Duyên với nghề

22/07/2020 10:30

(kiemsat.vn)
Duyên với nghề! đó là câu nói mà tôi thường suy ngẫm mỗi khi nghĩ về công việc tôi đã chọn - nghề mà tôi xem như là “máu thịt”của mình. Với bản thân tôi, được đứng trong đội ngũ Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát Nhân dân đều được gói gọn trong chữ “duyên với nghề”.

Tác giả thăm nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Bố tôi, một người sỹ quan công tác trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, suốt cuộc đời sống, học tập và chiến đấu vì lý tưởng của cách mạng, chính tư tưởng và chân lý sống của Bố đã ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp sau này của tôi. Tôi vẫn nhớ lúc tôi còn nhỏ, Bố thường kể cho tôi nghe những câu chuyện mà Bố và đồng đội trải qua ở các chiến trường. Với tôi, những câu chuyện của Bố về chiến tranh có sức hấp dẫn lạ kỳ, giọng Bố lúc nào cũng hào khí như những ngày đầu hành quân từ Bắc vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ; khi thì kể về những câu chuyện thấm đậm tình người, tình đồng chí, tình quân dân, nhất là sự hy sinh anh dũng của đồng đội… Và có lẽ, những câu chuyện của Bố về thời chiến tranh chẳng bao giờ hết được, bởi chúng giống như những trang tiểu thuyết dài vô tận, mỗi câu chuyện đều đem lại cho tôi cách nghĩ, cách học, cách hành xử của bản thân với mọi người, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ngày trở về, Bố mang theo vết thương trên thân thể do chiến tranh để lại (Bố tôi bị thương ở hang núi Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Bố nói rằng, được trở về sau chiến tranh là một sự may mắn, thêm vào đó là sự che chở, phù hộ của đồng đội đã hy sinh, Bố nói “Các con được sống, trưởng thành trong thời kỳ đất nước hòa bình, an lành và phát triển, phải sống làm sao cho xứng đáng với các cha, anh đã chiến đấu, bảo vệ và giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc”.

Tác giả nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên trung cấp 

Còn nhớ, lúc tôi đang học cấp 2, Bố tôi thường chuyện trò với bác Nguyễn Xuân Quỳnh (nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 5), bác là đồng chí, đồng hương cũng là hàng xóm sát cạnh nhà tôi, bác hay hàn huyên với Bố tôi về những ký ức thời trai trẻ ở quê nhà, những câu chuyện thời chiến tranh, rồi tình hình thời sự, kinh tế xã hội, an ninh trật tự, pháp luật… Mặc dầu còn nhỏ tuổi, nhưng những câu chuyện giữa Bố và bác Quỳnh luôn thu hút tôi, tuy không hiểu gì nhiều nhưng tôi rất thích thú và thi thoảng xen ngang câu chuyện của hai người. Bác Quỳnh cũng hay để ý lời tôi nên nói với Bố tôi rằng “Thằng này cũng lý luận lắm, lớn lên dứt khoát nó sẽ theo nghề của Bố” (lúc ấy, Bố tôi đang công tác tại Phòng Quân pháp - nay là Phòng Điều tra hình sự Quân khu 5). Mặc dù, chưa mường tượng được nghề của Bố là thế nào nhưng tôi biết rõ đó là nghề của người làm công việc liên quan đến pháp luật, là người có trách nhiệm tìm ra chân lý,  đúng - sai, thiện - ác để bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ pháp luật.

Tác giả được nhận giấy khen điển hình tiên tiến 

Câu chuyện của Bố tôi và bác Quỳnh về nghề nghiệp tương lai của mình gần như là cái “duyên với nghề” ban đầu của tôi, những lần đến trường hay những lần được đi chơi cùng Bố, Mẹ, thi thoảng tôi lại nhìn thấy một vài người mặc bộ đồng phục của ngành Kiểm sát. Chính màu áo xanh ấy gợi trong tôi sự bình yên, hiền hoà, giản dị nhưng ấm áp lạ thường, tôi biết những người khoác trên mình màu áo ấy cũng chính là những người thực thi pháp luật, khoác lên cán cân công lý, là đảm bảo công bằng, bình yên cho người dân, cho xã hội. Khi nhìn thấy các cô, các chú mặc đồng phục ngành Kiểm sát, tôi đã từng ước ao lớn lên giá như mình cũng được mặc màu áo ấy, màu áo thiên thanh.

Năm học cuối cấp 3, cũng là năm chúng tôi đứng trước sự lựa chọn về nghề nghiệp tương lai của mình, bạn bè tôi mỗi đứa chọn thi mỗi ngành. Bố tôi nói với tôi rằng “Con chọn thi vào ngành nào là quyền của con, nhưng con phải suy nghĩ cho chín chắn và hãy nhìn vào ước mơ, sở thích và khả năng của mình để lựa chọn, vì lựa chọn của con lúc này chính là tương lai của con mai sau”. Để ước mơ trở thành hiện thực và đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của Bố, Mẹ, tôi đã đăng ký thi vào Khoa Luật của Trường Đại học Khoa học Huế. Sự lựa chọn này cũng chính là hành trang bước đầu cho sự nghiệp của tôi sau này.

 Bước vào quãng đời sinh viên với bốn năm học Đại học, được đào tạo chính quy, những môn học ở trường đã hướng cho chúng tôi đến những điều Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc sống, trong đời người, nhưng trên hết là tinh thần thượng tôn pháp luật, là công lý, niềm tin, sự công bằng dân chủ; bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp… Từ những buổi học đầu tiên, qua những cuốn giáo trình Thầy, Cô truyền đạt, cho đến quảng thời gian quý báu khi được nhà trường phân công đi kiến tập, thực tập tại các cơ quan tiến hành tố tụng, tôi ngày được trau dồi nhiều hơn kiến thức về pháp luật, hiểu biết sâu hơn về nghề nghiệp và từ đó nó đã nhen nhóm trong tôi niềm khát khao được công tác trong ngành Kiểm sát Nhân dân, được trở thành một Kiểm sát viên giỏi, đem lại sự công bằng, lẽ phải, niềm tin công lý cho mọi người, cho xã hội; góp phần bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống ấm no cho Nhân dân. Những điều đó cứ ngày một ngày một hun đúc trong tôi để tôi phấn đấu.

Và cuối năm 1999, tôi tốt nghiệp ra trường, được Bố dẫn đi xin việc. Phải nói là rất may mắn và như có “duyên với nghề”, tôi được bác Nguyễn Quốc Dũng (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ) nhận vào công tác trong ngành. Ngày nhận quyết định tuyển dụng, cũng có lẽ lần đầu tiên tôi nhìn thấy mắt Bố đỏ hoe, Bố đã rơi nước mắt! Một người đàn ông dạn dày sương gió, trải qua bao vất vả nhọc nhằn trong cuộc đời, người mà tôi nghĩ rằng khó có một điều gì có thể làm ông rơi nước mắt, vậy mà ông đã rơi nước mắt trước sự thực rằng con trai mình đã đạt được ước mơ trở thành người đứng trong ngành Kiểm sát Nhân dân.

Đến nay, đã hơn 20 năm công tác trong ngành, một khoảng thời gian khá dài với những kỷ niệm không thể quên trong sự nghiệp, đó là những ngày đầu tiên công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thanh Khê - ở đơn vị có nhiều Chú, Cô đồng nghiệp đã lớn tuổi, trải qua nhiều kinh nghiệm, ban đầu tôi cũng có phần bỡ ngỡ, e ngại khi được giao nhiệm vụ mà chưa hình dung hết các hoạt động nghiệp vụ cần thao tác phải bắt đầu từ đâu. Nhưng với sự tận tâm của mọi người, nhất là các đồng nghiệp lớn tuổi, luôn ân cần, chỉ bảo, giúp đỡ tôi từ những việc đơn giản nhất là nhận, kiểm đếm hồ sơ, đóng dấu bút lục… đến những lần tôi theo chân các Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; kiểm sát việc hỏi cung, lấy lời khai đối tượng... cho đến khi tôi có thể tự nghiên cứu, lập luận, đánh giá được các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giúp các Kiểm sát viên dự thảo Bản Cáo trạng, Luận tội, Đề cương xét hỏi tại phiên tòa… Từ những bước chân đầu tiên chập chững vào nghề, từng ngày từng ngày, với sự chỉ dẫn nhiệt tình của những người đi trước, cùng với sự cầu thị, học hỏi, tìm tòi sáng tạo, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, tôi dã dần quen với nghề và trưởng thành hơn trong công tác. Tất cả điều đó với tôi như mới vừa trải qua và luôn đầy ắp kỷ niệm không thể phai nhạt.

Trải qua nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, vất vả và dần khẳng định được bản thân trong sự nghiệp, tôi thấy mình càng ngày càng thiết tha yêu nghề hơn, phải sống làm việc phải có trách nhiệm hơn để xứng đáng với truyền thống của ngành mà mình đã tin, đã chọn. Dẫu biết, con đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng với tâm niệm và tình yêu nghề, trong tôi luôn nổ lực phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, nguyện cùng với tập thể cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị Viện Kiểm sát Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn giữ vững truyền thống, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành giao phó.

Đoàn Đà Nẵng đến thăm nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Để làm được điều đó, tôi nghĩ rằng người cán bộ Kiểm sát nói chung, nhất là các Kiểm sát viên phải có lập trường kiên định vững vàng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh tinh thần và bản lĩnh nghề nghiệp, không để cho cái xấu xen lẫn, lợi dụng làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của người cán bộ Kiểm sát. Muốn là Kiểm sát viên giỏi cần phải có tâm và có tài. Cái tâm ở đây nghĩa là đạo đức, tình thương yêu con người, biết lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ với mọi người, với từng mảnh đời, từng số phận và luôn đứng về lẽ phải, tìm ra lẽ phải và đấu tranh vì lẽ phải, bảo vệ lẽ phải chính là bảo vệ cho chính mình và bảo vệ mọi người. Đấu tranh xử lý người phạm tội cần phải kiên quyết và nghiêm minh nhưng điều cốt lõi là chỉ ra cho họ thấy được cái sai, nguyên nhân của cái sai để giáo dục, thuyết phục, cảm hoá họ trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Còn cái tài ở đây nghĩa là có sự nhìn nhận đúng đắn, đánh giá đầy đủ, khách quan, thận trọng và làm rõ bản chất của mọi vấn đề, cái gốc của mọi công việc và phải luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thiện bản thân để trở thành người cán bộ Kiểm sát mẫu mực, xứng đáng với mười chữ vàng Bác Hồ đã tặng cho ngành Kiểm sát Nhân dân, đó là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Khen thưởng các sinh viên đạt Giải Nhất cuộc thi “Hào khí 90 năm anh hùng”.

(Kiemsat.vn) - Để ghi nhận và phát huy các thành tích của sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trong phong trào học tập và nghiên cứu khoa học đầu năm 2020, vừa qua, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức gặp mặt và biểu dương, khen thưởng các sinh viên đạt Giải Nhất cuộc thi “Hào khí 90 năm anh hùng”.

Ngành KSND tỉnh Thanh Hóa: Phát huy truyền thống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

(Kiemsat.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành (1960 – 2020), ngành KSND tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, đất nước.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang