Hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng

14/11/2016 03:46

Đồng chí Bạch Thành Phong (tên khai sinh là Bạch Văn Điềm, bí danh Cương, Chấn), sinh năm 1916 (vì không nhớ ngày, tháng sinh, cho nên đồng chí vẫn lấy ngày 3-2 làm ngày sinh của mình), quê quán xã Văn Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Đồng chí Bạch Thành Phong nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng do lãnh đạo Thành ủy Hà Nội trao tặng năm 2014.
Đồng chí Bạch Thành Phong nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng do lãnh đạo Thành ủy Hà Nội trao tặng năm 2014.

Đồng chí hoạt động cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939). Tháng 1-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Được làm việc với đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Xứ ủy Bắc Kỳ, được Đảng giao bất kỳ công việc gì, như công tác Đảng, giao thông liên lạc, vận động quần chúng, đồng chí đều làm tròn nhiệm vụ. Sau này, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Tùng đều nhắc nhiều đến đồng chí Bạch Thành Phong với tình cảm chân thành, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hết lòng vì việc Đảng, việc dân.

Sau Hội nghị Trung ương từ tháng 8 (1941), đồng chí Bạch Thành Phong được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông đến năm 1942. Trong thời gian này, đồng chí ra sức củng cố các chi bộ đảng; mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên và quần chúng ưu tú, giao công tác cho họ, chọn ra những người ưu tú để kết nạp họ vào Đảng. Đồng chí làm công tác này rất kiên trì, kết hợp giữa củng cố tổ chức đảng với việc củng cố các tổ chức quần chúng yêu nước và cách mạng, góp phần tích cực xây dựng Đảng bộ Hà Đông vững mạnh và phát triển.

Đến cuối năm 1942, đồng chí Bạch Thành Phong được điều về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Sinh thời, đồng chí Hoàng Tùng nhiều lần kể rằng, đồng chí Bạch Thành Phong là người sống chân chất, thật thà, lăn lộn với quần chúng, đồng cam cộng khổ với quần chúng, gây dựng phong trào. Làm Bí thư Thành ủy Hà Nội trong thời gian ngắn (khoảng ba tháng), nhưng đồng chí rất chú trọng xây dựng các cơ sở cách mạng của quần chúng và tổ chức đảng. Điều đáng nói là đồng chí rất chú trọng đến công tác tổ chức của Đảng, làm sao cho Đảng xứng đáng là một đội tiên phong có tổ chức của giai cấp vô sản; làm cho Đảng thành một đảng thật quần chúng, cơ sở vững vàng trong quần chúng. Muốn vậy, phải củng cố và mở rộng cơ sở của Đảng, củng cố các chi bộ đảng và tổ “tam tam” (ba đảng viên) hoạt động chui sâu trong lòng địch, thống nhất tổ chức Đảng, tổ chức Đảng đoàn trong các đoàn thể cứu quốc. Phương pháp công tác của đồng chí Bạch Thành Phong là tổ chức Đảng cần phải chặt chẽ và nghiêm ngặt, nhưng đối với các tổ chức quần chúng thì cần phải rộng rãi và nhẹ nhàng.

Đồng chí Bạch Thành Phong mang tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng để phổ biến cho đảng viên và quần chúng ở Hà Nội là phải sửa soạn khởi nghĩa vũ trang. Đảng phải nghiên cứu những hình thức đấu tranh vũ trang, những hình thức tổ chức của một cuộc khởi nghĩa vũ trang; nghiên cứu những “hình thức quá độ” để bước lên thành lập tổ chức chính quyền của nhân dân. Những hình thức quá độ ấy có thể là những ủy ban công nhân cách mạng, ủy ban nông dân cách mạng…

Tháng 10-1944, đồng chí Bạch Thành Phong tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ phụ trách các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Ngày 10-11-1944, đồng chí Bạch Thành Phong bị mật thám bắt ở Nam Định. Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Xứ ủy, Sở mật thám Pháp ở Nam Định tra tấn dã man năm ngày (mỗi ngày hai đến ba trận đòn) không khai thác được gì. Chúng đưa đồng chí về Sở mật thám Bắc Bộ (nay là trụ sở Công an TP Hà Nội). Tại đây, tên La-nec-em (Chánh mật thám) tiếp tục tra tấn 14 trận vô cùng dã man như dìm nước, giẫm lên bụng, treo hai tay lên đánh…, nhưng đồng chí Bạch Thành Phong vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và các cơ sở cách mạng.

Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ họp tại nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), thôn Liễu Ngạn, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư chủ trì, bàn việc triển khai Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời chuẩn bị phát động Tổng khởi nghĩa. Hội nghị quyết định xây dựng bảy chiến khu trong cả nước: Bắc Kỳ bốn chiến khu, Trung Kỳ hai chiến khu, Nam Kỳ một chiến khu. Hội nghị cũng cử ra Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ để chỉ huy các chiến khu miền bắc Đông Dương và hỗ trợ cho toàn quốc. Sau hội nghị này, đồng chí Bạch Thành Phong được giao nhiệm vụ phụ trách đặc biệt khu của Xứ ủy.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thực dân Pháp đã nổ súng tiến công với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.

Tháng 10-1946, đồng chí Bạch Thành Phong gia nhập quân đội, trực tiếp làm Chính ủy Tiểu đoàn 101 (tiền thân của Trung đoàn Thủ đô), được giao nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ Phủ – nơi làm việc của Bác Hồ và Chính phủ. Toàn quốc kháng chiến, Pháp tiến công vào Hà Nội, dưới sự chỉ huy kiên định của đồng chí, với quyết tâm: Hải Phòng đã giữ được một tháng thì Hà Nội phải giữ chí ít được hai tháng để bảo vệ cho nhân dân và Chính phủ sơ tán, mất Thủ đô là mất tất cả, phải giữ Hà Nội để giữ vững khí thế cho phong trào cách mạng cả nước. Đề xuất này được Đảng ủy mặt trận Hà Nội và Trung ương nhất trí, tạo nên khí thế và quyết tâm bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến.

Sau đó, đồng chí Bạch Thành Phong làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (lần thứ 2), Thường vụ Liên khu III cho đến khi hòa bình lập lại.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Bạch Thành Phong xuất phát từ tinh thần yêu nước nồng nàn, muốn đưa nhân dân thoát ra khỏi áp bức, bất công, giải phóng đồng bào. Từ tinh thần yêu nước, đồng chí đã đến với cách mạng và suốt đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng. Đồng chí là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hoạt động không biết mệt mỏi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Bạch Thành Phong là cuộc đời của sự chịu đựng gian khổ, vượt qua những tình huống nghiệt ngã trước sự vây ráp, lùng sục của mật thám địch để thoát ra tiếp tục hoạt động cách mạng. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng làm tròn nhiệm vụ, Đảng giao bất kỳ công tác nào, đồng chí cũng nhận làm dù phải đi vào vùng “nước sâu, lửa nóng” và làm hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đối với Nhà lão thành cách mạng Bạch Thành Phong, thời gian dù là tính bằng giây, cho đến những ngày cuối đời, con tim khối óc của ông vẫn dành trọn cho Đảng, cho Bác Hồ và dân tộc.

PGS, TS Đức Vượng/nhandan.com.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang