Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bị khởi tố lần thứ 4
(kiemsat.vn) Ngày 13/8/2020, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can số 409/QĐ-VKSTC-V5 đối với Đinh La Thăng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, đây là lần thứ 4, ông Thăng sẽ phải đối mặt với sự nghiêm minh của pháp luật.
VKS Quân sự khu vực 71 phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
Phiên tòa xét xử vụ kiện Dự án Hòa Lân: Công luận chờ một bản án thượng tôn pháp luật
VKSND - TAND huyện Lập Thạch phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Vụ án thứ nhất: 13 năm tù về tội Cố ý làm trái
Ngày 22 tháng 1 năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án hình sự số 33/2018/HS-ST đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Trịnh Xuân Thanh, và 20 đồng phạm trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Tòa quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2010, PVC gặp khó khăn tài chính. Năm 2011 PVC mất cân đối đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Biết rõ thực trạng đơn vị này chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhưng Đinh La Thăng vẫn giao PVC theo hình thức chỉ định thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Ngoài ra, dù hồ sơ thiếu cơ sở pháp lý, Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33, cấp tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC. Từ đây, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm "rút ruột" tham ô, gây thất thoát cho Nhà nước trên 119 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng nhận 13 năm tù về tội Cố ý làm trái tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Các bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo PVN, PVC và Ban quản lý dự án nhiệt điện đều có vai trò giúp sức, thực hiện trái quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 14/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phúc thẩm và tuyên y án, bị cáo Đinh La Thăng vẫn phải chấp hành hình phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái. Theo HĐXX, sau khi phê duyệt liên danh tổng thầu EPC cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dù không có văn bản báo cáo chính thức của PVC về việc không thỏa thuận được với nhà thầu nước ngoài nhưng Đinh La Thăng vẫn ký công văn gửi Chính phủ cho PVC được làm tổng thầu dự án.
Sau khi được đồng ý cho PVN tự chọn nhà thầu nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, Đinh La Thăng không thẩm định năng lực của PVC. Nguyên Chủ tịch PVN chỉ căn cứ vào báo cáo hàng năm để xác định năng lực nhà thầu của PVC. Từ đó, Đinh La Thăng đã chỉ đạo cho PVC được chỉ định thầu.
Vụ án thứ hai: Tập đoàn Dầu khí góp vốn vào Ngân hàng Đại dương
Sau hơn 10 ngày xét xử, chiều 29/3/2018, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Theo đó, Bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 về việc tham gia góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng vẫn cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, Đinh La Thăng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại OceanBank là 20% vượt quá tỷ lệ cho phép (15%) : tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank, để cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn 100 tỷ đồng (đợt 3) vào OceanBank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu |
Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank. Hành vi cố ý làm trái nêu trên của Đinh La Thăng đã vi phạm các quy định pháp luật và gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền là 800 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử đã nhận định: bị cáo Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo là người đưa ra chủ trương trong việc cố ý làm trái để cho các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi phạm tội của bị cáo Thăng gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 800 tỷ đồng cho PVN. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 (bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST). Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN, trong đó, bị cáo buộc là người phải chịu trách nhiệm chính, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng.
Vụ án thứ ba: Vụ án xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ
Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ là vụ án thứ 4 trong 9 vụ án trọng điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần tập trung hoàn thành xét xử sơ thẩm trong năm 2020.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đồng phạm về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Kết quả điều tra cho thấy năm 2007, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ. Một năm sau, PVN lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, do ông Thăng làm Trưởng ban.
Để thực hiện dự án Ethanol nói trên, PVB tiến hành mời gói thầu TK05 với nội dung: "Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc”.
Có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó hồ sơ của Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Tuy nhiên, chủ đầu tư kết luận không có nhà thầu nào đạt tiêu chuẩn.
Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3/2013, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước |
Cơ quan điều tra xác định dù 6 nhà thầu không ai đủ điều kiện nhưng ông Đinh La Thăng và cấp dưới vẫn ký nhiều công văn, chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia dự án trên.
Khi chủ đầu tư PVB có báo cáo thẩm định Liên danh này không đáp ứng yêu cầu, ông Thăng và đồng phạm tiếp tục chỉ đạo việc đồng ý chủ trương giao cho Liên danh của PVC thi công gói thầu.
Căn cứ công văn chỉ đạo của ông Thăng và cựu lãnh đạo PVN, tháng 6/2009, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí ra quyết định chỉ định thầu cho liên danh PVC và ký hợp đồng EPC, chi hàng nghìn tỷ đồng cho dự án.
Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3/2013, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.
Vụ án thứ tư: đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương
Vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan là vụ án thứ 5 trong 9 vụ án trọng điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần tập trung hoàn thành xét xử sơ thẩm trong năm 2020.
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra vụ án: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Ngày 24/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét 9 bị can; ra Lệnh bắt tạm giam 6 bị can, gồm: Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng Giám đốc; Dương Thị Trâm Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Thu Trang, nguyên Phó Phòng Đầu tư và Quản lý đấu thầu Tổng Công ty Cửu Long về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015; Tạ Đức Minh, Phạm Tấn Hoàng và Đinh Thị Chung là nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015;
Ngoài ra, C03 còn ra lệnh tạm giam 3 bị can, gồm: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc"); Phạm Văn Diệt, Giám đốc điều hành và Vũ Thị Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 (hiện 3 bị can đang bị tạm giam trong vụ án khác).
Sau khi VKSND tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") cũng bị khởi tố trong vụ án này |
Trước đó, vào hồi tháng 11/2018, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã thực hiện xong các quyết định và lệnh bắt tạm giam bị can: Đại tá Trần Trọng Tuấn, Phó giám đốc Công ty Hải Thành/Quân chủng Hải quân và Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Yên Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Khánh - Hải Thành về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 1/1/2019, Cục C03 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an ra quyết định bắt khẩn cấp và khám xét đối với Ngô Bá Thắng, Giám đốc chi nhánh Long An, vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Cùng bị bắt với Ngô Bá Thắng để điều tra về vụ việc trên còn có: Trần Văn Miền (Phó giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh); Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh); Nguyễn Thị Kim Huệ (Kế toán Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh); Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi).
Công ty Yên Khánh có tên đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, được thành lập năm 2005, có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM do Vũ Thị Hoan làm Giám đốc.
Bà Hoan có chị gái là bà Vũ Thị Hoa, người từng giữ chức thành viên HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại DIC (tính đến tháng 6-2017) và là cháu của Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc").
Mở rộng vụ án, ngày 13/8/2020, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định phê chuẩn Quyết định bắt, tạm giam đối với Nguyễn Hồng Trường Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Chí Thành, quyền Vụ trưởng Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải; Nguyễn Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải. VKSND tối cao cũng đã ban hành Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Đinh La Thăng.
Dự án Hoàng Tiến Central: Chưa có giấy phép xây dựng đã thi công, huy động vốn của khách hàng
VKSND tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can Nguyễn Hồng Trường
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
5VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
6Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
7VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
8VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.