Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có sự ổn định, tránh xáo trộn
(kiemsat.vn) Chương trình xây dựng pháp luật cần có sự ổn định, tránh xáo trộn và kịp thời đáp ứng thực tiễn cuộc sống là đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 24/5 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình sáng 24/5. Ảnh: ĐT |
Đối với các dự án còn lại, UBTVQH xin báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh gồm: Đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; Bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp; Bổ sung 05 dự án luật, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Liên quan đến luật này, UBTVQH nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Bổ sung 02 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội đối với từng dự án; đồng thời, qua xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình năm 2022, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và chất lượng chuẩn bị của các cơ quan, UBTVQH trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2023 như sau:
Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đối với 07 dự án, dự thảo, trong đó 06 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 06 dự án luật, bao gồm:
04 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và 03 dự án là Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như tiến độ do Chính phủ đề xuất.
02 dự án luật, gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5. UBTVQH nhận thấy, nhiều chính sách mà Chính phủ trình trong hồ sơ đề nghị xây dựng 02 dự án luật này có nội dung liên quan chặt chẽ đến các chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của 02 luật này với Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị bổ sung 02 dự án luật này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 cùng thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 đối với 02 dự án luật, bao gồm: Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như tiến độ do Chính phủ đề xuất.
“Nếu được Quốc hội thông qua thì Chương trình năm 2022, 2023 dự kiến sẽ là: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), trình Quốc hội thông qua 05 luật, 04 nghị quyết; cho ý kiến 06 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình Quốc hội thông qua 07 luật (gồm 01 luật theo quy trình tại một kỳ họp mới được bổ sung, 06 luật đã có trong Chương trình); cho ý kiến 07 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trình Quốc hội thông qua 06 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 06 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023): trình Quốc hội thông qua 06 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 02 dự án luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Chú trọng đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó công tác lập pháp còn tình trạng một số dự án luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa bảo đảm thời gian theo quy định... Nhiều đại biểu đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có sự ổn định, tránh xáo trộn và kịp thời đáp ứng thực tiễn cuộc sống.
Có ý kiến cho rằng hạn chế trong chương trình xây dựng pháp luật là luật chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thẳng thắn chỉ ra hạn chế lâu năm là kỷ luật lập pháp chưa khắc phục được khi việc điều chỉnh thường xuyên chương trình xây dựng pháp luật vẫn xảy ra, chưa thể hiện sự tôn trọng Quốc hội, công tác tập hợp hóa, pháp điển hóa chưa được làm thường xuyên nên không đánh giá được những thay đổi phát sinh, phân công, phân nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật chưa được chú trọng. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị khi xây dựng các dự án luật, thành phần ban soạn thảo phải mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 24/5. Ảnh: ĐT |
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, quy định của pháp luật tác động phải để cho họ lên tiếng chứ không thể để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của những công cụ đó lại không được lên tiếng.
Với những đạo luật tác động đến đời sống nhân dân, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần phải trưng cầu ý dân chứ không phải hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua... Cần tăng cường giám sát việc phát hành các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra lại các quy định mà Quốc hội thông qua và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các đạo luật.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Lê Thanh Vân tán thành trong tờ trình, nhưng đề nghị không đưa vào chương trình làm luật những đạo luật mà Quốc hội khóa XIV không tán thành.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp của Quốc hội khi chấp thuận hoặc đưa bất cứ một sáng kiến lập pháp nào vào chương trình lập pháp của Quốc hội phải buộc cơ quan đề xuất có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá cụ thể "phí tổn và lợi ích" của dự án luật đó.
“Khi đề xuất các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động các thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết hoặc đánh giá rất chung chung, chủ yếu nói đến cái lợi mà chỉ nói một chiều... Thực tế có những luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng rất bất tiện cho người dân. Có luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một luật đúng nghĩa” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa giải thích.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần thể chế hóa về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám đột phá vì lợi ích chung.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm: Những đột phá thường đi trước pháp luật hoặc pháp luật đã quy định nhưng trong một số trường hợp cần phải bỏ qua để đạt những kết quả cao hơn về lợi ích chung. Tuy nhiên Hiến pháp cũng quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Như vậy muốn có đột phá và vẫn tuân thủ Hiến pháp chúng ta cần có luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Luật này có thể xung đột với nhiều luật khác. Nếu Quốc hội đồng ý khi có xung đột giữa các luật thì luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, thì chủ trương bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ đi vào cuộc sống.
Ngay sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có phần giải trình trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng công tác xây dựng thể chế, số lượng các cuộc họp về công tác này cũng rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, là sự cố gắng lớn của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của UBTVQH.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đối với các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, UBTVQH nhiệm kỳ trước giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và các bước đang được tiến hành để xin ý kiến cấp thẩm quyền trước khi trình UBTVQH xem xét đưa vào chương trình./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.