Giấy tờ giả “lọt cửa” công chứng: Canh cánh nỗi lo

17/12/2018 10:14

(kiemsat.vn)
Gần đây, hoạt động công chứng phát sinh nhiều tiêu cực, vi phạm như làm giả hồ sơ hoặc giả người để làm thủ tục công chứng chuyển nhượng, thế chấp nhà đất.

Thủ đoạn tinh vi

Gần đây, nhiều vụ lừa đảo tinh vi, qua mặt các tổ chức hành nghề công chứng xảy ra ở các địa phương trên cả nước, thậm chí, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM - những nơi công chứng viên được cho là có trình độ nghiệp vụ vững vàng.

Việc giả mạo phổ biến nhất là giả mạo giấy tờ, hồ sơ để mang đi công chứng, chứng thực.

Các loại giấy tờ làm giả rất đa dạng: từ bằng tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tình trạng độc thân, thậm chí những loại giấy tờ gắn liền với tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy...

Theo phản ánh của ANTV, tại các phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hầu như tháng nào cũng phát hiện những trường hợp sử dụng giấy tờ giả. 

Tại Hà Nội, ngày 20/4/2017, công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Quang Huy (34 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Huy sử dụng giấy tờ giả qua mặt các văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng 05 căn hộ mà hắn thuê dài hạn. Các nạn nhân vì tin vào những giấy tờ đã được công chứng, có giá trị pháp lý nên bị lừa. Bằng cách này, Huy bán trót lọt nhiều căn hộ và lừa đảo khoảng 10 tỷ đồng.

Tháng 6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, ra lệnh truy nã Lê Thị Hạnh (45 tuổi, ở thôn Đồng Bửa, xã Thanh Bính, Thanh Hà) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, đơn vị. Đối tượng này đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng 02 thửa đất ở xã Thanh Bính rồi bán với giá 400 triệu đồng. Hạnh còn làm giả giấy cam kết và khế ước nhận nợ của một ngân hàng thương mại tại Hải Dương để lừa vay đáo hạn 3,4 tỷ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương…

Người dân làm thủ tục công chứng (Ảnh minh họa: nguồn Báo Văn hoá)

Trường hợp khác, các đối tượng mang chính giấy tờ thật nhưng không có giá trị pháp lý ở thời điểm sử dụng đi công chứng như công chứng hợp đồng cho người đã chết; công chứng hợp đồng mua bán nhà đất đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất không còn giá trị; công chứng hợp đồng mua bán nhà đối với tài sản đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn giao dịch, công chứng hợp đồng mua bán 02 lần đối với một tài sản…

Bên cạnh việc làm giả giấy tờ, nhiều đối tượng còn sử dụng người “đóng thế” khi công chứng. Điển hình là “đóng thế” các cặp vợ chồng trong giao dịch. Thường là một bên vợ hoặc chồng muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý, người còn lại đã bí mật nhờ người khác đóng thế đi ký tên mua bán. Hay trong phân chia di sản thừa kế, nhờ người “đóng thế” anh chị em ruột nhằm trục lợi. Trường hợp khác là con cái thuê người giả mạo bố mẹ già cả để đi công chứng hợp đồng ủy quyền, tặng cho…

Nghiêm trọng hơn, nhiều kẻ lừa đảo còn đóng giả cả bên mua lẫn bên bán, sử dụng giấy tờ nhà đất giả giao dịch, qua mặt công chứng viên và cả Văn phòng đăng ký đất đai. Tình trạng này diễn ra ở cả văn phòng công chứng tư nhân và nhà nước.

Hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng đã tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa, bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng và gây áp lực cho công chứng viên.

Ngoài thiệt hại về vật chất, các hành vi giả mạo còn ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng và trở thành nỗi “bất an” cho những người tham gia giao dịch, “nỗi ám ảnh” của nhiều công chứng viên.

Bất cập trong việc xử lý

Với việc sử dụng công nghệ cao trong in ấn hiện nay, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ đều được làm giả một cách rất tinh vi. Có những trường hợp giấy tờ giả được làm bằng phôi thật, chữ ký và con dấu giả nhưng thông tin trong giấy tờ hoàn toàn trùng hợp với thông tin giao dịch trước đó (ví dụ một sổ đỏ nhưng làm giả thành 3 sổ, thông tin hoàn toàn trùng khớp với sổ đỏ thật và đi giao dịch nhiều nơi).

Trước sự “ngụy trang” hoàn hảo đó, những cán bộ lâu năm trong nghề cũng khó có thể phát hiện. Đặc biệt là các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.

Vậy mà theo quy định của Luật công chứng, chỉ với thời hạn tối đa 02 ngày, còn trên thực tế thông thường là chỉ vài phút, công chứng viên phải xác định được một hoặc nhiều tài liệu là thật hay giả để thực hiện việc công chứng cho công dân - như vậy thì không thể bảo đảm rằng công chứng viên phân biệt được các tài liệu thật hay giả với độ chính xác tuyệt đối.

Quy định về xử phạt hành chính với các hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng hiện nay quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (Ảnh: internet)

Chị N.T.H, Công chứng viên một văn phòng công chứng ở Hoàng Mai, Hà Nội với hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Khi tiếp nhận hồ sơ công chứng, công chứng viên cần phải xem thông tin trong các giấy tờ trên có khớp nhau không. Đối với những hợp đồng giao dịch đã được xác lập để dẫn đến giao dịch sau (ví dụ như Hợp đồng ủy quyền, Văn bản khai nhận di sản thừa kế, Văn bản thỏa thuận tài sản riêng của vợ chồng…) thì công chứng viên có thể yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình các văn bản để đối chiếu hoặc kiểm tra để khớp với thông tin trên giấy tờ của những giao dịch sau. Tuy nhiên, đối với các Giấy tờ do Nhà nước cấp (như Sổ đỏ, Đăng ký xe hoặc Chứng minh nhân dân) để khẳng định 100% đó là thật hay giả thì không có công chứng viên nào dám chắc chắn”.

Khó khăn khác là tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo. Khi lập biên bản, người vi phạm thường từ chối ký biên bản mà tự ý bỏ về. Do không chắc chắn về nhân thân và địa chỉ người vi phạm nên công chứng chỉ dừng ở việc trình báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Cùng lắm là đề nghị lưu ý thông tin giả mạo trên mạng ngăn chặn của Sở Tư pháp để tổ chức hành nghề công chứng khác biết mà tránh.

Một bất cập nữa là thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc giả mạo. Cơ quan công an còn chậm tiếp nhận; xử lý chưa quyết liệt, triệt để. Hầu hết trường hợp làm giấy giả đều bị trả hồ sơ với lý do “là quan hệ dân sự”.

Điều đáng quan tâm là khi nạn giả mạo trong hoạt động công chứng đang rộ lên thì quy định về xử phạt hành chính với các hành vi này lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng, giao dịch chỉ bị phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng.

Nếu qua được “cửa” công chứng, các đối tượng làm, sử dụng giấy tờ giả có khi sẽ “cuỗm” được tiền tỷ, nên mức phạt này rõ ràng chẳng bõ bèn gì! Vì vậy, các chế tài xử lý nạn giả mạo này cần tăng nặng hơn nữa.

Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và các tổ chức, công chứng viên cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng khi ký vào văn bản công chứng. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của đương sự… cần áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ như: sử dụng máy soi, kính lúp để quan sát kỹ giấy tờ, kiểm tra, xác minh đối chiếu thông tin, kịp thời phát hiện việc giả mạo khi tiếp nhận hồ sơ.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý các hợp đồng, văn bản; phối hợp với cơ quan công an trong trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, tạm giữ giấy tờ của người vi phạm…

Khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi: Giả mạo người yêu cầu công chứng; người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng. Người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Xem thêm>>>

Trường hợp nào phải công chứng hoặc chứng thực?

Đòi tiền đặt cọc trong giao dịch ủy quyền giả mạo được công chứng?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang