Hà Nội đã sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36
(kiemsat.vn) Ngày 26/6 sắp tới, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét, rà soát lại các công việc của ASEAN từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 (11-2019) cho đến nay, đưa ra các định hướng cho công tác xây dựng Cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt trong sáu tháng cuối năm nay.
Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.
Trước đó, trong các ngày 22-24/6/2020, diễn ra các Hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23.
Đáng lưu ý, Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ. Hoạt động này cũng nhằm khẳng định cam kết của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN. Khách mời của Phiên họp gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Niu Zealand Jacinda Arden, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Chủ đề của Asean 2020: "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" |
Ngoài ra, Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 sẽ diễn ra ba phiên đối thoại đặc biệt khác gồm:
Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). Tại đây, các Lãnh đạo ASEAN và Đại diện AIPA sẽ trao đổi để tăng cường sự phối hợp giữa hai tổ chức trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, vì người dân.
Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Thanh niên ASEAN. Các Nhà Lãnh đạo và các đại biểu tại phiên đặc biệt này sẽ tập trung thảo luận về thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC). Dự kiến đại diện ABAC sẽ trình Lãnh đạo ASEAN các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh tự do và thuận lợi hóa thương mại-đầu tư trong khu vực và quốc tế.
ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm là hội nghị nội bộ của các Lãnh đạo ASEAN. Các Nhà Lãnh đạo sẽ rà soát công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, cho ý kiến chỉ đạo về hướng triển khai các trọng tâm ưu tiên của năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN trong thời gian tới và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.Trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, chắc chắn rằng một trọng tâm được các Nhà Lãnh đạo tập trung trao đổi sẽ là tiếp tục hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 và tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN.
Trên tinh thần đó, các Nhà Lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Thời gian qua, Việt Nam, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, đã cùng các nước thành viên ASEAN khác, thực hiện nhiệm vụ kép “vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020”.
Về ứng phó dịch bệnh, ASEAN đã xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN về Covid-19 ngày 14/4, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, lập Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN. ASEAN cũng có nhiều cuộc họp trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga... để thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với Covid-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.
Về xây dựng Cộng đồng, triển khai các sáng kiến và ưu tiên của Chủ tịch 2020: ASEAN đang tích cực đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 ở cả 3 trụ cột, kiểm điểm việc thực hiện Hiến chương ASEAN, khởi động thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cũng như triển khai các biện pháp nâng cao hình ảnh và bản sắc của Hiệp hội, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì nhiều sự kiện quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN |
Với sự kiện quan trọng này, một lần nữa, Việt Nam đã thực hiện cam kết và quyết tâm hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Dù dịch bệnh còn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới nhưng với hình thức trực tuyến, Việt Nam đã không để Hội nghị quan trọng này của khu vực kéo dài sang năm 2021, đảm bảo các mục tiêu đề ra. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn hai tháng, Việt Nam không ghi nhận bất kì ca lây nhiễm mới trong cộng đồng nào và cũng chưa có bệnh nhân nào tử vong do Covid 19. Là một quốc gia có 1.400 km đường biên giới chung với Trung Quốc, dân số gần 100 triệu người, hệ thống y tế chưa hiện đại thì đây là một kỳ tích. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và các sáng kiến trong phòng chống dịch và hậu dịch Covid-19 với các nước thành viên Asean khác trong Hội nghị này.
Dự kiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tuyên bố Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới việc làm đang đổi thay, và ghi nhận chín văn kiện khác.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.