Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

21/07/2022 13:41

(kiemsat.vn)
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Sáng 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, TP. Hà Nội và 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trong toàn hệ thống chính trị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng bộ VKSND tối cao có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Quang Dũng. 

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy VKSND tối cao; Đảng ủy, Chi ủy, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, đảng ủy viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Viện trưởng các đơn vị nghiệp vụ và tương đương thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội; đảng viên, công chức thuộc Văn phòng Đảng ủy VKSND tối cao. Đảng ủy, chi ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; các Bí thư, Phó Bí thư chi bộ; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tại các điểm cầu: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại TP. Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Trong thời gian 1,5 ngày, cán bộ, đảng viên tham dự Hội nghị sẽ được nghiên cứu, quán triệt 4 chuyên đề, gồm: Chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao";  Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" và Nghị quyết về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới".

Sau phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt chuyên đề Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" . 

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đạt được của 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Việc ban hành Nghị quyết mới về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, theo Nghị quyết mới ban hành, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu tại điểm cầu Đảng bộ VKSND tối cao lắng nghe những quán triệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết lần này đưa ra 6 nhóm giải pháp. Một trong số đó là hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, cụ thể: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai…

Sau nội dung triển khai, quán triệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cán bộ, đảng viên dự Hội nghị tiếp tục được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh triển khai, quán triệt Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân, tinh thần chỉ đạo của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chiến lược "đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN".

Công tác thi đua, khen thưởng phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, góp phần phát hiện được những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả cao

(Kiemsat.vn) - Ngày 20/7, Vụ Thi đua – Khen thưởng (Vụ 16) VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tiếp xã giao Đoàn công tác Dự án JICA giai đoạn 2021-2025

(Kiemsat.vn) - Chiều ngày 20/7, tại trụ sở VKSND tối cao, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đã tiếp xã giao Đoàn công tác Dự án JICA giai đoạn 2021-2025 do ông Morishima Akio, Giáo sư danh dự Trường Đại học Nagoya (Nhật Bản) làm Trưởng đoàn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang