Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13
(kiemsat.vn) Tối 17.8, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Quốc hội Cộng hòa Áo và Liên Hợp quốc tổ chức Hội nghị thượng định các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 với chủ đề “Sự lãnh đạo của Phụ nữ tại Quốc hội trong thời Covid - 19 và sự phục hồi sau đại dịch”.
VKSND huyện Chư Sê: Số hóa vụ án hình sự và công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa
Thiếu úy "cướp giật tài sản" bị tuyên phạt 03 năm tù
Công bố Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác cán bộ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Áo Andrea Eder-Gitschthalar.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị từ điểm cầu Hà Nội và có bài phát biểu quan trọng, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội.
Cùng dự Hội nghị với Chủ tịch Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh...
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quản lý khủng hoảng một cách bền vững
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Áo Andrea Eder-Gitschthalar nêu rõ, năm 2020 đánh dấu 25 thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy bình đẳng giới. "Chúng ta đã hy vọng rằng, năm 2020 có thể đạt được nhiều kết quả hơn nhưng thật không may là vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các đại biểu Quốc hội/nghị sỹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực kinh tế, tài chính của phụ nữ và tạo ra một chương trình hành động xã hội và kinh tế của phụ nữ, đấu tranh chống lại bất bình đẳng cũng như trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp và hậu quả. Chúng ta phải thực hiện vai trò này một cách tích cực", Chủ tịch Andrea Eder-Gitschthalar nói.
Cũng theo Chủ tịch Andrea Eder-Gitschthalar, chúng ta không cần phát minh lại Tuyên bố Bắc Kinh vì Tuyên bố này đã khẳng định phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nước hiện nay cho thấy, phụ nữ đang bị loại bỏ ra khỏi quá trình phát triển kinh tế, đời sống chính trị và đặc biệt là trong các cơ quan liên quan đến chính sách về tài chính, tiền tệ và tài khóa. Tuyên bố Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình để tạo ra sự độc lập về kinh tế của phụ nữ. Theo Chủ tịch Andrea Eder-Gitschthalar, đây là nền tảng để tạo điều kiện cho việc trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ tiếp cận thị trường và xóa bỏ phân biệt đối xử tại công sở, cũng như tạo điều kiện để phụ nữ điều hòa giữa công việc và đời sống gia đình.
“Đây là những yêu cầu mà chúng ta cần phải thực hiện. Nếu điều này không thể thực hiện được thì chúng ta phải làm gì để cải thiện hiện trạng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực này?” Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Andrea Eder-Gitschthalar lưu ý, đại dịch Covid-19 đã cho thấy, phụ nữ và đàn ông đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng theo cách cách khác nhau. Do sự phân biệt đối xử, sự hạn chế về quyền tham gia, tình trạng nghèo đói và sự phụ thuộc về kinh tế đã khiến phụ nữ bị tác động nặng nề hơn so với đàn ông. Chúng ta đều có thể cảm nhận được điều này hàng ngày hàng giờ.
Phụ nữ cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý khủng hoảng một cách bền vững và đóng góp vào cấu trúc an ninh, các chính sách về y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu... “Do đó, các nghị sỹ nữ phải có những đóng góp chủ động để thúc đẩy các nội dung này”, Chủ tịch Andrea Eder-Gitschthala nhấn mạnh.
Trong đại dịch, vẫn có cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới
Chia sẻ nhận định của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Áo về việc còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện bình đẳng giới, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, Hội nghị lần này là diễn đàn quan trọng để tìm kiếm các giải pháp hiệu quả thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những thách thức chưa từng thấy. Hiện nay, thế giới đang chứng kiến nhiều sự bất bình đẳng đối với phụ nữ. Phải có đánh giá thực tế để thấy được rằng, còn rất nhiều việc phải làm trước mắt. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự không bình đẳng trong tham gia vào các chính sách.
Theo Chủ tịch IPU, qua các dữ liệu đã cho thấy, sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động chính trị trong 25 năm qua có những tiến bộ nhưng không đáng kể. Số lượng Thủ tướng Chính phủ hay người đứng đầu Nhà nước là phụ nữ chỉ chiếm khoảng 5-6%. Một thực tế khác là thu nhập của phụ nữ còn thấp hơn so với đàn ông từ 20-25%. Cùng với đó, những thách thức của nền kinh tế tác động tiêu cực đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Phụ nữ còn phải đóng vai trò trong việc chăm sóc gia đình, con cái nên họ có ít cơ hội hơn đàn ông trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, hội nhập xã hội và cộng đồng. Số liệu về vấn đề y tế cũng cho thấy, có đến 70% lực lượng chăm sóc bệnh nhân là phụ nữ. Do đó, phụ nữ đóng vai trò lớn trong việc chống lại đại dịch Covid - 19.
Vấn đề bạo lực liên quan đến phụ nữ cũng là chủ đề được bàn luận tại hội nghị lần này. Trong đó, một số liệu rất đáng lo lắng là trong thời gian đại dịch Covid - 19 bùng phát vừa qua, rất nhiều vụ bạo lực gia đình đã diễn ra. Phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với nguy cơ bóc lột và bạo lực tình dục, trong tiếp cận dịch vụ về sức khỏe. “Không thể nhắm mắt và phớt lờ tình trạng này. Không được chủ quan và luôn thực hiện nỗ lực cao nhất để thực hiện cam kết của chúng ta. Cần có biện pháp làm sao thực thiện tốt Tuyên bố Bắc Kinh về thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái”, Chủ tịch IPU nhấn mạnh.
Bên cạnh các thách thức của đại dịch Covid - 19 cũng vẫn có những cơ hội thúc đẩy thêm về bình đẳng giới. Do đó, "phải có những chính sách về giới, các biện pháp hiện thực hóa cam kết. Tiếng nói của phụ nữ phải được cân bằng với đàn ông", Chủ tịch IPU nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới cần cam kết cao hơn để có biện pháp mạnh hơn nhằm xóa bỏ tất cả sự bất bình đẳng, sự phân biệt về giới. Cần phải có những luật và văn bản dưới luật để triển khai thực hiện. Nhấn mạnh tinh thần này, Chủ tịch IPU kêu gọi các nữ Chủ tịch Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội/nghị sỹ, với quyền hạn của mình đề xuất các biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào chính quyền, giới thiệu phụ nữ có tiềm năng tham gia hoạt động chính trị; trong đó, cần cố gắng đạt tỉ lệ 50% tổng số đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Trước tình trạng phân biệt, khoảng cách đối với phụ nữ, theo Chủ tịch IPU, phải có những đạo luật bảo đảm thu nhập bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông, mở ra nhiều cơ hội để có bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực với phụ nữ, chấm dứt những hủ tục với phụ nữ. Những biện pháp này cần được triển khai ở cả 3 lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ tịch IPU cũng kêu gọi các nước có biện pháp mạnh hơn nữa về bình đẳng giới, thu nhập và tiền lương, có các chương trình đầu tư về nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em.
Bày tỏ kỳ vọng những biện pháp này nếu được thực hiện trên phạm vi toàn thế giới thì sẽ có những lợi ích rất tốt cho các thế hệ sau, cùng nhau nắm bắt cơ hội tạo ra xã hội tốt hơn, Chủ tịch IPU khẳng định, hội nghị lần này là dịp để nâng cao vai trò của phụ nữ, cần viết lên trang sử mới cho phụ nữ, đây cũng là dịp để tưởng nhớ những người đã hy sinh cuộc sống của mình để bảo vệ quyền của phụ nữ.
Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, trẻ em gái
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn thúc đẩy các ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt Nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công Phiên họp đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn". Việc tổ chức Phiên họp đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
Trước tình hình khó khăn khi đại dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia, với sự nhạy cảm, lòng nhân ái và bao dung, phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã nhanh chóng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống và đấu tranh đẩy lùi và giảm thiểu tác hai của dịch bệnh. Phụ nữ có các kỹ năng riêng để ứng phó khi hoàn cảnh xung quanh thay đổi bằng cách thực hiện những sáng kiến và các giải pháp thích nghi khác nhau mà họ tích lũy được từ cuộc sống và công việc hàng ngày của mình.
Bên cạnh những kết quả đáng mừng, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhất là trao quyền phụ nữ tham gia quản lý khủng hoảng còn có một số bất cập. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nêu 5 đề xuất với Hội nghị.
Một là, cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ, bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội, nhất là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu, thiên tai trong xã hội.
Hai là, cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội, đặc biệt các hoạt động nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, nâng cao năng lực lên tầm cao mới.
Ba là, cần tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp.
Bốn là, tăng cường sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nhất là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới, triển khai các sáng kiến quản lý khủng hoảng.
Năm là, tiếp tục mở rộng hợp tác đa phương trên kênh lập pháp và hành pháp, góp phần nâng cao nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận 2 chuyên đề về “Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng lên tầm cao mới” và “Đẩy mạnh trao quyền kinh tế và tài chính cho phụ nữ”.
Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc trong ngày mai, 18.8, thảo luận chuyên đề về “Chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong Quốc hội và trong mọi hoạt động xã hội” và thảo luận Bàn tròn chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội trong tương lai. Các kết quả của Hội nghị sẽ được đưa vào nội dung nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái diễn ra ngày 19-20.8 tới.
Thông cáo báo chí kỳ họp 47 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thông báo điều kiện trúng tuyển đại học năm 2020
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.