Điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm

11/07/2016 12:17

Thủ tục rút gọn là một trình tự thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt nhằm điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, đơn giản, chứng cứ và nhân thân người phạm tội rõ ràng.

Thủ tục rút gọn quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm. Nhưng qua thực tiễn cho thấy, nếu sau khi xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn mà bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm bồi thường, xin được hưởng án treo thì việc xét xử phúc thẩm vẫn phải thực hiện theo thủ tục chung. Mặt khác, trên thực tế nhiều vụ án mặc dù ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm áp dụng theo thủ tục chung sau đó bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm hình phạt, giảm bồi thường… và nội dung vụ án đã được chứng minh rõ ràng nhưng vẫn phải tiến hành các hoạt động xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung. Điều này đã làm kéo dài quá trình xử lý vụ án một cách không cần thiết, gây lãng phí về thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, những người có liên quan. Những vụ án như vậy hoàn toàn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết một cách nhanh chóng.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định thủ tục rút gọn được áp dụng trong cả giai đoạn xét xử phúc thẩm. Tại khoản 2 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện sau:

1. Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;

2. Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo./.

Phan Vũ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang