Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao
(kiemsat.vn) Ngày 11/5/2023, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5
Khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần làm tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Đồng chí nhấn mạnh, thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động tư pháp cũng chính là góp phần kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực . |
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao; đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu VKSND tối cao tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng. Cùng tham dự còn có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND cấp cao 1, 2, 3.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, trong những năm qua, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm và tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có những diễn biến phức tạp. Trong đó, phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động tinh vi, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, phạm tội trên không gian mạng liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, giáo dục, y tế, công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19...; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng...Từ năm 2013 đến nay, trung bình các vụ án trong lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10%-12%/năm.
Trước tình hình đó, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo VKSND tối cao đã đề ra nhiều yêu cầu cũng như giải pháp công tác trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác của ngành Kiểm sát, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Toàn Ngành đã nghiêm túc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát, đó là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đồng thời nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đổi mới, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới nhiều vụ án hình sự; kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại với số lượng lớn; hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; năm sau tốt hơn năm trước.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự; tăng cường trách nhiệm công tố; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, “bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”; nâng cao chất lượng và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.
VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao trong trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Thông qua giải quyết các vụ án, VKSND các cấp đã thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Cùng với đó, ngành Kiểm sát cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt nhiều chỉ tiêu so với yêu cầu của Quốc hội.
Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả tích cực; kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm; không để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao. |
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương, đánh giá cao thành tích ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, bên cạnh thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường đã tác động mạnh đến nước ta. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch covid 19 đã tác động ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, ngày càng phức tạp, đa dạng... Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngành Kiểm sát đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, kết quả công tác năm sau đạt cao hơn năm trước, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính. Kết quả công tác của ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khả thi, khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Để góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp của ngành Kiểm sát đã đề ra, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại. Chủ động, tích cực tham mưu, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố; tăng cường vai trò, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời tham mưu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm tốt cho hoạt động của hệ thống tư pháp, bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trước mỗi vụ việc phải đánh giá, cân nhắc thận trọng, khách quan, áp dụng pháp luật linh hoạt, đặt lợi ích của Nhà nước, nhân dân lên trên hết. Mọi tội phạm phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, đồng thời phân hóa rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.
Cùng với đó, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chú trọng việc thu hồi tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát; không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khắc phục triệt để việc giải quyết các vụ án quá hạn luật định, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, quyền lực trong hoạt động tư pháp là rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đến số phận và sinh mệnh của mỗi con người, đến danh dự mỗi cơ quan, tổ chức. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, chính là thực hiện sự phó thác của nhân dân về giám sát quyền lực Nhà nước trong hoạt động tư pháp. Vì thế, ngành Kiểm sát phải nắm vững và thực hiện đúng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này, nhất là phát huy vai trò cơ quan điều tra của Viện kiểm sát, bảo đảm cơ quan này thực sự là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp. Kịp thời phát hiện, kháng nghị xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, ngăn chặn lạm quyền, bảo đảm thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh đó, chú trọng phát hiện kịp thời vi phạm, nhất là vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý hiệu quả. Tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, nhất là kiểm sát thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Viện kiểm sát cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tồn đọng việc thi hành án. Ngoài ra, qua các vụ án, vụ việc, ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, đánh giá, phát hiện, chỉ ra những kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, hoàn thiện thể chế, kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, VKSND tối cao cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường trách nhiệm, tích cực, quyết liệt, nghiêm túc trong việc nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về việc xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình; quyết định đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Đây là việc làm nhân đạo thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước ta đối với những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã quy định trong Hiến pháp và pháp luật nước ta.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Kiểm sát cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; làm tốt vai trò cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự. Đặc biệt quan tâm nhiệm vụ đào tạo, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ngành; kiên quyết xử lý những cán bộ trong Ngành vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, công việc của các cán bộ ngành Kiểm sát hằng ngày, hằng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, với những cám dỗ đời thường, thậm chí là cả người thân của mình, vì thế, mỗi cán bộ của Ngành phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng, mỗi cán bộ, công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên và người lao động ngành Kiểm sát, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định trong thời gian tới, VKSND tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành có liên quan tham mưu Chủ tịch nước các biện pháp nhằm hiện thực hoá những kiến nghị của Ngành, giải quyết khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo sự phát triển tích cực cho toàn hệ thống tư pháp.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chứng kiến lễ ký Nghị quyết liên tịch giữa Ban cán sự đảng VKSND tối cao và Ban cán sự đảng TAND tối cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chứng kiến lễ ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Ban cán sự đảng VKSND tối cao và Ban cán sự đảng TAND tối cao nhằm tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về cải cách tư pháp của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật trong xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. |
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 100 % kiến nghị của cử tri
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị triển khai các quy định mới của Ban Bí thư về công tác báo chí, xuất bản tại khu vực phía Nam
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.