Giấy nợ viết tay có đòi được tiền?
Năm 2012 em có cho bạn thân vay 300 triệu, sau đó bạn em bị vỡ nợ và trốn nợ đi đâu không biết, hiện em chỉ còn giấy tờ nợ viết tay. Vậy xin hỏi nếu em trình báo với cơ quan pháp luật thì giấy tờ viết tay đó có đòi được tiền không, và bạn em có phải chịu trách nhiệm gì không? Em xin được Kiemsat.vn tư vấn.
Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:
Hợp đồng vay tài sản hiện được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản, thỏa thuận vay tài sản có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản, … và đều có giá trị pháp lý. Do đó, giấy tờ nợ viết tay giữa bạn và bạn của bạn có giá trị pháp lý.
Ảnh minh họa: Internet
Về nghĩa vụ trả nợ, đối với hợp đồng vay tiền, bên vay tiền có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn” (khoản 1 Điều 466). Tùy từng trường hợp hợp đồng vay tiền có kì hạn hay không có kì hạn, có hay không có lãi mà nghĩa vụ trả nợ của bên vay được thực hiện theo quy định cụ thể như sau:
– Hợp đồng vay không kì hạn, không lãi suất thì “bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác” (khoản 1 Điều 469).
– Hợp đồng vay không kì hạn và có lãi suất thì “bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.” (khoản 2 Điều 469).
– Hợp đồng vay có kì hạn và không có lãi suất thì “bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.” (khoản 1 Điều 470).
– Hợp đồng vay có kì hạn và có lãi suất thì “bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.” (khoản 2 Điều 470).
Trong trường hợp người vay tiền trốn nợ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khởi kiện đòi tiền vay tại Tòa án nơi bạn cư trú, để buộc người vay tiền phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bạn.
Ngọc Nga
-
123 VKSND cấp tỉnh, thành phố được thành lập sau hợp nhất và 355 VKSND khu vực
-
2Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9: Nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong công tác tổ chức thi hành pháp luật
-
3Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua
-
4Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
-
5Nghị quyết về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật
-
6Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
-
7Đảm bảo cơ sở, vật chất khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
-
8Quốc hội thông qua Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
-
9Số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV là 20 người
Bài viết chưa có bình luận nào.