Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
(kiemsat.vn) Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, mới đây ngày 21/10/2022 Ban Bí thư tiếp tục có Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Chỉ thị số 17-CT/TW nêu, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, về vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Bí thư cũng nhận định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
Sự việc rau trôi nổi ở chợ đầu mối được dán nhãn VietGAP rồi đàng hoàng đặt trên kệ của một siêu thị lớn bán với giá rau sạch vừa xảy ra lại thêm một lần nữa khiến niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay, không chỉ với rau sạch mà với thực phẩm sạch nói chung đang được bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch. |
An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:
Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm…;
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm,...;
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng. Ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn…;
Đặc biệt là, với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương,..;
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Rau “trôi nổi” đội lốt VietGAP vào siêu thị Winmart, Tiki ngon: Liệu có “hòa cả làng”?
Tháng 9/2022, báo chí rầm rộ đưa tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods, có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã cung cấp rau "trôi nổi" có logo VietGAP cho các siêu thị Winmart thuộc Tập đoàn Masan (Tập đoàn này sở hữu chuỗi bán lẻ với có hơn 132 siêu thị WinMart và gần 3.000 cửa hàng Winmart+).
Đại diện Tập đoàn Masan có lên tiếng về việc đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ. Đồng thời, nhanh chóng yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết và sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi kiểm tra, xác minh đầy đủ.
Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay (gần 02 tháng), chưa thấy Tập đoàn Masan cung cấp thông tin thêm cho người tiêu dùng? Và đến nay người tiêu dùng vẫn không quên đặt ra câu hỏi rằng, trước đó (có thể là một khoảng thời gian rất dài trước khi bị phát hiện) Công ty TNHH nông sản Trình Nhi đã cung cấp cho các siêu thị của Winmart bao nhiêu tấn rau và đã được bán hết cho người tiêu dùng? Phải chăng sự việc trôi vào quên lãng và quyền lợi người tiêu dùng đang bị xem nhẹ?
Còn ở một diễn biến khác, ngày 21/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có công văn gửi Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh cùng Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh. Riêng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM và Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, Cục đề đề nghị tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung, kết quả triển khai đề nghị gửi báo cáo về Cục trước ngày 5/10.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đã có ý kiến chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí đã đưa về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, đồng thời, truy xuất, thu hồi, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định hiện hành, báo cáo về Sở trước ngày 26/9/2022.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM ngày 21/9 đã ký công văn yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội QLTT khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.
Thậm chí, ngay tối 22/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã tiến hành họp khẩn cấp với các đơn vị trực thuộc, các hiệp hội bán lẻ. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng,….
Tuy nhiên, đã gần 02 tháng trôi qua, cả cơ quan quản lý Nhà nước, cả Tập đoàn Masan đều nợ người tiêu dùng một lời giải thích đầy đủ, rõ ràng và thấu đáo vụ rau "trôi nổi" đội lốt VietGAP vào siêu thị Winmart.
Bài viết chưa có bình luận nào.