Đối thoại Shangri-La 2017: “Nóng” với những thách thức an ninh khu vực

03/06/2017 09:59

VOV.VN - Những thách thức với an ninh khu vực là nội dung chính được đề cập trong ngày làm việc thứ hai của Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore.

Diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều diễn biến khó lường và bất định, tại đối thoại Shangri-La năm nay, đại diện quốc phòng của các quốc gia tập trung thảo luận và đưa ra các quan điểm về an ninh, trật tự quốc tế cũng như những thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng trong khu vực.

doi thoai shangri la 2017 nong voi nhung thach thuc an ninh khu vuc hinh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017. (Ảnh: Reuters)

Đây cũng là những nội dung chính được đề cập trong ngày làm việc thứ hai của Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore.

Trong bài phát biểu sáng 3/6 trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhiều lần nhấn mạnh đến nguyên tắc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định “thiếu sáng suốt”. Bà Inanda bày tỏ mong muốn tạo dựng mối quan hệ đồng minh sâu rộng hơn với Mỹ nhằm đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vực.

Đề cập tới một trong những vấn đề an ninh nổi cộm ở khu vực là tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Mattis nói Mỹ phản đối việc Trung Quốc đưa vũ khí và các khí tài quân sự ra các đảo nhân tạo được nước này xây dựng trái phép trên biển Đông.

“Chúng tôi phản đối các nước xây dựng đảo nhân tạo và thực thi yêu sách biển quá mức. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Các hoạt động của chúng tôi trong khu vực thể hiện của sự sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của mình cũng như các quyền tự do trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, ông Mattis nói.

Tránh xung đột trên biển là vấn đề được các nước quan tâm tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Các nước đều cho rằng để giải quyết xung đột trên biển, điều đầu tiên, cần phải thống nhất nhận thức với nhau và không làm phức tạp thêm tình hình. Mọi việc cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam, đại diện Đoàn Việt Nam nêu quan điểm để giải quyết xung đột trên biển: “Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam tiếp tục trao đổi với mọi đối tác có liên quan để thống nhất mọi vấn đề trên biển được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng tạo sự tin cậy và tăng cường hợp tác, tránh hiểu lầm và cố gắng để các nước gần nhau hơn”.

Giới phân tích nhận định, các phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đề cập tới nhiều vấn đề an ninh hiện là thách thức lớn đối với khu vực và thế giới. Đáng chú ý, Mỹ đã cho thấy chính sách của nước này đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có sự kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Cũng đề cập tới các thách thức và khủng hoảng mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, mặc dù khu vực này đang ở trong tình trạng tương đối hòa bình và không có cuộc chiến tranh lớn, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ gia tăng căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, đe dọa sự ổn định khu vực.

Các nền kinh tế trong khu vực và chưa có sự phát triển đồng đều. Kiến trúc an ninh khu vực vẫn còn bị chi phối bởi những nước lớn trong khu vực hoặc bên ngoài. Ngoài ra, các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Indonesia và Philipines, tấn công mạng trên thế giới cũng là những yếu tố tác động tới tình hình an ninh khu vực.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia cho biết, để có thể đối phó với những khủng hoảng này, chính phủ các nước cần có các biện pháp hữu hiệu, tăng cường hợp tác trong quản lý khủng hoảng.

“Các nước cần tăng cường kiểm soát biên giới, thứ hai thực hiện các cam kết hợp tác khu vực và quốc tế, thứ ba xây dựng lòng tin và tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, thứ tư đảm bảo an ninh mạng trong thời đại kỹ thuật số và lựa chọn những nhà lãnh đạo sáng suốt, khôn ngoan nhưng táo bạo”, ông Hishammuddin nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng cho biết, 3 nước Malaysia, Indonesia, và Philipines sẽ tiến hành tuần tra chung ở vùng biển ngoài khơi đảo Mindanao của Philippines vào cuối tháng 6 này nhằm đối phó với mối đe dọa của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tại các phiên thảo luận trong ngày hôm nay, các quan chức quốc phòng một lần nữa nhấn mạnh cách tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực theo hướng tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đây chính là chìa khóa để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của khu vực./.

Quỳnh Hoa-Thanh Huyền/VOV-Trung tâm Tin
từ Singapore

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang