tập trung vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy hành pháp; kiểm sát việc bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân. Theo PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn, để phát huy vai trò VKSND trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay cần thiết phải khôi phục lại quy định về chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND.

PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh với tham luận về sự ra đời của VKSND nhìn dưới góc độ triết học

Tiếp cận dưới một góc nhìn mới, trong tham luận với chủ đề  "Sự ra đời của VKSND nhìn dưới góc độ triết học", PGS. TS. Phạm Văn Tỉnh cho rằng, về chế  định Viện kiểm sát ở nước ta cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có những phân tích rất sâu sắc dưới nhiều góc độ, song dưới góc độ triết học thì còn ít được đề cập. Vì thế, hướng nghiên cứu này cần phải được tăng cường cho tương thích với vai trò dẫn đường, chỉ lối của triết học – khoa học cần thiết và không thể thiếu cho việc soi sáng về “Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân” ở nước ta. Theo hướng đó, PGS. TS. Phạm Văn Tỉnh đề cập nội dung bàn về “Tính chính đáng” và “Tính chính danh” trong thiết chế Viện kiểm sát nhân dân; và để tính chính danh của VKSND tiệm tiến đến tính chính đáng vốn có của mình, thiết chế này cần có sự vận động mạnh mẽ hơn trên nền tảng các nguồn lực hiện có, gồm VKSND tối cao, các VKSND địa phương và đặc biệt là cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học kiểm sát để phát triển thành một khoa học pháp lý chuyên ngành độc lập.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương với tham luận về những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần vận dụng cho ngành Kiểm sát nhân dân

GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đã nêu những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ, nhà nước và pháp luật, về thanh tra, kiểm tra và giám sát tư pháp cần quán triệt và vận dụng trong ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay. Qua đó nêu bật những tư tưởng lớn, sáng suốt của Người, mãi mãi còn nguyên giá trị và ý nghĩa cho hoạt động tư pháp, cho đội ngũ cán bộ tư pháp của chúng ta ngày nay, trong đó có thiết chế Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm sát viên, từ tổ chức đến hoạt động của Ngành; về năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức trong Ngành. Từ đó, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền tư tưởng với đạo đức và phong cách của Người trong công tác hàng ngày, tâm niệm và bền bỉ thực hành những chỉ dẫn cao quý của Người.

GS.TSKH. Lê Cảm, Giám đốc Trung tâm Luật hình sự & tội phạm học, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận về tiếp tục cải cách tư pháp và đổi mới VKSND trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay

Hội thảo tiếp tục được nghe GS.TSKH. Lê Cảm, Giám đốc Trung tâm Luật hình sự & tội phạm học, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi về việc tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp và đổi mới VKSND trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay; từ việc nghiên cứu các luận điểm cơ bản về cải cách tư pháp đến các luận điểm cơ bản về đổi mới hệ thống VKSND. Thông qua đó chỉ ra 05 giải pháp cơ bản để góp phần đổi mới hệ thống VKSND trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay, trong đó, giải pháp thứ nhất (chuẩn bị về mặt khoa học) là rất quan trọng nhằm nêu bật sự cần thiết ghi nhận về mặt hiến định trong Hiến pháp hiện hành để giao trở lại chức năng kiểm sát chung cho VKSND; đề xuất với Đảng, Nhà nước và thông tin đến toàn thể nhân dân Việt Nam thấy rõ được sự cần thiết và hiệu quả vượt trội của việc thực hiện chức năng kiểm sát chung của VKSND trong công cuộc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (nhất là các tội phạm tham nhũng) ở giai đoạn thứ nhất 18 năm trước đây (1984 - 2002).

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với tham luận về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND

Nói về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã khái quát một cách ngắn gọn tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân phải tuân theo ba nguyên tắc: (1) Lãnh đạo tập trung, thống nhất trong toàn Ngành; (2) Kết hợp vai trò của tập thể Ủy ban kiểm sát với Viện trưởng VKSND cùng cấp; (3) Kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND. Qua đó làm rõ nội dung, ý nghĩa của các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần mở cửa và hội nhập đang tiến hành một cách mạnh mẽ và sâu rộng ở nước ta như hiện nay.

GS. TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Luật, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước với tham luận về yêu cầu, thách thức và giải pháp trong giai đoạn mới để làm tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND

Về những yêu cầu, thách thức và giải pháp trong giai đoạn mới để làm tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, GS. TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Luật, Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá: Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW và 07 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 có thể nói rằng, về mặt lý luận, cần tiếp tục nghiên cứu nhằm làm rõ tính chất, đặc điểm và phương thức thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát theo hướng coi kiểm sát các hoạt động tư pháp là một dạng giám sát quyền lực, đồng thời, xác định rõ tính đặc thù trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể hoạt động kiểm sát. Đó là chủ thể thực hiện quyền giám sát - Viện kiểm sát nhân dân, được coi là thiết chế nhân danh quyền lực nhà nước vì quyền giám sát này do Hiến pháp trực tiếp quy định; đồng thời, cần đảm bảo để trong hoạt động của mình, Viện kiểm sát không lẫn lộn chức năng này với chức năng thực hành quyền công tố, kết hợp tốt hơn hai chức năng đó cả trong và ngoài phạm vi tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Còn khách thể của quyền kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát là bản thân các hoạt động tư pháp; chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND về tính chất là một chức năng quyền lực, về phương thức, phạm vi thực hiện là một chức năng tố tụng và nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự.

PGS. TS. Trần Đình Nhã với tham luận về nhận thức và giải pháp thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố của VKSND trong giai đoạn mới

Bàn về nhận thức và giải pháp trong giai đoạn mới về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân, PGS. TS. Trần Đình Nhã khẳng định: Thực hành quyền công tố không còn là nhiệm vụ phái sinh từ hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật (theo tư tưởng của Hiến pháp năm 1959) mà từ Hiến pháp năm 1980 đã quy định thành một chức năng độc lập, tồn tại song song với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung (ngày nay là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp). Mặc dù Hiến pháp và các đạo luật do Quốc hội ban hành thời gian gần đây đã có một bước tiến dài trong việc xác nhận và phân biệt chức năng thực hành quyền công tố với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thậm chí còn quy định cụ thể mang tính phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong từng giai đoạn tố tụng, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án hình sự, song do chưa thể phân định chức năng gắn với chức danh và nhiệm vụ cụ thể của từng chức danh nên khó phân biệt các hoạt động, các hành vi thực hiện từng loại chức năng.

TS. Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương với tham luận về vai trò của VKSND tối cao trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo

Đánh giá về vai trò của VKSND tối cao trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, TS. Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Thời gian qua, VKSND tối cao đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; theo đó, đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật đối với 77 vụ/776 bị cáo trong tổng số 120 vụ án; trong đó, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án có nhiều bị can, bị cáo là những cán bộ giữ chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời. Kết quả phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; tạo bước đột phá, điểm nhấn quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, VKSND tối cao đã góp phần quan trọng làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhiều vụ vượt tiến độ so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo đề ra. Đặc biệt, có một số vụ án, khi kết thúc điều tra, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố trong thời gian rất ngắn, chỉ từ 05 đến 07 ngày, trong khi luật quy định là 60 ngày. Ngoài ra, VKSND tối cao đã quan tâm thực hiện các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách, quy định, góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng và thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Đặc biệt TS. Nguyễn Thái Học đánh giá rất cao một trong những cách làm hay, sáng tạo trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đó là, VKSND tối cao đã thực hiện cơ chế biệt phái Kiểm sát viên của VKSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án đó tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ông Bùi Mạnh Cường, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao với tham luận về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của ngành KSND và vai trò của VKSND trong cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước hiện nay

Về sự lãnh đạo của Đảng trong 60 năm qua đối với công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, ông Bùi Mạnh Cường, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng: Trong 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua đường lối, chính sách và giao nhiệm vụ chính trị cho ngành Kiểm sát nhân dân được thể hiện trong văn kiện Ðại hội Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với ngành Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN hiện nay.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành đã có những ý kiến phát biểu rất tâm huyết và trí tuệ, qua đó đã cung cấp nhiều luận điểm làm rõ và sâu sắc thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của VKSND qua từng giai đoạn cách mạng. Đây là những tư liệu hết sức quý báu, góp phần bổ sung vào hệ thống lý luận và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND trong thời gian tới. Đồng thời, VKSND tối cao biên tập tài liệu hội thảo thành cuốn Kỷ yếu Hội thảo để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và công tác thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta./.

Sáng mãi tinh thần những người ‘dời non lấp biển’

(Kiemsat.vn) - Ngày 15/7/1950, tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị TNXP đầu tiên chính thức được thành lập với mục đích được Bác Hồ chỉ rõ: “Để phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến, cứu nước đến toàn thắng và làm trường học lớn, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng CNXH tương lai”.

Chi đoàn VKSND Quận 10 hưởng ứng Lễ ra quân các Chiến dịch tình nguyện mùa hè năm 2020

(Kiemsat.vn) - Nhằm hưởng ứng Lễ ra quân các chiến dịch tình nguyện hè thành phố năm 2020, vừa qua tại địa bàn Phường 2, Quận 10, toàn thể đoàn viên Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân Quận 10 tham gia Chương trình hưởng ứng ngày hoạt động cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng văn minh đô thị” do Ban Thường vụ Quận Đoàn 10 tổ chức.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang