Còn nhiều băn khoăn quanh dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

22/10/2020 08:28

(kiemsat.vn)
Mặc dù đã tiếp thu, chỉnh lý tới 42 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhưng tại phiên họp trực tuyến thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) ngày 21/10/2020, nhiều ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện sự băn khoăn quanh dự án Luật này.

ĐBQH đề nghị kéo dài thời gian sử dụng Sổ hộ khẩu thêm 2 năm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này đã tiếp thu, chỉnh lý 42 điều.

Về vấn đề các cử tri quan tâm nhiều nhất là chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho biết ý kiến của đa số ĐBQH tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và quy định luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Dung (Điện Biên), Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội dẫn các nghị quyết, quyết định của Chính phủ cho hay tới hết năm 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương, chưa kể tới những địa phương khó khăn như vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất thiếu thốn.

ĐBQH cũng băn khoăn, trong bối cảnh đang phải dành nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua bão lũ, việc dành nguồn lực để hoàn thiện nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú đặc biệt là hạ tầng kết nối các cơ quan liên quan trên toàn quốc từ TƯ tới cấp xã để đảm bảo việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1/7/2021 là rất khó khăn và khó đảm bảo tính khả thi.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu không được sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp mà các cơ quan chức năng "đòi" giấy tờ xác nhận nơi cư trú để làm các thủ tục khác hay các giao dịch dân sự thì sẽ gây phiền hà cho người dân. “Sổ hộ khẩu dùng mấy chục năm nay rồi, cho dù 2 năm nữa cũng không lâu, ngược lại rất thuận tiện và không gây phiền hà cho người dân. Tại sao không kéo dài tới đó để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân?”

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định đủ điều kiện bỏ sổ Hộ khẩu vào 01/7/2021

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho rằng “Hiện nay, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư 90% thu thập được, chỉ thẩm định, phúc tra lại đưa vào hệ thống máy. Còn 10% sẽ cố gắng trong năm 2020 hoàn thành. Nên chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện áp dụng phương thức quản lý cư trú theo Luật ngay khi có hiệu lực”.

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh: “Chính phủ điện tử hiện nay đang rất thúc đẩy, đã có quy định của Chính phủ để làm. Chúng tôi nghĩ, Quốc hội giới hạn thời gian 1/7/2021, bắt buộc cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau thực hiện theo đúng lộ trình”.

Quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 08m2 sàn/người trở lên có phù hợp?

Về diện tích tối thiểu quy định tại điểm b khoản 3, Điều 20 các ĐBQH vẫn còn có 2 ý kiến khác nhau. Phương án 1: Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Phương án 2: Đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 01 năm trở lên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Cho ý kiến về quy định này, Đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Mức diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 tại các địa phương và phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Bùi Quốc Phòng, Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị bổ sung quy định nhằm đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho cư dân sinh sống trên địa bàn. Mỗi tỉnh, thành phố có mức gia tăng dân số cơ học khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh quy định diện tích tối thiểu nhằm phù hợp với từng địa phương; đồng thời, cũng nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 08m2 sàn/người trở lên.

Góp ý về nội dung này một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, mà không giao cho Hội đồng nhân dân quy định mức cụ thể áp dụng ở từng địa phương, để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Trí Thức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị không nên quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu như Dự thảo Luật vì quy định này không bảo đảm tính bình đẳng về quyền con người, quyền công dân, không đảm bảo thống nhất về mặt kỹ thuật trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào mục tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức sàn không thấp hơn 08m2 sàn/người. Đây là chiến lược và là mục tiêu mà chúng ta hướng tới, còn trên thực tiễn chưa có tổng kết về vấn đề này.

Đại biểu nêu thực tế tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội diện tích trung bình trên đầu người ở những khu phố cổ có nơi không đến 04m2 sàn/người. Ngay cả các nước phát triển nhất như ở thủ đô London (Anh), Tokyo của Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) cũng có rất nhiều căn hộ chỉ có 04m2 sàn/người. Do vậy, nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ không đảm bảo quyền con người, quyền công dân và không bảo đảm bình đẳng về quyền cư trú của công dân.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang