"Đảng luôn trong tim tôi"
(kiemsat.vn) Kiểm sát viên Giàng A Thái - người con dân tộc Mông của núi rừng Tây Bắc đã trải qua không ít những sóng gió, khó khăn để đến hôm nay anh được Đảng ghi nhận là một người đảng viên mẫu mực, là một cán bộ kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Viện cấp cao 3 học tập, làm theo “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
VKSND quận Thanh Khê, Đà Nẵng xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu
Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Mỗi người đảng viên khi được vinh hạnh đứng trong hàng ngũ của Đảng đều phải xác định cho mình lập trưởng tư tưởng: Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng; Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định. Từ việc xác định lập trường tư tưởng đó, người đảng viên phải biết biến nó thành hành động trong cuộc sống, học tập và trong công tác. Đồng chí Giàng A Thái là một đảng viên như thế.
Hình ảnh đồng chí Giàng A Thái đang cần mẫn làm việc |
Đồng chí Giàng A Thái - người con của dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại bản Mý Làng B, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên - là một trong những xã khó khăn nhất của huyện, tỉnh. Anh là con thứ hai trong một gia đình có tám chị em, mặc dù cuộc sống những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ XX còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng bố mẹ anh vẫn chắt chiu, tạo điều kiện cho anh được ăn học. Và không phụ công cha mẹ, ngày 01/4/1985, anh đã được VKSND tỉnh Lai Châu (cũ) tuyển dụng vào ngành Kiểm sát nhân dân và phân công công tác tại VKSND huyện Tuần Giáo.
Năm 1987, theo sự điều động của tổ chức, anh chuyển đến công tác tại VKSND huyện Tủa Chùa. Ngày 23/12/1987, đồng chí Giàng A Thái được Chi bộ VKSND huyện Tủa Chùa tổ chức kết nạp vào hàng ngũ của Đảng ở tuổi 23. Từ năm 1988 – 1990 anh theo học lớp trung cấp pháp lý Điện Biên. Năm 1991 anh được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên. Năm 1994 - 1996 theo học tại trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Năm 2001 anh được tín nhiệm bổ nhiệm làm Phó viện trưởng VKSND huyện Tủa Chùa, kiêm Chủ tịch công đoàn cơ sở. Từ năm 2008 đến nay anh về lại công tác tại VKSND huyện Tuần Giáo và vẫn tiếp tục giữ chức vụ Phó viện trưởng. Anh làm Chủ tịch công đoàn cơ sở của VKSND huyện Tuần Giáo 05 năm (2008-2012), là Ủy viên kiểm tra Liên đoàn lao động huyện 02 khóa (2008-2017), là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện khóa XIX (2011-2016), là Bí thư Chi bộ VKSND huyện Tuần Giáo từ năm 2011 - 2015.
Ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được huyện, tỉnh, VKSND tối cao tặng giấy khen, bằng khen như: Năm 2006 được Viện trưởng VKSND tối cao tặng kỷ niệm chương bảo vệ pháp chế, Liên đoàn lao động tỉnh Điện Biên tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2009 và Ban chấp hành tổng liên đoàn lao đông Việt Nam tặng kỷ niệm chương “vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng bằng khen vì có thành tích trong đợt thi đua thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2012, năm 2011 và 2014 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2016 được Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tuần Giáo tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2011-2016….
Năm 2018, đồng chí Giàng A Thái được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng |
Chia sẻ với chúng tôi những thế hệ cán bộ kiểm sát 8X, 9X hôm nay, anh kể: Năm 1995, trong một lần đi khám nghiệm hiện trường, khi đó chưa có xe đạp, xe máy hay ô tô chuyên dùng mà phải đi bộ, hiện trường khám nghiệm rất xa, đi bộ từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa vào đến xã Sín Chải phải đi bộ mất gần một tuần mới tới nơi, trời mưa, đường trơn, cơm nắm mang theo không đủ, phải vào nhà dân nhờ dân nuôi, khi đó dân ở đây còn rất nghèo, món ăn tiếp đãi đoàn cán bộ chỉ có bột ngô hòa nước hấp lên, muỗi, vắt và rét khiến đôi chân nhiều lúc không muốn bước nhưng nghĩ đến hai chữ “trách nhiệm” mà Đảng giao phó và nhân dân tin tưởng nên anh cùng các đồng chí trong đoàn lại tiếp tục chống gậy bước lên những con đường đồi núi ngoằn nghèo, đầy dốc đá trơn trượt, lầy lội, mặc cho mưa xối xả hắt vào mặt từng đợt, từng đợt.
Cuộc sống của người cán bộ kiểm sát những năm 80 - 90 của thế kỷ trước gặp không ít khó khăn và thiếu thốn, nhất là ở các tỉnh miền núi thì gấp bội phần. Trụ sở cơ quan khi đó chỉ là nhà tranh vách liếp mỗi khi mưa to gió lớn là bị dột, hắt, anh và các đồng nghiệp phải trích từ tiền lương ít ỏi của mình mua những miếng nilon để che hồ sơ, tài liệu. Anh kể năm 1987, lương của anh được 41 đồng, còn phải gửi về phụ giúp cha mẹ nuôi các em nên rất khó khăn, những ngày nghỉ anh và đồng nghiệp phải đi săn, bắn thú rừng, hái rau rừng và kiếm củi. Có người thấy cán bộ kiểm sát mà khổ quá nên khuyên anh bỏ nghề tìm kiếm công việc khác nhưng anh chỉ cười. Anh tự nhủ đã là một đảng viên và đứng tuyên thệ trước Đảng kỳ nếu chỉ vì những khó khăn thiếu thốn vật chất như vậy mà từ bỏ công việc anh yêu thích thì thật không xứng đáng là người Đảng viên, người cán bộ Kiểm sát.
Anh kể trong hơn 30 năm làm công tác kiểm sát có nhiều vụ án để lại trong anh những ấn tượng sâu đậm như: Vụ án cướp tài sản ở Sông Đà năm 1992, đối tượng Cà Văn Bơ cướp 100 đồng của Giàng A Páo. Anh nhớ khi đó, Cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố. Bằng niềm tin nội tâm và ý chí quyết tâm tìm ra chân tướng sự thật. Anh đã đi bộ nhiều ngày đến tận lán của dân đào vàng ở khu vực thôn Pắc Na, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa nơi hiện trường vụ cướp để xác minh, thu thập chứng cứ. Căn cứ vào các tài liệu anh xác minh được, anh đã đề xuất Lãnh đạo đơn vị ra yêu cầu khởi tố đối với Cà Văn Bơ về tội Cướp tài sản. Sau đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố theo yêu cầu của Viện kiểm sát.
Hay như vụ án Giàng A Súa trú tại thôn Páo Tỉnh Làng, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) giết vợ là chị Hờ Thị Xú để lại ấn tượng đậm nét trong anh. Giàng A Súa và chị Hờ Thị Xú kết hôn với nhau, sau đó do mâu thuẫn nên chị Xú bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở bản Séo Phình, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Vào một ngày tháng 6 năm 1994, khoảng 19 giờ khi đó chưa có điện, chị Xú đang ngồi trong nhà thì bị đạn bi bay vào đầu gây thương tích nặng. Sau đó gia đình chị Xú đã viết đơn tố cáo đối tượng Súa là người đã thực hiện hành vi bắn vào đầu chị Xú, bức xúc trước quyết định không khởi tố vụ án do không có dấu hiệu của tội phạm của Cơ quan điều tra, chị Xú tiếp tục làm đơn gửi lên các cơ quan khác trong đó có VKSND huyện Tủa Chùa. Theo phân công anh và đồng nghiệp đã tiến hành xác minh và dựng lại hiện trường. Qua xác minh tại các hộ dân, trên đường Súa đi từ nhà tới bản Séo Phình được biết có người nhìn thấy Súa vào khoảng thời gian xảy ra vụ việc có cầm súng kíp đi qua, khi người đó hỏi thì Súa nói đi săn thú rừng. Căn cứ kết quả xác minh và dựng lại hiện trường xác định được phương hướng và vị trí, khoảng cách bắn, anh đã đề xuất Lãnh đạo ra yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giàng A Súa về tội giết người. Tại Cơ quan điều tra trước những bằng chứng không thể chối cãi được, đối tượng Súa đã khai nhận do nghi ngờ chị Xú ngoại tình, Súa tức giận cầm súng kíp đến nhà Xú để giết Xú nhưng do Xú ngồi sau cột nhà nên chỉ bị thương ở đầu.
Kiểm sát viên Giàng A Thái đang THQCT và KSXX tại một phiên tòa xét xử lưu động |
Với 54 năm tuổi đời, 33 năm tuổi nghề, 31 năm tuổi đảng, đồng chí Giàng A Thái đã trải qua không ít những sóng gió, khó khăn trong cuộc sống và trong công việc nhưng niềm tin mãnh liệt vào sự Lãnh đạo của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, giúp anh “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, để đến hôm nay anh được Đảng ghi nhận là một người đảng viên mẫu mực, được tập thể đánh giá là một cán bộ kiểm sát “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Không giỏi nói những lời hoa mỹ “Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người…” như nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, Kiểm sát viên Thái bộc bạch một cách mộc mạc về động lực đã giúp anh vượt qua bao khó khăn, gian khổ của cuộc đời người kiểm sát: “Vì Đảng luôn trong tim tôi”./.
Xem thêm>>>
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát
-
1VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
2Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
3Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
4VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.