Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 23/2022

07/12/2022 09:00

(kiemsat.vn)
Tạp chí Kiểm sát số 23/2022 phát hành ngày 05/12/2022 có các nội dung chính sau đây:

Trên chuyên mục Công tác kiểm sát, bài viết “Về việc triệu tập Kiểm sát viên và Điều tra viên đến phiên tòa xét xử vụ án hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Hồng Thanh – Phan Quang Đại Nam phân tích rằng: Cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử trong việc triệu tập người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và người tham gia tố tụng đến phiên tòa để trình bày những nội dung liên quan đến vụ án, trong đó có Điều tra viên và Kiểm sát viên. Tuy nhiên, Bộ luật chưa quy định cụ thể về các hoạt động, tư cách tố tụng của những người này tại phiên tòa, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Bài viết “Nhận diện và xử lý các trường hợp tẩu tán, che giấu tài sản phạm pháp” trên chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi của tác giả Lương Khải Ân đã phân tích các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản phạm pháp nói chung, tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm nói riêng; đồng thời, đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp nhằm thu hồi đầy đủ, kịp thời tài sản phạm pháp trong bối cảnh tội phạm tham nhũng, kinh tế có diễn biến phức tạp.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những quy định tương đối cụ thể về hợp đồng nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng. Tuy nhiên, quy định điều chỉnh về loại hợp đồng này vẫn còn một số bất cập, vướng mắc liên quan đến đối tượng, hình thức hợp đồng, nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền khi thực hiện hợp đồng, lãi suất vay... Bài viết “Pháp luật về hợp đồng vay tài sản – Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Trần Linh Huân – Nguyễn Phạm Thanh Hoa đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm áp dụng thống nhất, hiệu quả trong thực tiễn.

Thời gian qua, tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có chiều hướng gia tăng về số lượng với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người bị hại khi họ từ chối giám định. Bài viết “Vướng mắc trong áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” của tác giả Trần Các – Huỳnh Thị Khánh Ly trên chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm nêu thực trạng, các quan điểm trái chiều về vấn đề này và kiến nghị hoàn thiện.

Cơ chế “thông báo và đồng ý” trong thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân là một vấn đề pháp lý được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm trong những năm gần đây. Bài viết “Thông báo và đồng ý trong thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân” của tác giả Nguyễn Thị Long – Nguyễn Ngọc Hòa trên chuyên mục Thông tin khoa học đưa ra góc nhìn tổng quát về cơ chế này thông qua lịch sử hình thành, phát triển và thực trạng pháp luật của một số quốc gia trên thế giới; trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Tạp chí Kiểm sát số 23/2022 còn có các bài viết đáng chú ý như: “Phát hiện, thu thập, bảo quản dấu vết điện tử trong khám nghiệm hiện trường và khám xét” của tác giả Lê Văn Công; “Hiệu lực của hợp đồng thế chấp nhà ở – Bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Huỳnh Văn Chữ; “Về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính” của tác giả Lê Thị Mơ – Trần Quốc Văn...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang