Có “thấu tình đạt lý” mới đủ sức thuyết phục
(kiemsat.vn) – Một hành động, một quyết định đúng chức trách, nhiệm vụ của những người thực hành quyền công tố nhưng có những trường hợp, đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc với những người trong cuộc – một vụ án có tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên.
Những cung bậc cảm xúc khó phai mờ
“Làm nghề” pháp luật là khô khan, chỉ có lý lẽ và lý lẽ nhưng với Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên – Phó Viện trưởng VKSND TP Bắc Ninh, trong khuôn khổ lý lẽ đều cần xen kẽ “cái tình”. Bởi hơn ai hết, một vụ án có “thấu tình đạt lý” thì mới đủ sức thuyết phục, mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa.
Nhớ lại vụ án có 07 bị can là công nhân của một công ty nước ngoài ở khu công nghiệp trên địa bàn, xảy ra hồi cận kề Tết năm 2016, khi những cuốn lịch Ngành Kiểm sát được đặt trên bàn làm việc, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên – Phó Viện trưởng VKSND TP Bắc Ninh – người trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án đã dâng lên những cung bậc cảm xúc khó phai mờ.
Những người phạm tội họ còn rất trẻ, vì chút lợi trước mắt mà trộm cắp tài sản của công ty. Có kẻ chủ mưu cầm đầu, có kẻ thực hành tích cực, đồng phạm giúp sức, có kẻ tiêu thụ và có cả những kẻ không tố giác tội phạm. Trong số những bị can trên, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên đặc biệt chú ý tới 01 bị can mới chỉ hơn 18 tuổi, bởi ở ngưỡng tuổi mới thành niên, bị can là người có vai trò giúp sức không đáng kể trong vụ án.
Được sự tin tưởng, phân công của Lãnh đạo VKSND TP Bắc Ninh, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên đã đưa ra những yêu cầu điều tra cụ thể, nghiên cứu, tranh luận, trao đổi kỹ trước khi đề xuất phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can với thành niên này. Bởi giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án là rất lớn, tội rất nghiêm trọng, có khung hình phạt nặng. Bản án sẽ là “quá sức” đối với một người vừa mới thành niên, vì một phút nông nổi phải trả cái giá quá đắt.
Vụ án nào cũng vậy, khi đưa ra một quyết định nào đó nhất là những quyết định liên quan đến sinh mệnh một con người, những Kiểm sát viên VKSND TP Bắc Ninh đều phải đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng bởi trong “cái lý” có “cái tình”, trong “cái tình” có “cái lý”. Trong vụ án này, dù có đắn đo, có cân nhắc đến “cái tình” thì với trách nhiệm của một người làm công tác bảo vệ pháp luật, nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố như Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên, yếu tố pháp luật phải được đặt lên hàng đầu.
Sau thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên quyết định đề xuất Lãnh đạo VKSND TP Bắc Ninh phê chuẩn khởi tố và tạm giam đối với các bị can. Vụ án do Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Thế nhưng, trong lúc dự thảo cáo trạng, gia đình bị can nhỏ tuổi nhất gồm mẹ – ông – bác đã chủ động xin gặp chị để cung cấp giấy tờ chứng minh bị can có tên – tuổi khác (bị can sử dụng tên và tuổi của anh trai để đủ tuổi làm hồ sơ xin đi làm tại công ty). Đây là chứng cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người, đúng tội, bởi nếu hoàn tất cáo trạng theo chứng cứ ban đầu sẽ khởi tố không đúng người, không đảm bảo quyền lợi cho người chưa thành niên…
Xuyên suốt vụ án, có lẽ, điều khiến Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên “in sâu” trong ký ức của mình chính là hình ảnh hai mẹ hội ngộ sau hơn 01 tháng tạm giam trong một buổi hỏi cung, cậu con trai mới lớn chưa đủ tuổi thành niên một mực “Con xin lỗi mẹ, con sai rồi”, người mẹ tần tảo lam lũ chỉ trạc tuổi chị của chị Liên thì “mẹ không trách con đâu”…
Nhưng xót xa hơn là hoàn cảnh gia đình em. Do lập gia đình sớm, vợ chồng nhà nông lại lam lũ vất vả, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vài thửa ruộng, trong khi chi phí sinh hoạt thì ngày một tăng; nhà có hai anh em thì cậu em lại cao lớn và có sức khoẻ hơn cậu anh lại muốn kiếm tiền để đỡ đần cho mẹ nên đã lấy tên – tuổi anh trai cho đủ tuổi để xin làm công nhân, chị đồng ý… Nào ngờ xảy ra cơ sự!
“Thay đổi biện pháp ngăn chặn” – cánh cửa khoan hồng của pháp luật
Từ những chứng cứ thu thập được, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên đã báo cáo, đề xuất Lãnh đạo VKSND TP Bắc Ninh thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can nhỏ tuổi nhất, trên cơ sở bị can khai báo thành khẩn, thực sự hối hận về việc làm của mình, đồng thời, bị can lại là người chưa thành niên, chưa phát triển hết thể chất và tâm sinh lý, cần hơn nữa sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Đặc biệt, với niềm tin ở người mẹ hiền lành chân chất, KSV Nguyễn Thị Trang Liên tin tưởng, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn, chị sẽ khuyên bảo, giáo dục con mình vi phạm thêm một lần nào nữa, sẵn sàng chấp hành theo triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.
Đề xuất của Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên được Lãnh đạo VKSND TP Bắc Ninh chấp nhận. Sau này, tại phiên toà xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt một hình phạt nhẹ nhất, tương xứng với mức độ, hành vi của bị cáo.
Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn là việc cần làm của những cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở chứng cứ đã rõ ràng, là chức trách, nhiệm vụ của những người trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án như Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trang Liên, thế nhưng, đối với gia đình, “Quyết định” ấy là một sự kiện quan trọng mang niềm hạnh phúc cho những người trong cuộc, mở ra cảnh cửa tương lai cho bị cáo có cơ hội hoàn thiện bản thân, làm lại cuộc đời.
Loan Bảo
Xem thêm>>>
“Vị thuyền trưởng vượt khó” của VKSND huyện vùng biên Mèo Vạc
-
1VKSND thị xã Điện Bàn trao tặng máy lọc nước cho trường cấp 1, cấp 2
-
2VKSND TP. Cần Thơ điều động, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt
-
3Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
-
4Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ)
-
5Quảng Nam: Ban Pháp chế HĐND làm việc với VKSND tỉnh
-
6VKSND huyện Mường La trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an huyện
-
7VKSND quận Liên Chiểu kiến nghị Chủ tịch UBND quận về công tác phòng ngừa tội phạm cho lứa tuổi chưa thành niên
Bài viết chưa có bình luận nào.