Chính phủ đề xuất dành 271 ngàn tỷ đồng cho phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số

16/05/2020 13:32

(kiemsat.vn)
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trình bày đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ dành 271 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho tư Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.

Tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Trước đó, vào ngày 24/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo báo cáo đề xuất của Ủy ban Dân tộc trình, Chương trình thực hiện đối với các xã, thôn có tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, theo 2 giai đoạn. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 là khoảng 204.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là hơn 210.500 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn như ngân sách Trung ương, địa phương, vốn tín dụng chính sách, các nguồn lực khác. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hằng năm trên 3%, tăng thu nhập hộ gia đình dân tộc thiểu số gấp trên 2 lần so với năm 2019 và đến năm 2030, tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Ủy ban Dân tộc đề xuất 10 dự án thuộc một số lĩnh vực khác nhau.

Ủy ban Dân tộc cho rằng, bên cạnh việc bố trí đủ, kịp thời nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, cần quan tâm bố trí vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay theo dự án quy mô vừa và nhỏ, tạo sinh kế cho người dân theo phương châm “vừa cho cần câu, vừa cho cá” tiến tới “chỉ cho cần câu, phải tự câu cá”.

Thủ tướng nhất trí nội dung Chương trình nên tập trung vào hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, “cho cần câu là chính nhưng cũng cho con cá trong một số trường hợp”. Đối với các công trình kết cấu hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm… cần rà soát kỹ, chỉ đầu tư những công trình thực sự cần thiết mà chưa được đầu tư trước đây. Chương trình cần nghiên cứu đưa vào các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Chương trình nên có cơ chế đặc thù, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành chương trình họp

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Chương trình được thiết kế thành 10 dự án, cụ thể là: Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực dân tộc; Dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS&MN . Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Cẩn trọng trong tính toán nguồn vốn

Trình bày Tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, tổng nguồn vốn Chương trình là hơn 271 nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 – 2025 là trên 137 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 134 nghìn tỷ đồng. Nguồn ngân sách Trung ương cho giai đoạn 2021-2025 trên 104 nghìn tỷ đồng. Căn cứ vào chủ trương đầu tư được Quốc hội phê duyệt, ở giai đoạn lập dự án khả thi, Chính phủ sẽ phân công các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án cụ thể trên cơ sở phát huy và đề cao trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho ý kiến về Tờ trình

Cho ý kiến về kinh phí thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, xuất phát từ thực trạng đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN hiện nay; căn cứ nhiệm vụ tại Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88 của Quốc hội thì tổng nguồn vốn đề xuất trên đây là con số tối thiểu để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển để xác định chính xác địa bàn, đối tượng, nên chưa rõ cơ sở của việc tính toán, định mức làm căn cứ đề xuất nguồn vốn.

Ông Chiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã thực hiện giai đoạn 2016-2020 có bao nhiêu chương trình và tổng nguồn vốn đã được bố trí cho vùng DTTS&MN (đặc biệt là các chính sách do các bộ, ngành quản lý và các chương trình mục tiêu khác). Cùng với đó phải xây dựng kịch bản, với nguồn vốn bố trí như hiện nay (thấp hơn nhiều lần đề xuất ban đầu) thì đáp ứng được bao nhiêu mục tiêu của giai đoạn 2021-2030. Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị nên có cơ chế ưu tiên nguồn vốn viện trợ nước ngoài, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, thu vượt ngân sách... để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS&MN.

Cùng quan điểm này, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với nguồn vốn trên 100 nghìn tỷ cho 5 năm thì không phải là lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải ước tính, mỗi năm chỉ khoảng 20 nghìn tỷ đồng thì tính khả thi của Chương trình sẽ rất khó bảo đảm. Với nhiều mục tiêu đặt ra mà nguồn lực không huy động thêm, e rằng việc thực hiện chương trình rất khó và tản mạn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần xét xem, vấn đề nào thực hiện xã hội hóa, vấn đề nào cần tập trung giải quyết để giải quyết ngay.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chương trình đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín. Đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương tiếp thu, bổ sung một số nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang