Giới thiệu Tạp chí Kiểm sát số 19/2022

06/10/2022 10:01

(kiemsat.vn)
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tới Quý vị độc giả Tạp chí Kiểm sát số 19/2022, phát hành ngày 05/10/2022 với các nội dung chính sau đây:

Trên chuyên mục VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM có bài viết “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích công ở Trung Quốc - Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam của TS.Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nghiên cứu những kinh nghiệm của VKSND Trung Quốc trong việc xây dựng và triển khai chế định kiểm sát tố tụng công ích; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can là một hoạt động tố tụng do Kiểm sát viên tiến hành để thu thập chứng cứ, tình tiết liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, cũng như các tình tiết khác; có ý nghĩa cho việc  đề xuất, ban hành các quyết định tố tụng chính xác, khách quan và có căn cứ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Các tác giả Lại Hồng Khanh, Trần Thị Len, trên chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT đã rút ra  “Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên khi tham gia, trực tiếp hỏi cung bị can”.

Việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự Việt Nam khẳng định ý nghĩa xã hội - pháp lý và ý nghĩa khoa học - thực tiễn cấp bách. Do đó, cần làm rõ các biện pháp tha miễn với tư cách là một chế định lớn độc lập. Đây cũng là một hệ quan điểm riêng biệt về những vấn đề học thuật mang tính nhân đạo của khoa học luật hình sự nước ta. Những nội dung này được đề cập trong bài viết "Nhận thức khoa học về các biện pháp tha miễn trong Luật hình sự Việt Nam" (Kỳ 2) của GS.TSKH Lê Văn Cảm - LS. Hồ Ngọc Hải, trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI.

Chuyên mục THÔNG TIN KHOA HỌC có bài viết “Biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và khuyến nghị cho Việt Nam” của tác giả Lê Tiến Sinh, Nguyễn Văn Hiếu. Theo đó, thực tiễn điều tra vụ án tham nhũng trên thế giới đã chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp điều tra tài chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, biện pháp này còn khá mới và ít được sử dụng tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm của một số nước, các tác giả cho rằng việc ghi nhận và sử dụng biện pháp điều tra tài chính trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ngoài ra, Tạp chí Kiểm sát số 19/2022 còn có một số bài viết đáng chú ý như: “Về thực hành quyền công tố trong giai đoạn  truy tố” của tác giả Trần Trọng Hoàn; “Cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Vinh Hưng ; “Một số giải pháp, kiến nghị về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự” của tác giả Trần Xuân Hùng - Nguyễn Thị Bích Ngọc; “Trao đổi về xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp nhà đất” của tác giả Đoàn Thị Thu - Nguyễn Thanh Huyền...

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang