Cty chỉ trả lương 3 ngày nghỉ Tết có đúng?

21/02/2017 08:53

Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật (VPTVPL) Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi liên quan đến quyền lợi của NLĐ khi nghỉ việc, khi vợ sinh con và trả lương những ngày nghỉ Tết. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Dịp Tết Đinh dậu 2017, NLĐ được nghỉ 7 ngày hưởng nguyên lương. Ảnh: Nam Dương

Không được nhận đơn xin nghỉ việc, phải làm sao?

Bạn đọc số 01686176XXX từ Hà Nội gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm cho Cty may XXX với HĐLĐ không xác định thời hạn. Tôi làm đơn xin nghỉ việc có báo trước 45 ngày, nhưng khi nộp hồ sơ cho Phòng Tổ chức – Hành chính thì họ không nhận. Tôi muốn nghỉ việc đúng pháp luật phải làm sao?

VPTVPL Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại khoản 3, điều 37 BLLĐ 2012, NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này (Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ của lao động nữ mang thai – PV). Trường hợp Phòng Tổ chức – Hành chính của Cty bạn không nhận đơn xin nghỉ việc, bạn có thể gửi thư phát chuyển nhanh có báo phát, bên ngoài bì thư ghi rõ gửi đơn xin nghỉ việc theo quy định tại khoản 3, điều 37 BLLĐ để làm bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp sau này. Hoặc bạn có thể gửi email đến địa chỉ email của những người có trách nhiệm trong Cty nói rõ về việc Phòng Tổ chức – Hành chính không nhận đơn xin nghỉ việc của bạn. Hoặc bạn có thể nhờ những người khác làm chứng cho việc bạn nộp đơn xin nghỉ việc đúng pháp luật nhưng không được nhận.

Nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo?

Bạn đọc số điện thoại 0838645XXX từ TPHCM gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi được Cty cử đi học về dây chuyền sản xuất. Năm nay, tôi đã 50 tuổi và đủ 20 năm đóng BHXH. Tôi viết đơn xin nghỉ việc nhưng Cty yêu cầu tôi phải bồi thường chi phí đào tạo có đúng không?

VPTVPL Báo Lao Động trả lời: Khoản 3, Điều 43 BLLĐ quy định về nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau: Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này. Như vậy, nếu bạn nghỉ việc đúng pháp luật thì không phải bồi thường chi phí đào tạo. Do đó, nếu Cty yêu cầu bạn phải bồi thường chi phí đào tạo là trái luật. Bạn có thể nhờ LĐLĐ hoặc Phòng LĐTB&XH cấp huyện – nơi Cty đóng trụ sở – can thiệp bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện Cty ra tòa để yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật.

Vợ sinh con, chồng chỉ nhận được 500.000 đồng chế độ thai sản có đúng?

Bạn đọc số 0975054XXX gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi đi làm có đóng BHXH đầy đủ. Vợ tôi sinh con, Cty chỉ chuyển vào tài khoản của tôi có 500.000 đồng tiền chế độ thai sản có đúng không?

VPTVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 38 Luật BHXH 2014 quy định về trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau: Lao động nữ sinh con hoặc NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng NLĐ nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Do đó, bạn sẽ được hưởng 2 tháng lương cơ sở khi vợ bạn sinh con. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,21 triệu đồng/tháng, tương đương bạn sẽ được nhận 2,42 triệu đồng trợ cấp một lần khi vợ bạn sinh con. Bạn nên làm đơn khiếu nại đến Cty về việc chỉ được nhận 500.000 đồng trợ cấp khi vợ sinh con. Trường hợp Cty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng bạn có thể nhờ LĐLĐ hoặc Phòng LĐTB&XH cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở can thiệp bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện Cty ra tòa để yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật.

Nghỉ 13 ngày, chỉ trả lương 3 ngày

Bạn đọc số 0949189XXX từ Vĩnh Long gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm ở Cty Giày da XXX, tỉnh Vĩnh Long. Dịp Tết vừa qua, Cty cho CN nghỉ từ ngày 28.12 âm lịch (tức 25.1.2017) đến ngày 10.1 âm lịch (tức 6.2.2017) mới đi làm trở lại. Cty thông báo chỉ trả lương 3 ngày 30 tháng Chạp và mùng 1, mùng 2 âm lịch (tức 27, 28, 29.1.2017). Cty làm vậy có đúng không?

VPTVPL Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, 3 Điều 115 BLLĐ 2012 quy định về nghỉ lễ, Tết như sau: NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây: a) Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); b) Tết Âm lịch 5 ngày; c) Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); d) Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); đ) Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch); e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Theo quy định của Chính phủ, dịp Tết Đinh dậu 2017 NLĐ được nghỉ 7 ngày (vì ngày mùng 1 và mùng 2 trùng ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, nên NLĐ được nghỉ bù hai ngày), từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 26.1.2017 đến hết ngày 1.2.2017 Dương lịch). Trong những ngày trên, Cty phải trả đủ lương theo quy định. Ngoài số ngày nghỉ theo quy định trên, Cty có thể trả lương đầy đủ hay ở mức độ nào còn tuỳ thuộc Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể của Cty, vì đây là những ngày NLĐ thực tế không làm việc. Việc Cty bạn chỉ trả lương 3 ngày 30 tháng Chạp, mùng 1, 2 Tết âm lịch là trái với quy định. Bạn có thể nhờ LĐLĐ hoặc Phòng LĐTB&XH cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở can thiệp bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện Cty ra tòa để yêu cầu Cty thực hiện đúng quy định pháp luật.

Em lấy tên chị đi làm, có ảnh hưởng quyền lợi BHXH?

Bạn đọc số 01657077XXX gọi đến số điện thoại TVPL của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Hai chị em tôi đi làm ở hai tỉnh khác nhau. Em tôi mượn hồ sơ nhân thân của tôi để nộp cho Cty nơi đang làm việc và đóng BHXH với tên, tuổi của tôi. Nay em tôi nghỉ việc chuẩn bị nhận BHXH một lần thì có ảnh hưởng gì đến chế độ BHXH của tôi sau này không?

VPTVPL Báo Lao Động trả lời: Nguyên tắc của BHXH là mỗi người đóng BHXH chỉ được cấp một sổ BHXH dựa trên thông tin về tên, ngày, tháng, năm sinh, CMND. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp mượn hồ sơ nhân thân của người khác để đi làm và cơ quan BHXH không phát hiện ra sự trùng hợp đó, nên cấp sổ BHXH trùng nhau. Khi chi trả BHXH một lần, toàn bộ quá trình đã tham gia BHXH trước đó của người nhận BHXH một lần sẽ bị xóa bỏ. Như vậy, nếu em bạn nhận BHXH một lần với hồ sơ mang tên bạn, thì toàn bộ quá trình tham gia BHXH đó sẽ bị xóa bỏ trên hệ thống. Sau này khi bạn nghỉ việc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi. Do đó, giải pháp là em bạn phải làm thủ tục điều chỉnh nhân thân tham gia BHXH với hồ sơ thật (tên, ngày, tháng, năm sinh và số CMND của em bạn) vì thực tế những năm em bạn đi làm có tham gia BHXH. Khi làm thủ tục điều chỉnh này em bạn sẽ bị xử phạt hành chính do khai báo không trung thực để làm thủ tục tham gia BHXH. Sau đó, em bạn nhận chế độ BHXH một lần với tên của em bạn thì quyền lợi về BHXH của bạn sẽ được bảo đảm.

Lao động

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang