Gustave Eiffel, một vĩ nhân thế giới
(kiemsat.vn) Ngày 28/12/1923, thế giới thương tiếc trước sự ra đi của một kỹ sư về các kết cấu kim loại, người đã đặt dấu ấn của mình với những công trình bền vững xuyên thời gian tại nhiều châu lục, người đã tạo ra các công trình biểu tượng quốc gia của nước Pháp, nước Mỹ và cả Việt Nam, ông là Gustave Eiffel.
Tháp Eiffel và Tượng Nữ thần Tự do
Năm 1889, nước Pháp quyết định xây dựng một biểu tượng bằng sắt thép ở Quảng trường Tháng Ba (Champ de Mars) bên bờ sông Seine để khẳng định mình là một cường quốc công nghiệp. Trong số 700 đề án thiết kế được gửi đến người ta chỉ giữ lại 3 đề án để xem xét. Cuối cùng đề án của Gustave Eiffel 36 tuổi, kỹ sư, nhà thầu khoán và nhà doanh nghiệp tài ba đã được chấp thuận.
![]() |
Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel |
Tháp Eiffel được xây dựng trong vòng 25 tháng. Với chiều cao 300 mét, Tháp được chia thành ba tầng: từ đỉnh tháp tầm nhìn xa đến 67km. Cứ bảy năm lại phải dùng đến 50 tấn sơn và 40 nghìn giờ lao động để sơn lại tháp. Tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp và Paris. Ngoài ý nghĩa cách mạng khoa học, kỹ thuật, Tháp Eiffel còn là biểu tượng cách mạng về phương diện chính trị, là niềm tự hào của người dân Pháp và Paris. Hơn một trăm năm nay hình ảnh nước Pháp và Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Người ta không thể hình dung Paris mà lại không có tháp Eiffel. Tháp Eiffel đã trở thành một biểu tượng của nước Pháp nói riêng và một di sản của thế giới nói chung.
Tượng Nữ thần Tự do là ý tưởng của Nhà điêu khắc người Pháp, Frederic Bartholdi. Tuy nhiên, để hoàn thành và đưa công trình khổng lồ này từ mô hình sang hiện thực, Frederic Bartholdi đã phải tìm đến Gustave Eiffel. Eiffel quyết định bỏ không dùng lõi gạch; thay vào đó sẽ dùng giàn tháp cao bằng sắt. Eiffel cũng không dùng giàn cứng chắc vì áp suất sẽ đè lên vỏ ngoài, dần gây ra rạn nứt. Thiết kế của Eiffel đã làm cho bức tượng này trở thành một trong số những mẫu công trình xây dựng đầu tiên sử dụng kỹ thuật xây vách treo mà theo đó phần bên ngoài của công trình không phải là phần chịu tải, thay vào đó phần ngoài được một khung sườn phía bên trong nâng đỡ.
![]() |
Tượng Nữ thần Tự do |
Có câu nói, đến New York mà chưa ghé xem Nữ thần Tự do thì chưa phải là đến New York. Có người còn nói quá lên rằng, đến Mỹ mà chưa tận mắt thấy Nữ thần Tự do thì chưa phải đến Mỹ. Tượng Nữ thần tự do tọa lạc trên hòn đảo nhỏ Bedloe ở cửa biển New York. Hòn đảo này nằm ở một vị trí truyệt đẹp, đối diện với 2 khu đông dân cư nhất của New York là Brooklyn và Manhattan. Tượng là một người phụ nữ mang y phục của phụ nữ Hy Lạp hoặc La Mã thời cổ đại, tay phải giơ cao ngọn đuốc, biểu tượng của ngọn lửa Prômêtê mang đến cho loài người, tượng trưng cho Tự do, tay trái cầm một tấm bảng ghi dòng số La Mã 4/7/1776 là ngày độc lập của Mỹ . Tượng cao 93m (cả bệ), được Tổng thống Mỹ đương nhiệm là Grover cắt băng khánh thành ngày 28/10/1886. Từ ngày đó, Mỹ có một “báu vật truyền quốc” mang ý nghĩa lịch sử. Năm 1924, Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge đã tuyên bố Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng Quốc gia.
Ngoài hai công trình tiêu biểu trên, Gustave Eiffel và công ty của ông còn xây dựng hàng trăm công trình trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
Cầu Tràng Tiền và Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 1896, vua Thành Thái quyết định xây dựng một chiếc cầu trên sông Hương nối liền hai bờ, giúp người dân Kinh thành có thể qua lại dễ dàng hơn. Tháng 4/1897, Toàn quyền Đông Dương Doumer đến Huế và bàn bạc với triều đình tập trung đầu tư để có công trình bền vững lâu dài. Nhà vua sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng, số còn thiếu do phía Pháp giúp đỡ. Việc thi công cầu được giao cho hãng Eiffel. Khi cầu Trường Tiền bắt đầu được xây dựng, vua Thành Thái là người đặt viên đá đầu tiên. Sau hai năm, cây cầu gồm 6 nhịp dầm bằng thép hình chiếc lược ngà (bán nguyệt), nền lát gỗ lim được hoàn thành.
Người dân xứ Huế quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng hơn 400 mét tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453 mét, lòng cầu rộng sáu mét. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ. Từ khi ra đời, suốt hơn 3 thế kỷ qua, cầu Tràng Tiền đã trở thành môt biểu trưng của Huế, đi vào thi ca, vào đời sống nhân dân không chỉ của Huế mà cả Việt Nam. "Có thể nói Nhà thầu Eiffel của Pháp đã bỏ nhiều công sức trong việc thiết kế và thi công cầu Trường Tiền. Hình dáng cây cầu với màu nhũ bạc của buổi đầu xây dựng đã tô điểm thêm vẻ đẹp của dòng Hương", nhà văn Bửu Ý nhận xét.
![]() |
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn |
Tọa lạc tại số 2, Công trường Công xã Paris, Quận 1, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Gothic, Phục hưng và của Pháp; từ ngoại thất đến đồ trang trí nội thất của tòa nhà đều mê hoặc du khách khi đến đây. Bưu điện được xây dựng khoảng năm 1886 - 1891, dựa trên thiết kế của Gustave Eiffel - một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp cùng với Foulhoux trợ lý của ông. Du khách đến đây một phần là để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của tòa bưu điện, một phần để đắm mình vào thế giới cổ đại, từ các hộp bưu điện tới bốt điện thoại. Bưu điện Trung tâm Sài Gòn ngày nay là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất trong thành phố mang tên Bác.
Một nhầm lẫn thú vị là cho đến tận ngày nay, vẫn nhiều người cho rằng cầu Long Biên cũng là tác phẩm của Gustave Eiffel nhưng thực tế là không phải. Cầu Long Biên được thiết kế và xây dựng bởi Công ty Daydé & Pillé, Pháp. Hiện nay, đầu cầu phía Hà Nội vẫn còn nguyên tấm biển ghi rõ: 1899 – 1902 Daydé & Pillé Paris.
Bài viết chưa có bình luận nào.