Chuyển đổi số là quá trình sáng tạo lại tổ chức trên môi trường số

26/04/2021 17:10

(kiemsat.vn)
Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ứng dụng công nghệ thông tin, vào ngày 22/4/2021, tại Hà Nội.

Khi nói đến một cuộc Cách mạng công nghiệp mới là nói đến công nghệ gì và chuyển đổi gì. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì nhóm công nghệ chủ đạo là công nghệ số, sự chuyển đổi quan trọng nhất là chuyển đổi số - sự chuyển dịch từ thế giới thực vào thế giới số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Nó cần một chiến lược xuất sắc để dẫn dắt. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND tối cao) cần sớm ban hành một chiến lược về chuyển đổi số toàn bộ, có tầm nhìn, có mục tiêu cao, có cách tiếp cận và giải pháp độc đáo, đột phá để biến việc khó thành dễ, khả thi, có thể làm nhanh. Bộ TT&TT có nhiệm vụ hỗ trợ VKSND tối cao trong xây dựng dựng chiến lược chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí về chuyển đổi số.

Chiến lược chuyển đổi số của VKSND tối cao có thể gồm 6 nhóm nhiệm vụ chính: 1- Tạo lập một hạ tầng (bao gồm cả dữ liệu) dùng chung, thống nhất cho phép cấp dưới không phải báo cáo cấp trên, cho phép họp trực tuyến tới các tổ chức và cá nhân trong toàn bộ hệ thống, làm việc trực tuyến với tội phạm đang bị giam giữ trong quá trình điều tra,…; 2- Xây dựng một nền tảng quản lý văn bản điện tử thống nhất trong toàn bộ hệ thống; 3- Tạo lập một nền tảng phân tích dữ liệu, án lệ, thống kê tự động để hỗ trợ cho các kiểm sát viên và lãnh đạo cơ quan kiểm sát các cấp; 4- Triển khai các hoạt động giám sát và kiểm tra trên môi trường số; 5- Triển khai chương trình đào tạo kỹ năng số cho các kiểm sát viên và lãnh đạo cơ quan kiểm sát các cấp trên nền tảng trực tuyến; 6- Phát triển các ứng dụng thông minh để tránh sai sót trong hoạt động điều tra, xét sử, rút ngắn thời gian, giảm tải cho kiểm sát viên, tạo ra các giá trị mới để giảm tội phạm như dự báo trước xu thế tội phạm, cảnh báo trước người dân về tội phạm, phát hiện dấu hiệu tội phạm để ngăn chặn.

Chuyển đổi số thì đầu tiên là đưa mọi hoạt động lên môi trường số và sau đó là thay đổi cách làm. Cả 2 cái này đều đòi hỏi quyết tâm chính trị của người đứng đầu, nhất là cái thứ 2. Bởi vậy, Viện trưởng VKSND tối cao phải là người dẫn dắt quá trình này, phải là người đầu tiên sử dụng các ứng dụng số trong hoạt động hàng ngày, và phải là người đặt ra yêu cầu cho quá trình chuyển đổi số. Người đứng đầu phải biết mình muốn gì, đặt ra yêu cầu, mà yêu cầu càng cao thì càng tốt, và sau đó là người dùng để xem sản phẩm có đúng cái mình mong muốn không. Tất cả các vấn đề khác liên quan đến công nghệ gì, làm thế nào thì hãy để cho các nhà chuyên môn. Nhiều nhà lãnh đạo coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ để giao cho cấp dưới, khi nào xong thì báo cáo tôi, mà không coi chuyển đổi số là một quá trình sáng tạo tổ chức mà chỉ có trải nghiệm hàng ngày của người đứng đầu mới quyết định thành công. Và bởi vậy, chuyển đổi số toàn bộ hệ thống VKSND là việc của Viện trưởng, không phải việc để Viện trưởng giao cho người khác!

Chi cho CNTT, cho chuyển đổi số thế này có nhiều quá không? Đây luôn là một câu hỏi lớn có trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều hay ít là do giá trị mà chuyển đổi số mang lại quyết định. Chi ít mà không mang lại giá trị gì thì là nhiều. Chi nhiều mà giá trị mang lại lớn hơn thì là chi ít. Bởi vậy, các dự án chi cho chuyển đổi số phải luôn được coi như một dự án đầu tư kinh doanh, tức là phải có tính toán chi và thu. Các giá trị mang lại dù là hữu hình hay vô hình, dù là ngắn hạn hay dài hạn đều phải được lượng hoá. Một dự án hiệu quả là dự án có lãi và lãi suất cũng phải đủ lớn. Để có lãi thì cũng phải tiết kiệm từng khoản chi. Đây là cách tiếp cận mới và đúng đối với các khoản chi cho ứng dụng CNTT, cho chuyển đổi số. Và đây cũng là cách tiếp cận an toàn đối với các khoản chi.

Cách học tốt nhất bây giờ là hỏi. Làm việc gặp khó gì thì hỏi. Mỗi người kiểm sát viên có một trợ lý ảo có thể trả lời bất cứ lúc nào, bất kỳ câu hỏi gì về chuyên môn, về những vụ án tương tự. Thì đây sẽ thực sự là một đột phá. Nhưng việc này lại không khó. Công nghệ số đã sẵn sàng. Trợ lý ảo cho kiểm sát viên rồi đến trợ lý ảo cho người dân để họ hiểu biết pháp luật hơn. Trong năm 2021, VKSND tối cao có thể triển khai các trợ lý ảo này.

Cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhanh, công việc cũng phải thay đổi theo, các tri thức mới, cách làm việc mới, các quy trình mới, các qui định mới, tội phạm mới, ... Chúng ta không thể nhớ nổi dù có đào tạo, tập huấn liên tục. Áp lực ngày một tăng và chất lượng công việc có xu thế suy giảm. Vậy chuyển đổi số có lời giải nào không? Có. Đó là các nền tảng số. Tất cả các qui trình, qui định, tri thức được đưa lên nền tảng số. Kiểm sát viên làm việc trên nền tảng là đã thừa hưởng tất cả tri thức, là đã được hướng dẫn các quy trình. Nền tảng là một loại mặt bằng kiến thức mà những ai đứng trên đó làm việc thì tự nhiên đã đạt mức của mặt bằng đó. Đây là cách tốt nhất và nhanh nhất để đạt được sự đồng đều của nhân viên trong một tổ chức. Mỗi lần thay đổi thì chỉ cần lập trình lại nền tảng thay vì đào tạo, tập huấn hàng vạn lượt người.

Nếu như trước đây, Cục CNTT tư vấn lãnh đạo VKSND tối cao về mua công nghệ gì thì nay, Cục Chuyển đổi số sẽ tư vấn lãnh đạo về thay đổi cách làm, tư vấn về các công cụ làm việc mới, công cụ hỗ trợ mới trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Viện KSND tối cao nên cân nhắc việc bổ sung chức năng nhiệm vụ và đổi tên Cục CNTT thành Cục Chuyển đổi số. Cục CNTT thì như con nuôi, Cục chuyển đổi số thì như con ruột của Viện. Con ruột là vì Cục chuyển đổi số sẽ liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày của mọi người trong Viện. CĐS là một cuộc cách mạng, một chặng đường dài liên tục, nhất là khi nói đến sự thông minh hoá, vậy nên, VKSND tối cao rất nên tổ chức lại Cục Thống kê tội phạm và CNTT thành Cục Chuyển đổi số với đủ nguồn lực và độ tự chủ.

Về làm chuyển đổi số thì: Mục tiêu đặt ra càng cao thì càng dễ làm; thay đổi càng đột phá thì càng dễ làm; thời gian càng ngắn thì càng dễ làm, việc 5 năm làm 1 năm sẽ dễ làm hơn là làm trong 5 năm; nguồn nhân lực CNTT tại chỗ càng ít thì càng dễ làm; tổ chức càng có nhiều khó khăn kéo dài thì càng dễ làm; tổ chức mà việc nhiều người ít thì càng dễ làm; tổ chức càng lâu đời, càng cũ kỹ thì càng dễ làm. Tóm lại, những gì mà VKSND tối cao đang nghĩ là khó khăn của mình thì đó lại chính là lợi thế của mình để làm chuyển đổi số. Bởi vì, thế giới thực và thế giới ảo vận hành theo những cách khác nhau, điểm yếu của bên này lại là điểm mạnh của bên kia. Một cuộc Cách mạng công nghiệp mới luôn tạo ra cơ hội nhiều hơn cho những ai khó khăn hơn, đói khát hơn. Mà chủ yếu là cơ hội cho những bứt phá vươn lên. Nó chỉ đòi hỏi sự thay đổi. Mà người có ít thứ để mất thì dễ thay đổi hơn.

Về một số kinh nghiệm quốc tế

1)- Dự báo xu thế tội phạm. Xu thế tội phạm có thể được dự báo dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu, càng nhiều dữ liệu thì dự báo càng chính xác. Các quốc gia đã áp dụng hiệu quả là Anh, Mỹ, Trung Quốc. Tại Anh, xu thế tội phạm được dự báo với độ chính xác 80-90%, cao hơn hàng chục lần so với cảnh sát.

2)- Công cụ hỗ trợ điều tra dựa trên trí tuệ nhân tạo. Tại Ấn Độ, Toà án tối cao đã thành lập Uỷ ban Trí tuệ nhân tạo từ năm 2019, đã xây dựng Cổng thông tin được hỗ trợ bởi AI, có thể hỏi đáp thông qua giọng nói hoặc văn bản ngôn ngữ tự nhiên để hỗ trợ pháp lý cho các thẩm phán như: trích xuất thông tin liên quan, đọc hồ sơ vụ án, soạn thảo tài liệu vụ việc, tìm kiếm sự kiện, vấn đề và điểm luật từ hàng ngàn trang tài liệu, tự động xây dựng báo cáo tổng quan về các vụ án, ...

3)- Dựng lại hiện trường 3D vụ án để mô phỏng, tạo hiện trường trên môi trường số. Tại Mỹ, cảnh sát được trang bị bộ công cụ để dựng lại hiện trường vụ án dựa trên công nghệ mô phỏng. Các mô hình 3D này được chấp nhận tại các phiên toà như một đầu vào để xét xử, bên cạnh các bằng chứng khác. Trước đây để dựng hiện trường vụ án cần hơn 10 người thì nay chỉ cần 2-3 người. Thời gian dựng hiện trường mất khoảng 3-4 tiếng thì nay chỉ cần 5-8 phút. Mô hình 3D này có thể được chia sẻ, lưu trữ theo từng vụ án để sử dụng làm tài liệu tham khảo hay đào tạo.

4)- Thống kê, phân tích và hiển thị trực quan các chỉ số quan trọng của ngành. Mỗi năm, VKSND tối cao điều tra hàng trăm ngàn vụ án. Mỗi vụ án kèm theo rất nhiều thông tin làm cho việc theo dõi tiến độ, thống kê, phân tích gặp nhiều khó khăn. Một hệ thống giám sát, điều hành có thể hiển thị, cảnh báo tiến độ xử lý các vụ án của VKSND các cấp. Từ đây, lãnh đạo có thể có những chỉ đạo kịp thời để nâng cao hiệu quả công việc.

5)- Án lệ. Số hoá các vụ án, xây dựng cơ sở lữu liệu tập trung, sử dụng các công nghệ số để hỗ trợ các công tố viên tra cứu, tham khảo các tình tiết, việc áp dụng pháp luật cho các tình tiết ở các vụ án tương tự. Có thể giúp giảm án oan, sai; rút ngắn thời gian điều tra.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi lớn của VKSND các cấp. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng VKSND tối cao trong công cuộc chuyển đổi quan trọng này.

Đảng uỷ Khối sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

(Kiemsat.vn) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 5 năm qua.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang