Hạn chế của Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải

27/12/2016 10:33

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Điều 23a BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền “tranh luận” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. BLTTDS năm 2015, thay cụm từ “tranh luận” bằng cụm từ “tranh tụng” cho phù hợp với lý luận và thực tiễn.

Để bảo đảm được quyền tranh tụng, mỗi bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thu thập tài liệu, chứng cứ, đồng thời thông báo cho nhau biết để chủ động thực hiện quyền tranh tụng, nhưng những vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã làm hạn chế về sự bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp (khoản 2 Điều 24).

Mặt khác Pháp luật Việt Nam rất coi trọng việc hòa giải để giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn, bảo đảm giữ được mối quan hệ hài hòa giữa các bên tranh chấp. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn giữ thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự nhưng đã phát triển thành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và được quy định tại các điều 208, 209, 210, 211.

Về trình tự, nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quy định này cũng còn một số hạn chế, cụ thể:

Khoản 1 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “ Trước khi tiến hành phiên họp…Thẩm phán chủ trì phiên họp phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Điểm a khoản 4 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Thủ tục tiến hành hoà giải được thực hiện như sau:

a) Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình…”

Điểm a khoản 2 Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “ Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:

a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Toà án giải quyết”

Điểm b khoản 4 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “ Thủ tục tiến hành hoà giải được thực hiện như sau:

b) Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện…”.

Như vậy trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải đã bị lặp lại về việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của đương sự, yêu cầu khởi kiện và phạm vi khởi kiện. Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải được quy định trong một điều luật nhưng gần như tách riêng thành hai phần là kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ sau đó tiến hành hoà giải giữa các đương sự nhưng giữa hai thủ tục này không có sự kết hợp, gắn kết nên nhiều thủ tục đã thực hiện trong phần trước đã lặp lại trong phần sau. Việc lặp lại này là không cần thiết và làm kéo dài thời gian của phiên họp.

Điểm d khoản 2 Điều này quy định cho đương sự có quyền đề xuất thẩm phán hỏi đương sự khác về “những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết”. Quy định này còn chung chung chưa nêu bật được những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết là những vấn đề gì? Nếu mở rộng những vấn đề mà đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán hỏi đối với đương sự khác thì dẫn đến thủ tục của phiên họp đã dài lại càng tốn nhiều thời gian hơn.

Khoản 3 Điều 210 nêu trên quy định, thẩm phán sau khi nghe các đương sự trình bày xong sẽ “xem xét các ý kiến, giải quyết yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này”. Quy định này cho thấy sự thiếu chặt chẽ và không rành mạch   Những yêu cầu nào của đương sự sẽ được xem xét, giải quyết? Yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 2 có được giải quyết không? Một nội dung quan trọng của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là thẩm phán phải kết luận về giá trị của chứng cứ tại phiên họp thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã không quy định. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn cụ thể các nội dung trong Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm đảm bảo thủ tục tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải chặt chẽ hơn.

Phạm Thị Thu Hiền- VKSNDH Trảng Bom
vksdongnai.gov.vn

Cựu đại biểu Quốc hội Thu Nga bị đề nghị án tù chung thân

Bà Châu Thị Thu Nga bị VKS đề nghị án chung thân do lừa đảo hơn 500 người mua chung cư, buộc bồi thường gần 350 tỷ đồng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang