Cảnh giác với thủ đoạn kích động nhân dân biểu tình

11/06/2018 12:08

(kiemsat.vn)
Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; không tụ tập, tuần hành trái phép, thực hiện quyền dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Như thông báo của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Việc làm này thể hiện thái độ trọng thị, nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Đối với một dự án luật, việc có các ý kiến đa chiều của dư luận là bình thường, cần có sự tiếp thu, chỉnh lý và giải trình phù hợp để luật đi vào cuộc sống khi được ban hành.

Tuy nhiên, như SGGP phản ánh, trong ngày 10/6, tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành, một bộ phận người dân nghe theo lời kêu gọi “biểu tình ôn hòa” trên các trang mạng xã hội đã xuống đường tham gia vào các nhóm tụ tập đông người giễu hành, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nhiều nhóm người tụ tập thành đoàn, vừa đi vừa hô khẩu hiệu phản đối “cho thuê đất 99 năm”.

Giao thông TP HCM ách tắc ở nhiều tuyến đường vì dòng người xuống đường gây náo loạn (Ảnh: Vnexpress)

Tại TP HCM, sáng 10/6, hàng nghìn người tuần hành trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Duẩn, Nhà thờ Đức Bà, Công viên 30/4... căng băng rôn, biểu ngữ có nội dung "phản đối luật đặc khu"... Đoàn người sau đó tập hợp với các nhóm khác khiến giao thông nhiều nơi rối loạn.

Nghiêm trọng nhất là cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Từ sáng sớm, đông nghịt người tụ tập ở Công viên Hoàng Văn Thụ, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và nhiều tuyến đường xung quanh như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn... Nhiều hành khách phải kéo valy chạy bộ cả km vào sân bay, không ít người trễ chuyến. Giao thông khu vực này bị tê liệt tới 13h cùng ngày, cho tới khi những nỗ lực của lực lượng chức năng được huy động tới bắt đầu có hiệu quả...

Theo thông tin của báo Đại đoàn kết, cũng trong sáng 10/6, tại Quảng trường 2-4 TP Nha Trang xảy ra một vụ biểu tình gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Khi các lực lượng chức năng đang vận động, giải thích việc tụ tập đông người, cản trở giao thông là vi phạm pháp luật, một số kẻ quá khích đã lao vào để hành hung người thi hành công vụ. Nhiều đối tượng trà trộn kích động nhân dân tiếp tục biểu tình, gây rối. Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá, trong số đám đông tụ tập có nhiều thành phần "có âm mưu chống phá", bởi trước đó có nhiều tin nhắn kêu gọi xuống đường.

Tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), từ sáng, từng tốp nhỏ khoảng vài chục người tập trung tại một số địa điểm sau đó kéo ra Quốc lộ 1 chặn xe, phản đối dự thảo Luật Đặc khu. Càng về chiều, lượng người tụ tập càng đông.

Nghiêm trọng hơn, nhiều thanh niên đã ném gạch đá tấn công, đập phá ôtô công vụ.

Xe công vụ bị nhóm người quá khích đập phá ở Bình Thuận (Ảnh: Vnexpress)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, “việc người dân thể hiện quan điểm chính kiến của mình Nhà nước không cấm, song cần nằm trong khuôn khổ cho phép. Người dân cần phải hết sức bình tĩnh, tránh bị kích động dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật. Việc chặn Quốc lộ 1 gây ách tắc và có nhiều hành vi quá khích là không thể chấp nhận, cần xử lý nghiêm”, dẫn theo báo Đại đoàn kết.

Thời gian gần đây, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch tiếp tục diễn biến phức tạp; chúng triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, đối với một số dự thảo, dự án Luật đang được Quốc hội xem xét thảo luận và cho ý kiến, chúng đã âm mưu tác động, tuyên truyền hướng dư luận trước và trong khi diễn ra kỳ họp tại Quốc hội.

Trên mạng xã hội, một số đối tượng phản động trong nước và nước ngoài đang xuyên tạc, công kích, kêu gọi các cá nhân, tổ chức phản ứng về các dự án luật đang trong quá trình xây dựng như luật Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (hay Luật Đặc khu), Luật An ninh mạng.

TTXVN cho biết, Công an Bình Dương đang tạm giữ Trần Minh Huệ (37 tuổi, quê Thanh Hoá) và Nguyễn Đình Thành (27 tuổi, quê Nghệ An) vì hành vi in tài liệu, kêu gọi người dân xuống đường, gây rối an ninh trật tự. Cảnh sát đã thu giữ hàng nghìn tài liệu với nội dung kêu gọi người dân biểu tình, phản đối việc xem xét cho thuê đất làm đặc khu kinh tế. Tại cơ quan an ninh điều tra, Huệ thừa nhận làm theo sự chỉ đạo của các tổ chức phản động bên ngoài. Trong ngày 9/6, Công an TP HCM cũng tạm giữ một số người có hành vi tương tự.

Hiện nay, Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, nhưng những hành vi kêu gọi biểu tình đều được coi là trái phép.

Ngày 18/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Theo Điều 7 của Nghị định, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Hành vi biểu tình, tuần hành không đăng ký và chưa được phép của chính quyền địa phương là phạm pháp.

Theo Điều 112, Tội bạo loạn, BLHS năm 2015: "Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

 

Xem thêm >>>

Bắt đối tượng kích động biểu tình đập phá tài sản Formosa

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang