Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 1)

14/09/2017 08:30

Nếu không bắt được chúng, nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, khoa học thì không ai có thể tin rằng một chấn song sắt phi 18 bị cưa đứt trong ba giờ đồng hồ bằng một lưỡi dao cạo râu...

Những vụ án kinh điển!
Lịch sử chống tội phạm trong khoảng 20 năm trở lại đây của lực lượng công an Việt Nam có những vụ án đã trở thành kinh điển. “Kinh điển” ở đây không chỉ ở quy mô, mức độ nguy hiểm của các tổ chức tội phạm mà còn ở những chi tiết lạ lùng, những tình huống “có một không hai”, những cuộc truy lùng và cả những thủ đoạn quỷ quyệt khôn lường của bọn tội phạm. Thời Mới xin trân trọng giới thiệu lại với độc giả một phóng sự – điều tra nổi tiếng của nhà báo Nguyễn Như Phong.

Vụ hai tên tội phạm bị kết án tử hình trốn thoát khỏi Trại giam Hà Nội mới đây là bài học rất lớn không chỉ cho Trại giam Hà Nội mà còn cho các đơn vị khác trong công tác giam giữ cải tạo phạm nhân.

“Đây không phải là chiến công mà là việc chúng ta phải làm vì danh dự của Công an Hà Nội, vì sự nghiêm minh của pháp luật” – Thiếu tướng Phạm Chuyên, khi đó là Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã nói như vậy với hơn 500 cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia cuộc truy lùng hết sức mưu trí và gian khổ.

16 giờ 30 phút ngày 14/11/2001, tên Nguyễn Văn Thân đã được Thượng tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự và các trinh sát đưa về trụ sở của đơn vị, kết thúc cuộc săn đuổi kéo dài 17 ngày đêm với quy mô chưa từng có của Công an Hà Nội.

Tên Thân được đưa ra khỏi xe. Hắn đi từng bước nặng nề, cái lưng dài thườn thượt còng hẳn xuống, nhưng nét mặt thì hoàn toàn bình thản, dường như đối với hắn, kết cục này là tất yếu xảy ra, không cách gì tránh khỏi.

Nhận chai nước La Vie từ tay Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội, hắn tu một hơi hết nửa chai, phần còn lại, hắn đổ ra tay, vã lên mặt rồi thốt lên:

– Nước ngọt quá! Bây giờ thì chết được rồi. Năm ngày vừa rồi cháu toàn uống nước ruộng sặc mùi phân chuồng.

– Thế còn ăn cái gì ? – Thiếu tướng hỏi.

– Dạ, cháu ăn khoai sọ sống. Cháu xin ông có thi hành án thì bắn nhanh, còn nếu được sống giờ nào, cháu còn nghĩ cách trốn trại giờ đó.

Thiếu tướng Phạm Chuyên nheo mắt nhìn hắn. Với ông, phạm nhân tìm cách trốn trại giam là chuyện từ ngàn xưa đã có và mỗi cuộc vượt ngục đều là thể hiện sự liều lĩnh mãnh liệt của người tù giữa cái sống và chết, nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Không có cuộc vượt trại giam nào giống cuộc nào và phạm nhân chỉ từ bỏ ý nghĩ trốn trại nếu như người đó tìm cách trốn là vô ích và trốn ra được thì cũng sẽ bị bắt lại rồi mang thêm tội. Ông đã biết rất nhiều vụ phá trại giam và những vụ chúng trốn thoát thường là do quản giáo thiếu cảnh giác.

chien-dich-truy-lung-tu-tu-vuot-nguc-ha-noi-ky-1-06-.1160

Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Văn Thân

Ông thong thả hỏi hắn về những ngày hắn được “tự do” và đôi lúc gật đầu thông cảm với diễn biến tâm lý của một kẻ đã bị tòa phúc thẩm y án tử hình. Duờng như ông không để ý nhiều về hắn là kẻ tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đã khiến ông cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lao tâm khổ tứ hơn hai tuần liền, mà ông muốn tìm hiểu trong sâu thẳm của con người này những suy tư khác. Thiếu tướng bảo một cán bộ đi mua phở cho hắn ăn rồi đứng dậy:

– Cho ăn xong, các đồng chí đưa nó về chỗ cũ và phát lệnh thu quân.

Ông nói ngắn gọn như vậy rồi sang phòng họp.

Các thành viên trong Ban chỉ đạo chuyên án đã có mặt đầy đủ nhưng trên từng gương mặt không thấy lộ ra nét hân hoan, phấn khởi vốn có của những người lính công an mỗi khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

– Đây không phải là chiến công mà đây là việc làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật – Thiếu tướng Phạm Chuyên nói rồi ngừng lại và lúc này trên gương mặt của ông mới lộ vẻ xúc động – Tôi xin cảm ơn tất cả các đồng chí và các đồng chí chuyển lời cảm ơn của tôi tới tất cả cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị.

Không hiểu đến lúc nào thì lệnh thu quân mới đến hết các chiến sĩ hình sự, điều tra bởi lẽ còn hàng chục người đang ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái rồi Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk… Lúc này, dưới sân Phòng Cảnh sát hình sự, có từng tốp trinh sát trở về. Người cõng ba lô, người ôm theo chăn chiếu, anh súng dài, anh súng ngắn còn trang phục thì đủ kiểu, chàng complê cravát, chàng quần “ga” dép đúc, lại có anh vẫn còn dùng áo bạt… Nhiều anh em muốn xông vào phòng để nhìn cho rõ mặt tên tội phạm quái quỷ kia nhưng Thiếu tướng ngăn lại:

– Để cho nó ăn xong đã .

***

Mấy năm trước, trong đợt đi lấy tài liệu để viết phóng sự “Những người coi tù”, tôi đã được nghe kể nhiều về các thủ đoạn trốn trại giam hoặc trốn khỏi nơi cải tạo của phạm nhân. Hầu hết những vụ này đều mang những tình tiết mà người bình thường không thể nghĩ ra nổi. Điều này cũng dễ hiểu. Phạm nhân bị tù mấy ai không nuôi chí trốn trại và nhiều kẻ chỉ suốt ngày đêm nghĩ mưu nghĩ kế.

Trong điều kiện giam giữ ngặt nghèo, “cái khó ló cái khôn”, chúng đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế với những phương tiện cực kỳ đơn giản để phá trại. Có những vụ chúng cắt chấn song sắt chỉ bằng những sợi dây được bện bằng những mảnh vải xé ra từ quần áo, dùng nước muối ủ vào chân chấn song cho rỉ và dùng dây vải, trộn tí vữa tường cho tăng ma sát rồi “cò cưa” ngày này qua tháng khác khiến chấn song mòn dần, mòn dần…

Lại có vụ xảy ra vào những năm 80 ở trại giam một tỉnh phía Nam, có phạm nhân tử hình dùng dây đàn ghi ta cưa đứt khóa chân rồi đục tường đã đã bị bở vì ẩm nước, trốn mất. Năm 1984 tôi đã biết vụ tên tướng cướp Vũ Văn Mạnh ở TP HCM đã tự rạch bụng cho lòi ruột ra. Đưa hắn vào bệnh viện Nguyễn Trãi cấp cứu, bác sĩ khâu ổ bụng xong, thấy hắn vẫn còn mê man, mấy chiến sĩ gác bỏ đi ăn sáng thì gã đã vùng dậy, buộc chặt bụng lại, dùng ga trải giường làm dây tụt từ lầu một xuống, trốn mất.

Tuy nhiên, bây giờ những kế như giả ốm, tự hủy hoại thân thể để đi viện rồi tìm cơ hội trốn thì đã “xưa như Trái Đất”.

Cách đây 8 năm Tại trại giam Chí Hòa ở TP HCM có một vụ trốn trại của tên Phước “tám ngón” cũng đã từng gây chấn động.

chien-dich-truy-lung-tu-tu-vuot-nguc-ky-1

Phước “tám ngón”

Phước “tám ngón” là tên tội phạm hình sự hung hãn và quỷ quyệt hiếm có. Hắn đã thực hiện hàng chục vụ cướp và giết chết 8 người. Phải mất rất nhiều công sức săn đuổi, CSĐT Công an TP HCM mới tóm được hắn. Bị kết án tử hình vậy mà không hiểu bằng cách nào hắn có được một hộp lưỡi dao cạo râu Gillette. Hắn lấy hai chiếc bàn chải đánh răng hơ lửa cho mềm ra rồi uốn cong lại, nhét lưỡi dao lam vào rồi dùng dây dù nhỏ buộc ở hai đầu và kéo thật căng…

Bằng lưỡi dao cạo, hắn kiên nhẫn cưa khóa chân. Mỗi khi có quản giáo vào kiểm tra, hắn lại lấy cơm trét vào vết cắt rồi dùng tàn thuốc bôi vào cho sẫm màu. Cắt khóa chân xong, hắn đu lên lỗ cửa thông gió, phá nóc nhà rồi nhảy từ độ cao gần 8 mét xuống đất và bị bong gân. Cố nén đau, hắn lần đến nơi ở của một tổ cảnh sát bảo vệ, cuỗm ngay bộ quần áo cảnh sát đang phơi mặc vào.

Ra đến cổng, thấy có chiếc xe đạp dựng gần đó, hắn lấy luôn và đàng hoàng dắt ra khỏi cổng gác. Mấy anh lính gác trẻ chỉ hờ hững nhìn một người mặc quần áo cảnh sát, không quân hàm quân hiệu dắt chiếc xe đạp cũ tập tễnh… Vì mất cảnh giác mà sau này gần như toàn bộ Ban Giám thị cũng như nhiều cảnh sát bảo vệ, quản giáo đã bị kỷ luật nặng.

Biết rất rõ ràng công an sẽ truy bắt bằng mọi cách nên hắn thực hiện mưu kế “nơi sáng nhất chính là nơi có bóng tối nhất”, giống như dưới chân cột đến bao giờ cũng có khoảng tối. Vì vậy vào… trại tạm giam an nâu là phương án an toàn hơn cả! Hắn đi lên Đắk Lắk, gây ra một vụ trộm và bị bắt tống vào trại tạm giam của tỉnh. Trong khi CSĐT, CSHS Công an TP HCM mở cuộc truy lùng trên phạm vi 22 tỉnh phía Nam nhưng không thấy tăm hơi hắn đâu.

Phải mất ba tháng sau mới phát hiện ra hắn đang nằm trong trại giam.

Kiên nhẫn đến lỳ lợm, mưu mẹo như ma quỷ và đầy trí sáng tạo – đó là thuộc tính của những tên dám trốn khỏi nơi giam giữ. Vì thế với phạm nhân, đặc biệt là những kẻ phạm trọng tội, cảnh giác đến mấy cũng không đủ.

Vụ phá trại giam của hai tên Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam đêm ngày 27 rạng sáng ngày 28 vừa rồi cũng là dựa theo cách mà tên Phước “tám ngón” đã từng làm…

Nguyễn Như Phong

Theo PetroTimes

Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 2)

Tử tù khai báo về vụ giết người khác có thoát án tử?

Cơ quan điều tra VKSNDTC khởi tố vụ án tử tù trốn khỏi biệt giam

(Kiemsat.vn) - Ngày 14/9/2017, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/VKSTC-C1(P6) về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn” theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 1999, xảy ra tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an.

Chiến dịch truy lùng tử tù vượt ngục chưa từng có của Công an Hà Nội (Kỳ 2)

Vụ phá trại giam của hai tên Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam cũng là dựa theo cách mà tên Phước "tám ngón" đã từng làm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang