Giới thiệu tạp chí Kiểm sát số 15/2021

05/08/2021 09:51

(kiemsat.vn)
Tạp chí Kiểm sát số 15/2021, phát hành ngày 05/8/2021, có các nội dung chính sau đây:

Trên Chuyên mục CÔNG TÁC KIỂM SÁT, tác giả Nguyễn Thị Thế bàn về “Sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa giải quyết vụ án hành chính”, nhưng bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa và sự vắng mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm; hậu quả pháp lý khi Kiểm sát viên vắng mặt, bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa này…, từ đó, chỉ rõ những bất cập cần sửa đổi, hoàn thiện trong quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, các tác giả Trần Thị Kim Thoa, Thạch Phước Bình nêu ra những vướng mắc, bất cập trong việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dân sự, cũng như một số khó khăn trong việc nắm bắt tiến độ giải quyết vụ án để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND; đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đó là nội dung của bài viết: Hoạt động kiểm sát phúc thẩm án dân sự ở tỉnh Trà Vinh - những vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Cho đến nay, mặc dù phiên tòa hình sự nào Kiểm sát viên cũng trình bày lời luận tội và đó là quy định bắt buộc đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ thuật ngữ luận tội là gì và tại sao phải luận tội? Bài viết: “Luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm” của tác giả Đinh Văn Quế đưa ra những bình luận về vấn đề này trên chuyên mục NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI.

Cũng trên chuyên mục này, tác giả Nguyễn Trần Thảo Vy, qua bài viết:“Biện pháp áp giải, dẫn giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” đã phân tích những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp áp giải, dẫn giải như: Sự không thống nhất về nghĩa vụ của các đối tượng áp dụng; biện pháp áp giải đối với bị can, bị cáo, dẫn giải đối với bị hại, người làm chứng…, từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về nội dung này.

Tác giả Lưu Mạnh Hùng trong bài viết: Chính sách hình sự khi xử lý tội phạm cố ý gây thương tích theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tại chuyên mục THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM trao đổi về trường hợp: Người chuẩn bị hung khí nguy hiểm nhằm gây thương tích cho người khác, việc khởi tố vụ án không cần có yêu cầu của bị hại, trong khi với người cố ý gây thương tích cho người khác thì cần có yêu cầu khởi tố của bị hại mới khởi tố vụ án. Bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích” rút đơn hoặc không yêu cầu khởi tố vụ án do được bồi thường, do sợ trả thù thì không xử lý được tội phạm.

Tạp chí Kiểm sát số 15/2021 còn có các bài viết đáng chú ý khác như: “Nhận thức và áp dụng Nghị quyết số 03/2020 trong giải quyết các vụ án về chức vụ của tác giả Vũ Văn Giang; Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân trong tố tụng dân sự” của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng; Trao đổi về quy định “không bị coi là có án tích” của tác giả Đinh Công Thành; “Pháp luật về trọng tài thương mại ở Singapore và một số khuyến nghị cho Việt Nam” của tác giả Đinh Công Tuấn - Doãn Nhật Linh…

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả đón đọc!

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang