Hoàng Sa, Trường Sa “Vang Vọng” Tiếng Chuông Chùa

23/09/2016 11:26

(kiemsat.vn)
“A di Đà Phật, Chú ni tề, tui nói thiệt lòng nhá, gần 5 năm tui tình nguyện ra đảo theo tui mỗi người dân đất Việt chúng ta, dẫu nắm giữ chức vụ nào, có theo tôn giáo nào thì vẫn chung một niềm mong mỏi cầu nguyện cho đất nước được thái bình, dân được an lạc, quốc gia vẹn toàn, cầu nguyện cho các linh hồn anh hùng liệt sỹ và đồng bào mình đã ngã xuống nơi đây “siêu thoát”, giữ gìn cho biển trời Tổ quốc được bình yên…” Đó là lời tâm sự của Đại đức Thích Giác Nghĩa với chúng tôi trong chuyến hải trình ra thăm đảo Trường Sa.

Đầu tháng 5/2016, tôi vinh dự được cùng đoàn công tác của UBND tỉnh cưỡi sóng, vượt biển ra với quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Trong chuyến hải trình lần này tôi được tận mắt ngắm nhìn biển trời bao la nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc với những hòn đảo lớn nhỏ, những ngọn hải đăng cao vời vợi, cùng với những nhà giàn DK1 sừng sững, hiên ngang án ngữ ở vùng biển phía Nam, đó chính là là cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam thể không tranh cãi. Không những thế, đoàn chúng tôi còn đi thăm hỏi những người con đất Việt, đang ngày đêm âm thầm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bồng súng canh giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi nhớ, buổi sáng hôm ấy, sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của cán bộ, sỹ trên đảo Trường Sa. Cả đoàn chúng tôi còn ghé thăm ngôi chùa tọa lạc ở giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa. Có thể nói, đây là một ngôi chùa uy nghi, hoành tráng, khuôn viên nhà chùa rộng rãi, vuông vức, chính điện hướng về thủ đô Hà Nội. Tòa chính điện được thiết kế gồm một gian hai chái, mái cong, có đầu đao, trong chùa có các pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng, trong không gian tĩnh mịch, khói hương nghi ngút, mùi hương trầm ngan ngát tỏa ra đâu đây, nơi đây rất linh thiêng, bên phải chính điện là bàn thờ các anh hùng liệt sĩ ,những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sư trụ trì ngôi chùa này là Đại đức Thích Giác Nghĩa, ông sinh ra ở Huế 14 tuổi đã bước chân vào cửa Phật. Không chỉ tốt nghiệp Khoa Anh ngữ của Trường Đại học Ngoại ngữ, tin học TP. HCM, ông còn sang Ấn Độ học cao học tâm lý, ông là một trong 6 vị chư tăng ra Trường Sa từ hồi đầu tháng 5/ 2012.

Cũng ngay buổi sáng hôm đó, khi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng xung quanh nhà chùa, đến bàn thờ các anh hùng liệt sỹ, tôi nhìn thấy những bức hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng ghi bằng chữ quốc ngữ như ““Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử. Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam” Những dòng chữ đó như một lời khẳng định chủ quyền bền vững của người dân đất Việt có từ ngàn xưa trên vùng biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu này, và đây mãi mãi là cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm, nó chính là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trò chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết “ Hiện trên quần đảo Trường Sa có khá nhiều nhà sư. Hàng ngày, các nhà sư ở đây ngoài việc tu hành họ còn thường xuyên cầu khấn, thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, và đồng bào mình đã ngã xuống nơi đây, cầu mong cho các linh hồn sang thế giới bên kia “siêu thoát”. Bên cạnh đó, họ còn cầu mong cho “Quốc thái, dân an”, cầu cho biển Đông luôn luôn bình yên. Các thày đã không quản ngại nắng, mưa, luôn có tấm lòng nhân ái, sống trong sạch, giản dị, vượt qua mọi khó khăn, của đời sống thường ngày trên đảo như: thiếu rau xanh, nước ngọt… cùng với quân dân trên đảo, chủ động khắc phục khó khăn trong cuộc sống, tu luyện và gìn giữ truyền thống văn hóa, phong tục của nước nhà, phát triển đạo pháp, sống tốt đời đẹp đạo, khẳng định tinh thần yêu nước của người dân đất Việt.

Nói về đời sống tâm linh ở chùa, Đại đức Thích Giác Nghĩa xúc động cho biết thêm: Từ khi có các nhà sư ra tu hành, đời sống tinh thần, tâm linh và người dân trên đảo bừng lên một sinh khí mới. Những người dân trước khi đi biển nếu vướng mắc cái gì đó trong cuộc sống họ thường hay đến nhà chùa thắp hương tưởng niệm, có những người cầu mong giải tỏa về yếu tố tam linh tinh thần, nhưng có người lại cầu mong vươn khơi, bám biển đánh cá được bình yên, mong đánh bắt được nhiều cá, tôm… làm giàu cho đất nước. Còn với những người lính hải quân thì cứ vào ngày nghỉ cuối tuần họ thường lên chùa thắp hương, họ coi đây như ngôi nhà của chính mình, cầu mong cầm chắc tay súng bảo vệ bình yên của biển đảo. Cầu mong mong Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách thỏa đáng, và quyết sách đúng đắn để khai thác tiềm năng thế mạnh của biển, xây dựng đất nước ta ngày càng văn minh hiện đại, xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng giàu đẹp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Thanh Hải 

Trung Quốc trắng trợn đưa 16 máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa

Trung Quốc đã trắng trợn triển khai số lượng máy bay chiến đấu lớn chưa từng có tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang