Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Trung lần thứ I: Sáng kiến trong hoạt động tương trợ tư pháp  

22/05/2020 11:04

(kiemsat.vn)
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020), phóng viên Tạp chí Kiểm sát đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về sự kiện Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Trung lần thứ I ngày 17/9/2017 diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới Việt - Trung lần thứ I diễn ra vào tháng 9/2017  tại  thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Phóng viên: Kính thưa Tiến sĩ Trần Công Phàn, xin trân trọng đề nghị Tiến sĩ cho biết về sáng kiến tổ chức Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới Việt - Trung lần thứ I diễn ra vào tháng 9/2017?

Tiến sĩ Trần Công Phàn: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật; tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên cơ sở thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước hết sức coi trọng bởi Trung Quốc là quốc gia xã hội chủ nghĩa láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời; nhân dân hai nước có sự giao lưu, trao đổi hết sức chặt chẽ về kinh tế, thương mại, văn hóa... Ngoài ra, cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ giữa hai cơ quan có nhiều điểm tương đồng cũng là cơ sở thuận lợi để ngành Kiểm sát hai nước   Việt - Trung củng cố, mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác. Kết quả hợp tác giữa hai ngành Kiểm sát của hai nước Việt – Trung đạt được những kết quả rất tích cực, đặc biệt những năm gần đây được phát huy cả về bề rộng và chiều sâu. Hai ngành đã ký kết văn bản Thỏa thuận hợp tác từ tháng 1 năm 2000 tiếp đó trong từng thời gian đều có kế hoạch hợp tác cụ thể (Thỏa thuận hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam – Trung Quốc, ký ngày 17/01/2000; Thỏa thuận hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam – Trung Quốc, ký ngày 25/6/2012; Thỏa thuận hợp tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam – Trung Quốc, ký ngày 23/4/2017).

Hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc cho đến nay, về cơ bản được thực hiện trên cơ sở “Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc” ký năm 1998. Trên cơ sở Hiệp định, Viện kiểm sát hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai, xác minh lí lịch, tống đạt tài liệu…

Kết quả công tác tương trợ tư pháp đã phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy. Tuy nhiên, do Hiệp định năm 1998 điều chỉnh cả lĩnh vực hình sự và dân sự; các điều khoản quy định về tương trợ tư pháp hình sự còn hạn chế, chưa cụ thể; nhiều nội dung còn thiếu hoặc không còn phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết trong thời gian gần đây; thủ tục tiếp nhận, thực hiện và chuyển giao kết quả thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp còn phức tạp, chưa có cơ chế đặc thù để thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa các địa phương biên giới nên việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp trong nhiều trường hợp còn chậm, việc trao đổi nắm thông tin, nắm tiến độ giải quyết các yêu cầu tương trợ chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Để góp phần khắc phục tình trạng trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước đã quyết định tổ chức Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới Việt - Trung. Đây là một sáng kiến hết sức quan trọng của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước nhằm tích cực triển khai Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Bên; nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa hai nước ký năm 1998. 

Hội nghị lần thứ I được tổ chức vào tháng 9/2017 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Kết thúc Hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới  Việt - Trung. 

Theo đó, hai Bên đã thống nhất duy trì cơ chế tổ chức Hội nghị này theo hình thức luân phiên, 2 năm/1 lần; thống nhất thiết lập cơ chế hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác, nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc thực hiện tốt hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Phóng viên: Kính thưa Tiến sĩ, xin Tiến sĩ cho biết điểm nhấn lớn nhất của sự kiện Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Trung lần thứ I?

Tiến sĩ Trần Công Phàn: Đánh giá về Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Trung lần thứ I, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước khẳng định, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, là tiền lệ chưa từng có từ trước đến nay giữa các ngành tư pháp trung ương của hai nước giúp củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống giữa Viện kiểm sát hai nước; nhấn mạnh được vai trò của cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, qua đó nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn ổn định trật tự vùng biên giới.  

Điểm nhấn lớn nhất của Hội nghị theo tôi chính là việc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, hai bên cho phép Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương có chung đường biên giới trực tiếp gửi và nhận yêu cầu tương trợ; trực tiếp chuyển trả kết quả thực hiện tương trợ tư pháp. Trường hợp cần giải quyết nhanh, có thể gửi qua thư điện tử hoặc fax, nhưng ngay sau đó phải gửi hồ sơ ủy thác chính thức bằng văn bản. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ ủy thác trực tiếp và đồng thời báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước mình; bên được ủy thác sau khi tiếp nhận hồ sơ ủy thác phải hoàn thành việc kiểm tra tính hợp lệ trong thời hạn năm (05) ngày làm việc; trường hợp cần bổ sung thông tin thì có thể liên hệ trực tiếp bằng điện thoại hoặc phương tiện liên lạc khác, không cần gửi lại hồ sơ ủy thác. Trường hợp hồ sơ ủy thác hợp lệ, bên được ủy thác cần nhanh chóng thực hiện ủy thác. Việc thực hiện ủy thác phải hoàn thành trong thời hạn một (01) tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ ủy thác. 

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc thể hiện thiện chí và quyết tâm thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa ngành Kiểm sát hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, mở ra cơ chế hợp tác mới, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện các ủy thác tư pháp hình sự, góp phần tích cực vào việc giải quyết các vụ án hình sự được đầy đủ, kịp thời và khách quan, toàn diện; qua đó góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Thực tế triển khai Bản ghi nhớ nói trên cho thấy hiệu quả thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh biên giới hai nước đã được cải thiện rõ rệt, rút ngắn đáng kể thời gian gửi, nhận yêu cầu và thực hiện các nội dung tương trợ, góp phần bảo đảm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015. Qua theo dõi cho thấy, tính từ tháng 10/2017 đến hết tháng 10/2019, các tỉnh biên giới của Việt Nam đã có 57 yêu cầu (Lạng Sơn 37, Quảng Ninh 14, Cao Bằng 5, Điện Biên 01) yêu cầu gửi trực tiếp gửi các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Phần lớn các yêu cầu ủy thác trực tiếp nói trên đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thực hiện đầy đủ, đáng chú ý có yêu cầu được thực hiện trong thời gian chưa tới 1 tháng. 

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Phóng viên: Kính thưa Tiến sĩ, xin Tiến sĩ cho biết những thuận lợi, khó khăn và thách thức đối với ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật sau Hội nghị Việt – Trung lần thứ I?

Tiến sĩ Trần Công Phàn: Sau Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Trung lần thứ I, ngành Kiểm sát đã có những thuận lợi nhất định: thông qua việc ký Biên bản hội nghị về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Trung, Viện kiểm sát nhân dân đã thiết lập một cơ chế hợp tác trực tiếp về tương trợ tư pháp hình sự và gặp mặt định kỳ 2 năm một lần; thúc đẩy hoạt động hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới và Viện kiểm sát nhân dân các địa phương có điều kiện tương đồng của hai nước, từ đó khắc phục và tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, góp phần củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống giữa Viện kiểm sát nhân dân hai nước; góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Bên cạnh đó cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức: sự khác biệt về hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự của hai nước; pháp luật Việt Nam và Trung Quốc còn có quy định khác nhau về một số hành vi được coi là tội phạm nên còn gặp một số khó khăn trong hoạt động tương trợ. 

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự năm 1998 là Hiệp định điều chỉnh cả lĩnh vực hình sự và dân sự, các điều khoản quy định về tương trợ tư pháp hình sự còn hạn chế, chưa cụ thể; thủ tục tiếp nhận, thực hiện và chuyển giao kết quả thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp còn phức tạp, nên việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp giữa các địa phương không có chung đường biên giới còn rất hạn chế, nhiều yêu cầu gửi đi nhưng không nhận được kết quả trả lời từ phía Trung Quốc, nhiều yêu cầu của Việt Nam bị phía Trung Quốc từ chối thực hiện mặc dù không thuộc phạm vi từ chối tương trợ theo quy định của Hiệp định năm 1998, thực trạng này làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Chất lượng lập một số hồ sơ ủy thác còn hạn chế, chất lượng bản dịch hồ sơ yêu cầu chưa chính xác; nhiều hồ sơ yêu cầu do cơ quan tố tụng phía Việt Nam gửi đi vẫn chưa đúng quy định cả về nội dung và hình thức, dẫn đến phải hướng dẫn lập lại hồ sơ, gây lãng phí thời gian và làm chậm tiến độ giải quyết vụ án. 

Trong hoạt động hợp tác tương trợ tư pháp trực tiếp, các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương chưa thực hiện đầy đủ cơ chế báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ đó gây khó khăn việc hướng dẫn và quản lý kết quả của cơ quan trung ương.

Mặt khác, năng lực, trình độ ngoại ngữ của cán bộ ở địa phương còn hạn chế; kinh phí, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự còn nhiều khó khăn.

Phóng viên: Kính thưa Tiến sĩ, Tiến sĩ có thể cho biết trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân chúng ta sẽ có những biện pháp phối hợp với ngành Kiểm sát nhân dân Trung Quốc như thế nào trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật?

Tiến sĩ Trần Công Phàn: Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình tội phạm có tổ chức xuyên biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng; tình trạng công dân hai nước phạm tội trên địa bàn các khu vực biên giới hai nước cũng diễn biến hết sức phức tạp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát huy tinh thần của Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Trung lần thứ I; tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ chế hợp tác đã có; từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, góp phần góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Hai bên có thể nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước để phù hợp với tình hình và yêu cầu mới, thay thế các quy định về tương trợ tư pháp hình sự của Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự đã ký năm 1998.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao!

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang