Chi cục THADS huyện Mê Linh: Có “bỏ quên” nghĩa vụ thực hiện hợp đồng ?

15/02/2022 17:00

(kiemsat.vn)
Hơn 12 tháng đã trôi qua, bà Hoàng Thị Hường người trúng đấu giá tài sản thi hành án của Chi cục THADS huyện Mê Linh vẫn mòn mỏi chờ đơn vị này bàn giao tài sản.

Như Kiemsat online đã phản ánh trong bài viết trước, vụ việc bà Hoàng Thị Hường (trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là người trúng đấu giá tài sản tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội; tuy nhiên kể từ thời điểm trúng đấu giá và hoàn thành các thủ tục về đấu giá xong, đến nay đã hơn 12 tháng trôi qua, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) vẫn chậm trễ bàn giao tài sản đấu giá cho bà.

Theo bà Hường, ngày 30/10/2020, bà là người mua trúng đấu giá tài sản đã thực hiện việc nộp tiền mua tài sản đúng theo quy định của pháp luật. Tài sản này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại thửa đất số 46-1, tờ bản đồ số 02, diện tích theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 245m2 (diện tích thực tế là 241,5m2) địa chỉ tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, có nguồn gốc là tài sản của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thêm. Tài sản trên được Chi cục THADS huyện Mê Linh tổ chức thi hành án theo đơn đề nghị của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Bản án số 12/2018/KDTM-ST ngày 26/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Tài sản đấu giá theo Hợp đồng số 62/2020/HĐMB-ĐG ngày 30/10/2020 giữa Chi cục THADS huyện Mê Linh và bà Hoàng Thị Hường.

Chi cục THADS huyện Mê Linh “bỏ quên” nghĩa vụ thực hiện hợp đồng?

Điều 6 của Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 62/2020/HĐMB-ĐG ngày 30/10/2020 giữa Chi cục THADS huyện Mê Linh và bà Hoàng Thị Hường nêu rõ: Khi người trúng đấu giá đã thanh toán toàn bộ tiền mua tài sản trúng đấu giá theo quy định của pháp luật thì Bên có tài sản đấu giá (Chi cục Thi hành án Dân sự Huyện Mê Linh) có trách nhiệm bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Địa điểm bàn giao tài sản là thửa đất số 46, tờ bản đồ số 02, diện tích theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 245 m2 (diện tích thực tế 241,5 m2), có địa chỉ tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là TP. Hà Nội)…

Đến nay, bà Hường cho biết, bà đã nhận được Quyết định số 09/QĐ-CCTHADS ngày 15/04/2021 của Chi cục THADS huyện Mê Linh về việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá; Quyết định số 17/QĐ CCTHADS ngày 23/04/2021 về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên tất cả mới chỉ là trên giấy, thực tế bà Hường vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá trên.

Thời hạn giao tài sản cho người mua được tài sản được pháp luật quy định:  
Khoản 1 Điều 103 Luật THADS 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để THA được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.
Khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 33/2020/NĐ-CP) cũng quy định rõ, trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa.

Ngày 23/04/2021, bà Hường tiếp tục có đơn yêu cầu Thi hành án giao tài sản trúng đấu giá. Sau gần 02 tháng, đến ngày 15/06/2021 bà mới nhận được Công văn số: 625/CV-THADS ngày 15/06/2021 của Chi cục THADS huyện Mê Linh trả lời đơn của bà. Tuy nhiên, theo bà Hường, Chi cục THADS huyện Mê Linh đã trả lời đơn một cách rất chung chung và không có tính thuyết phục trong việc chậm bàn giao tài sản trúng đấu giá.

Quá bức xúc với việc chưa được nhận tài sản trúng đấu giá mặc dù đã đóng đủ tiền, với số tiền không hề nhỏ, bà Hường đã nhiều lần làm việc với Chấp hành viên (ông Nguyễn Quang Độ) nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Sự việc diễn ra trong một thời gian dài, đến thời điểm hiện tại (tháng 01/2021) sau hơn 12 tháng bà Hường vẫn chưa nhận được tài sản trên. 

Bà Hường cho rằng, trong vụ việc của bà, Chấp hành viên đã không làm tròn trách nhiệm của mình, dẫn đến tình trạng vụ việc kéo dài gây ra rất nhiều phiền toái cho bản thân, cũng như gây ra thiệt hại lớn về chi phí đi lại, lãi suất ngân hàng cho khoản vay... ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân!

Điều 20 Luật THADS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên:
1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

Cục THADS TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo THADS huyện Mê Linh đã có văn bản trả lời về vấn đề này

Tại Văn bản số 3208/CTHADS-VP ngày 13/7/2021 Cục THANDS TP. Hà Nội cho biết: “Ngày 30/10/2020, bà Hoàng Thị Hường là người mua trúng đấu giá tài sản đã thực hiện việc nộp tiền mua tài sản đúng theo quy định của pháp luật”.

Cục THADS TP. Hà Nội cũng cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Thêm không tự nguyện chấp hành và chống đối không giao tài sản, cụ thể: “Sau khi tài sản kê biên được bản đấu giá thành, Chi cục THADS huyện Mê Linh đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương (xã Văn Khê) thực hiện vận động, thuyết phục gia đình ông Nguyễn Văn Thêm tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên ông Thêm và gia đình không nhất trí, chống đối không giao tài sản”. 

Ngày 04/6/2021, Chi cục THADS huyện Mê Linh tổ chức cuộc họp liên ngành về việc cưỡng chế và thông qua dự thảo kế hoạch cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Ngày 28/6/2021, Chi cục THADS huyện Mê Linh đã có văn bản báo cáo UBND huyện và Ban Chỉ đạo THADS huyện Mê Linh về việc tổ chức cưỡng chế đối với vụ việc này và một số vụ việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá khác đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản trên địa bàn huyện. 

Nhận định hướng giải quyết tiếp theo của vụ việc này, Cục THADS TP. Hà Nội cho biết, khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS huyện Mê Linh về việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản, Chi cục THADS huyện Mê Linh sẽ tổ chức thực hiện theo quy định.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với Phóng viên, ông Lê Văn Khương, Trưởng Ban chỉ đạo THADS – Phó Chủ tịch huyện Mê Linh cho biết, sau khi xem xét nội dung đề xuất của Chi cục Thi hành án, Trưởng Ban chỉ đạo THADS huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã có ý kiến chỉ đạo giao Chi cục THADS huyện tham mưu Ban chỉ đạo thi hành án huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người mua tài sản trúng đấu giá; cũng như triển khai thực hiện Kế hoạch công tác thi hành án trên địa bàn huyện Mê Linh năm 2021, UBND huyện chỉ đạo Chi cục THADS huyện Mê Linh tiếp tục rà soát, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, xây dựng dự thảo Kế hoạch cưỡng chế để tổ chức rà soát, đánh giá và chỉ đạo thực hiện ngay khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Thông tin từ Cục THADS TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo THADS huyện Mê Linh về giao tài sản trúng đấu giá cho bà Hoàng Thị Hường

Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, khi người mua trúng đấu giá tài sản đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá, vụ việc kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người mua, trách nhiệm của Chấp hành viên và Chi cục THADS huyện Mê Linh trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Điều 5, Điều 103 Luật THADS ra sao?

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!

Tiếp tục xác định khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 26/10/2021, tại Hà Nội, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính. Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị. 

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong Thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự còn gặp những khó khăn, vướng mắc, tác giả đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát lĩnh vực này như: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên…
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang