Bolero và những tranh luận trái chiều

07/09/2017 08:54

(kiemsat.vn)
– Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng, ít mang tính triết lý hay hình tượng nhiều, rất dễ thuộc và hát theo, Bolero đã và đang thu hút đông đảo khán giả mê say. Tuy nhiên, một số nghệ sỹ vẫn có một số ý kiến trái chiều về dòng nhạc này

Bolero lên ngôi

Bolero là thể loại nhạc trữ tình với giai điệu chậm, có xuất xứ từ các nước Latin. Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 Bolero nhanh chóng được đón nhận và có những tên gọi Việt nam hoá như nhạc “sến”, nhạc “vàng”… Đặc biệt, các nhạc sỹ Việt Nam đã đưa chất dân ca vào nhiều tác phẩm khiến Bolero càng tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người, dễ tạo nên cảm xúc khi nghe. Qua câu chuyện được kể trong từng tác phẩm, tình cảm và tâm tư của các nhân vật gặp được sự cộng hưởng của nhiều tâm hồn đồng điệu.

Chủ đề chính của các tác phẩm Bolero được nghe nhiều chính là tình yêu lứa đôi, buồn, tâm trạng … là những cảm xúc mà ai cũng có, cũng từng trải qua nên nhanh chóng có được cảm tình của khán giả. Người Việt Nam, dù ít hay nhiều chắc chắn đều sẽ ít nhất một vài lần nghe dòng nhạc này những năm 1980-1990 qua băng đĩa với những ca sỹ nổi tiếng như Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh … Cùng với sự phát triển của âm nhạc trong nước, môi trường biểu diễn ngày một thoáng hơn, dòng nhạc Bolero trở lại mạnh mẽ khi một số ca sĩ hải ngoại nổi tiếng với dòng nhạc này về nước biểu diễn.

Hai ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên được cho rằng đã có nhiều đóng góp cho sự “lên ngôi” của dòng nhạc Bolero tại Việt Nam

Hiện nay có nhiều Đài truyền hình đã có các gameshow âm nhạc mang chủ đề Bolero, nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng hát dòng nhạc này thu hút rất đông thí sinh tham dự. Tiêu biểu như Gameshow Tình Bolero của Đài Truyền hình Vĩnh Long đã bước sang mùa thứ 3 với chủ đề Hoan ca 2017. Đáng ngạc nhiên là miền Bắc, nơi người nghe nhạc được đánh giá là khó tính cũng sôi nổi đón nhận Bolero. Bây giờ chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy Bolero ở bất kỳ quán café, quán nhậu thậm chí cả đi đường, đi chợ khi các ca sỹ nghiệp dư vừa hát vừa bán kẹo cao su …  Nhiều quán bia, nhà hàng có ca nhạc nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng đã bắt đầu biểu diễn Bolero vào ngày cố định, mời thực khách lên cùng biểu diễn. Bolero dễ nghe, dễ hát, ai cũng hát được nhưng tất nhiên hát hay hay không lại là một câu chuyện khác.

Sự thụt lùi trong âm nhạc?

Tuy nhiên mới đây, ca sỹ Tùng Dương trong một bài phỏng vấn đã đưa ra quan điểm của mình về Bolero. Theo anh Bolero chỉ có giá trị về mặt hoài niệm và nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc.

Tùng Dương cho rằng Bolero thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc

Thực tế Tùng Dương không phải là nghệ sĩ đầu tiên thẳng thắn phê bình về hiện tượng bolero. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng gây ra không ít tranh cãi khi đưa ra nhận định thanh niên đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt là không được bình thường. Một số ít người tỏ ra đồng tình với quan điểm của ca sỹ Tùng Dương. Họ cũng cho rằng sự lên ngôi của bolero hiện nay tại thị trường âm nhạc chỉ là trào lưu, là sự nhất thời của thị hiếu âm nhạc.

Còn theo quan điểm của NSND Trung Kiên, việc phát triển mạnh Bolero trong thời đại này là không nên vì nó không mang đến những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc tích cực cho khán giả. NSND Trung Kiên không hiểu tại sao lại gọi đó là Bolero mà cho rằng đây là một biến tướng của nhạc vàng. Dòng nhạc này có thời kỳ nước ta phải hạn chế vì nó mang lại những tình cảm ủy mị, không phải cái ủy mị trong sáng, mà là một thứ ủy mị vàng vọt. “Là người giảng dạy và tổ chức nhiều chương trình, tôi không nói như Tùng Dương rằng nó làm đẩy lùi nền âm nhạc. Nhưng tôi thấy nó có cản trở quan điểm của khán giả, làm lệch quan điểm của một số thanh niên. Tôi không ủng hộ và thực ra tôi nghĩ cũng không nên phát triển mạnh nó”, nghệ sỹ thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.

NSND Trung Kiên: “Tôi không ủng hộ và thực ra tôi nghĩ cũng không nên phát triển mạnh Bolero” 

Nhận xét này của Tùng Dương ngay sau đó đã nhanh chóng vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhạc sỹ Tuấn Khanh cho rằng âm nhạc không có tội, nó hoàn toàn không đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược. Ngày nào công chúng còn công nhận thì dòng nhạc đó vẫn còn tồn tại. “Nếu hơn 60% những người nghe nhạc trên đất nước này vẫn đang chấp nhận Bolero, thì ý kiến trái chiều của Tùng Dương, Quốc Trung hay Lê Minh Sơn chỉ là một góc của sự khác biệt mà thôi”. Ca sỹ Phương Dung “con nhạn trắng Gò Công”, một nữ ca sỹ nổi tiếng hàng chục năm hát Bolero cũng không đồng tình với phát biểu của Tùng Dương, theo bà “Không có dòng nhạc nào thua hay kém, lỗi thời hay lạc hậu, hơn hay kém nhau ở chỗ người sáng tác và trình diễn có biết chạm được đến trái tim khán giả không mà thôi”.”

Có lẽ, đúng hay sai trong các quan điểm trên hãy để người nghe đánh giá, nếu cứ tạm tính mốc những năm 1950 là năm Bolero du nhập vào Việt Nam thì nó cũng đã quan hơn hơn nửa thế kỷ tồn tại. Sự “lên ngôi” của dòng nhạc Bolero tại Việt Nam thời điểm hiện nay đã minh chứng một điều, âm nhạc, bất kì thể loại nào, đều có sức sống trường tồn, mãnh liệt nếu đi vào lòng người.

Sơn Tùng

Ảnh: Internet

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang