Dự án BitcoinDeFi có nằm trong danh sách cảnh báo lừa đảo của Bộ Công an hay không?

02/09/2021 10:04

(kiemsat.vn)
Bộ Công an vừa cảnh báo các sàn BO (giao dịch quyền chọn nhị phân) có dấu hiệu đa cấp lừa đảo. Trong danh sách này không thấy tên BitcoinDeFi, một dự án tiền mã hóa nhiều tai tiếng trong thời gian gần đây, nhất là sau sự kiện Phạm Tuấn, đại diện duy nhất của BitcoinDeFi tại miền Bắc vừa mới được bổ nhiệm vào ngày 23/7 đã "tắt sóng" ngay sau đó

Trước vấn nạn lừa đảo của thị trường ngoại hối gia tăng trong thời gian gần đây, Cục An ninh mạng & phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) mới đây đã cảnh báo về hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) trên không gian mạng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tham gia.

Giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option) là hình thức đầu tư bị Bộ Công an cảnh báo (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an)

Cụ thể, trong tài liệu được đăng tải tại Mục Cảnh báo tội phạm - Cổng thông tin điện tử Bộ Công an chỉ rõ, danh sách 11 tên sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo bao gồm: Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, Ares BO, Binanex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption. Trong danh sách này không có tên BitcoinDeFi, một dự án tiền mã hóa; mặc dù trong thời gian gần đây, dự án này nhiều lần bị truyền thông nhắc tên, đặt dấu hỏi có phải là mô hình đa cấp bất chính được “núp bóng” dưới hình thức đầu tư tài sản kỹ thuật số hay không; lý do là sự tồn tại sự tương đồng trong hình thức trả thưởng cho việc giới thiệu người tham gia.

Dấu hiệu nhận biết hoạt động đầu tư tài chính là hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân

Trong danh sách sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo của Bộ Công an (http://www.bocongan.gov.vn/canh-bao-toi-pham/hoat-dong-cua-cac-san-giao-dich-quyen-chon-nhi-phan-binary-option---bo-co-dau-hieu-to-chuc-kinh-doanh-theo-phuong-thuc-da-cap-trai-phep-lua-dao-chiem-doat-tai-san-d104-t30173.html) có thể thấy, dấu “…” biểu thị việc danh sách này vẫn còn những cái tên khác chưa được thống kê, hoặc đang trong quá trình điều tra. Vì vậy, khả năng BitcoinDeFi không nằm trong danh sách này chưa thể loại bỏ hoàn toàn, mà cần căn cứ thêm vào các dấu hiệu của một sàn BO trái phép mà tài liệu cung cấp để nhận diện. 

Các dấu hiệu nhận biết sàn BO (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an).

 

Căn cứ theo thông tin trên hồ sơ pháp lý, BitcoinDeFi là dự án tiền mã hóa được phát triển bởi BTCDeFi Global FZCO, một công ty có trụ sở tại Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Công ty này được chính phủ Dubai cấp phép là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Tài chính Công nghệ, phê duyệt bởi 3 cơ quan chức năng là Government of Dubai, International Free Zone Authority và Dubai Silicon Oasis Authority.

 

Bộ hồ sơ pháp lý được BitcoinDeFi công khai (Ảnh: BitcoinDeFi Vietnam).

Về mô hình hoạt động được cho là “đa cấp”, đại diện BitcoinDeFi Vietnam, đơn vị được BitcoinDeFi Global ủy quyền phát triển thị trường tại Việt Nam đã trả lời trước truyền thông như sau: “Chúng tôi hiểu rằng BitcoinDeFi đã bị nhầm lẫn nghiêm trọng với mô hình đa cấp do có sự tương đồng trong hình thức giới thiệu người tham gia nền tảng; tuy nhiên, việc giới thiệu người tham gia là bản chất cốt lõi của không ít mô hình tiền mã hóa trên thế giới, chứ không chỉ riêng chúng tôi. Yếu tố quan trọng để phân biệt tốt xấu chính là hoạt động dòng tiền. Nếu các mô hình kinh doanh đa cấp Ponzi thu giữ phần lớn dòng tiền về túi riêng và chi trả ‘hoa hồng’ nhỏ giọt từ trên xuống dưới theo sơ đồ kim tự tháp; thì mô hình của BitcoinDeFi không thu giữ tiền của cộng đồng, mà luôn điều phối, luân chuyển một lượng rất lớn - đến 80% dòng tiền trong chính cộng đồng đó theo sơ đồ ngang hàng. Vì lẽ đó, dự án BitcoinDeFi không tồn tại mâu thuẫn lợi ích giữa Nhà phát triển và cộng đồng đầu tư như các mô hình đa cấp không lành mạnh.”

Sự khác biệt trong hoạt động dòng tiền của mô hình đa cấp Ponzi và mô hình BitcoinDeFi (Ảnh: BitcoinDeFi Việt Nam).

Ngoài ra, khi so sánh với các dấu hiệu được Bộ Công An cảnh báo, có thể thấy nền tảng truyền thông của BitcoinDeFi không có hiện tượng sử dụng các sáo ngữ mang tính chất lôi kéo người chơi như “chuyên gia đọc lệnh, hotgirl tỉa nến, thợ đục sàn…”, không sử dụng các hình ảnh gây liên tưởng đến cơ hội trở thành triệu phú chỉ trong một thời gian ngắn. Các bài viết được đăng tải hàng ngày của dự án này chủ yếu xoay quanh cập nhật thông tin kỹ thuật và cơ chế mô hình. Gần đây, BitcoinDeFi công bố niêm yết trên PancakeSwap, một sàn giao dịch phi tập trung có lưu lượng lớn thuộc chuỗi Binance Smart Chain. 

Trong khi việc quảng cáo, phân phối và chào bán các dịch vụ sàn BO đã bị cấm tại nhiều quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu, thì ngược lại, chính phủ các nước trên thế giới đang có cái nhìn cởi mở hơn với tiền mã hóa. Dù chưa được công nhận là tiền pháp định, song vẫn có một số quốc gia ủng hộ và đưa tiền mã hóa vào sử dụng trong hoạt động thanh toán. Xét về bản chất, với việc không mang tính cờ bạc, may rủi, và không thưởng hoa hồng, cam kết lãi suất như hầu hết các sàn BO, thì BitcoinDeFi là một dự án tiền mã hóa - một hình thức đầu tư tài chính hoàn toàn toàn khác biệt.

Chính vì vậy, danh sách cảnh báo của Bộ Công an chỉ đề cập đến các sàn BO, chứ chưa đưa ra nhận định về tiền mã hóa; bởi bản chất khác biệt của các dự án tiền mã hóa là luôn cần thời gian để chứng minh trước khi đánh giá, kết luận. Từ những dữ liệu trên, có thể thấy chưa đủ cơ sở nhận định BitcoinDeFi là mô hình đa cấp, lôi kéo người tham gia để trục lợi.

Một người trong cuộc, anh Trần Đình Nghiêm (29 tuổi, Quận 3 - TP.HCM), một thành viên trong cộng đồng đầu tư BitcoinDeFi, hiện đang sở hữu một số đồng tiền mã hóa như: Neo (NEO), Filecoin (FIL), TomoChain (TOMO), Faraland (FARA), BitcoinDeFi (BTCDF) cho biết: “Tôi tham gia BitcoinDeFi từ những ngày đầu dự án này mới về Việt Nam, nhưng chưa từng nghe bất kỳ ai trong cộng đồng lên tiếng nghi ngờ, lo sợ mất tiền như trên báo chí nói. Còn việc BitcoinDeFi không phải sàn ngoại hối/quyền chọn nhị phân thì là điều chắc chắn, tôi hiểu mô hình này rất rõ. Bản thân dự án cũng không kêu gọi đầu tư, quyền tham gia là ở mỗi người.”

Trong thông cáo báo chí chính thức, phía BitcoinDeFi Vietnam cho biết thêm: “Chúng tôi khẳng định BitcoinDeFi không nằm trong danh sách cảnh báo của Bộ Công an, cũng như chưa hề bị cấm ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. BitcoinDeFi không phải sàn đa cấp nhị phân, mà là một đồng tiền mã hóa có trụ sở công ty mẹ tại Dubai Silicon Oasis (UAE), được cấp giấy phép phát hành dịch vụ công nghệ tài chính hợp lệ bởi chính quyền Dubai. Những ngày này, đội ngũ của BitcoinDeFi Việt Nam đã làm việc với luật sư để thực hiện thủ tục xin cấp các văn bản chứng minh tính lành mạnh và minh bạch trong hoạt động dòng tiền của dự án.”

Cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các mô hình sàn giao dịch quyền chọn nhị phân/ngoại hối chưa được Nhà nước cấp phép; trong khi mô hình tiền mã hóa vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những loại hình đã được Bộ Công an công khai cảnh báo, nhà đầu tư nên tránh hoặc nghiên cứu kỹ lưỡng các biểu hiện của sàn giao dịch đó, nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần lập tức rút vốn, bảo toàn tài sản. Trong khi phần lớn các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, ngoại hối có xu hướng biến tướng, lừa đảo và bị Bộ Công an điểm mặt chỉ tên, các dự án tiền mã hóa phần nào vẫn nằm ở khu vực màu xám. 

Thị trường đã chứng kiến nhiều dự án tiền mã hóa từng đứng trước nhiều dấu hỏi, song đến nay đã gặt hái thành công và mang về lợi nhuận cho cộng đồng đầu tư. Điển hình là dự án game NFT của Việt Nam sở hữu đồng tiền mã hóa Axie Infinity (AXS), cũng từng bị nghi ngờ là “đa cấp” do sự tương đồng ở hình thức trả thưởng khi giới thiệu người tham gia. Dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn, AXS đã đạt giá trị vốn hóa kỷ lục trên 4.5 tỷ USD, đưa nhà sáng lập dự án trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi mới 29 tuổi.

Dự án AXS - “kỳ lân Crypto” có tổng vốn hóa hơn 4.5 tỷ USD do người Việt sáng lập cũng từng vướng phải cáo buộc “đa cấp” (Ảnh: ICT News)

Để đánh giá một mô hình tiền mã hóa, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về xuất xứ pháp lý, cơ chế mô hình và đội ngũ phát triển. Song song với đó, các dự án tiền mã hóa vẫn cần được kiểm chứng về năng lực tăng trưởng qua một khoảng thời gian nhất định.

Nhìn chung, đa số các loại hình đầu tư lừa đảo đều tấn công vào sự cả tin, ham muốn làm giàu nhanh chóng và sự thiếu hiểu biết về tài chính của nhà đầu tư. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, nhà đầu tư nên tích lũy kiến thức và thận trọng cân nhắc để có thể làm chủ việc giao dịch của mình; tham khảo kỹ thông tin từ nhiều nguồn, những dấu hiệu nhận biết và cảnh báo từ phía cơ quan an ninh; đồng thời tỉnh táo trước mọi cám dỗ trên thị trường, đặc biệt là đối với những mô hình kinh doanh chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý và được Nhà nước thừa nhận, cấp phép.

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang